Bà Rịa-Vũng Tàu ráo riết chạy đua để EU gỡ bỏ “thẻ vàng” thủy sản xuất khẩu

19:24' - 13/03/2018
BNEWS Các doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu, các cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã và đang ráo riết triển khai việc khắc phục cảnh cáo của EU.
Việc chống khai thác IUU chính là bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Việt Nam. Ảnh: Hoàng Nhị/BNEWS/TTXVN

Chỉ còn thời gian hơn 1 tháng để ngành thủy sản Việt Nam nói chung, Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng nỗ lực trong việc làm cho EU gỡ bỏ “thẻ vàng” cảnh báo việc đánh bắt cá bất hợp pháp, không quản lý và không khai báo (IUU) đối với thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Chính từ sự thúc bách này, các doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu, các cơ quan chức năng của tỉnh đã và đang ráo riết triển khai việc khắc phục cảnh cáo của EU.
Trong 4 tháng qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) và các doanh nghiệp ngành thủy sản đã có những hành động cần thiết để khắc phục thẻ vàng của EU đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Trong thời gian qua, Vasep đẩy mạnh đến 20 hành động cụ thể để thực hiện chương trình khắc phục thẻ vàng, tránh rơi vào việc bị EU rút thẻ đỏ (là toàn bộ thủy sản Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU); trong đó, việc thường xuyên là tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thanh tra, xử lý, điều tra các hành vi vi phạm khai thác IUU theo quy định tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính về thủy sản và Bộ luật Hình sự.
Về phía doanh nghiệp ngành thủy sản, hiện nay đã có gần 70 doanh nghiệp khai thác, chế biến, xuất khẩu thủy sản thuộc Vasep cam kết thực hiện IUU, trong số này có các doanh nghiệp của Bà Rịa-Vũng Tàu gồm: Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu (Baseafood); Công ty cổ phần Hải Việt và Công ty cổ phần Thủy sản và xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex).
Cụ thể, doanh nghiệp chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chỉ nhập khẩu hải sản khai thác có nguồn gốc, không thu mua hải sản của tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, khai thác không có giấy phép, không có nhật ký và không báo cáo theo quy định, khai thác bằng ngư cụ bị cấm. Doanh nghiệp cũng nói không với những loài hải sản quý hiếm, những sản phẩm đánh bắt có kích cỡ nhỏ hơn quy định...
Với những động thái tích cực, khắc phục sự cố thẻ vàng của các bộ, ngành và doanh nghiệp, ngành thủy sản hy vọng trong hai tháng tới, EU sẽ gỡ bỏ được cảnh báo đối với thủy sản Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này.
Ông Huỳnh Minh Tường, Phó Tổng Giám đốc Baseafood cho biết, hiện nay, các sản phẩm của công ty đã có mặt tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Vì vậy để bảo đảm cho hoạt động sản xuất và uy tín của doanh nghiệp, trước khi quyết định mua, công ty đã tìm hiểu, khảo sát cẩn thận nguồn gốc của nguyên liệu thông qua sổ nhật trình đánh bắt, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Đối với nguyên liệu nhập từ nước ngoài phải bảo đảm các chứng từ C/O (giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hang hóa do một quốc gia cấp), chứng chỉ, giấy xác nhận chứng nhận xuất xứ...
“Cho nên việc tham gia cam kết thực hiện IUU bảo đảm uy tín, quyền lợi của doanh nghiệp”, ông Tường nói.
Công ty Coimex cũng là doanh nghiệp nằm trong số doanh nghiệp ký cam kết mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ông Lê Văn Kháng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Coimex cho biết, không phải khi EU rút thẻ vàng cảnh báo đối với hải sản của Việt Nam doanh nghiệp mới thực hiện truy xuất nguồn gốc hải sản, việc làm này đã được doanh nghiệp thực hiện chặt chẽ suốt thời gian qua.
Công ty cổ phần Coimex thu mua nguyên liệu hoàn toàn ở thị trường trong nước, vì vậy để bảo đảm các tiêu chuẩn của các thị trường doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, tất cả nguyên liệu khi nhập về kho của Coimex đều phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
“Việc doanh nghiệp chủ động thực hiện ký cam kết trước hết nhằm bảo vệ thương hiệu của mình. Tuy nhiên, việc ký cam kết này cũng chỉ là hình thức, quan trọng là cần sự vào cuộc của cơ quan Nhà nước trong việc kiểm soát các tàu đánh bắt. Làm sao để tránh tình trạng các tàu cá vi phạm vùng lãnh thổ của nước khác.Như vậy việc quản lý, truy xuất nguồn gốc nguồn nguyên liệu mới đem lại hiệu quả”, ông Lê Văn Kháng chia sẻ.
Bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản trên địa bàn tỉnh, để EU gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam thì hiện nay các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đang ráo riết triển khai các hoạt động cụ thể.
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, để kịp thời khắc phục việc EU “rút thẻ vàng” đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực kết hợp nhiều biện pháp để vừa tuyên truyền vận động, vừa xử phạt kiên quyết tàu thuyền và ngư dân vi phạm.

Bên cạnh việc phối hợp tuyên truyền, hiện Sở đang xây dựng Đề án và lộ trình chuyển đổi nghề tàu lưới kéo và tàu khai thác hải sản ven bờ. Dự kiến Đề án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018 và bắt đầu triển khai từ năm 2019, hướng tới chấm dứt loại hình tàu lưới kéo trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng ra văn bản bắt buộc các tàu cá khai thác hải sản, kể cả tàu dịch vụ hậu cần phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định của pháp luật; không cấp giấy phép, gia hạn giấy phép khai thác đối với các tàu cá chưa trang bị hệ thống này; trong đó ghi đầy đủ các thông tin về vùng biển đánh bắt, loại ngư lưới cụ đánh bắt, thời gian bỏ lưới, thời gian kéo lưới, mẻ lưới, tên và trọng lượng loại hải sản đánh bắt…
Đối với các tàu từng vi phạm vùng đánh bắt, phải cung cấp được đầy đủ giấy tờ, sổ nhật ký và các hồ sơ xác nhận theo tiêu chuẩn châu Âu nếu không sẽ bị cấm biển. Sắp tới, Chi cục Thủy sản tỉnh đề xuất sơn màu tàu cá để thuận tiện trong việc quản lý, đồng thời triển khai thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm trên tàu.
Đồng thời, ngành chức năng cũng yêu cầu các tàu cá hoạt động trên biển phải bật thiết bị thông tin liên lạc 24/24 để cơ quan chức năng giám sát kịp thời phát hiện, cảnh báo các tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Song song đó, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang rà soát, kiểm tra lại chất lượng hoạt động của hệ thống các cảng cá trên địa bàn tỉnh để xây dựng kế hoạch kêu gọi đầu tư xã hội hóa để nâng cấp hiệu quả hoạt động của các cảng cá nói trên; hướng dẫn ngư dân đầu tư thiết bị đánh bắt chọn lọc, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong đánh bắt và bảo quản thủy sản đánh bắt để nâng cao giá trị.
Đồng thời, tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực để xúc tiến đưa tàu cá và ngư dân trong tỉnh sang hợp tác tại vùng biển các nước theo đề án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác tại một số nước.
Theo lộ trình, trong năm 2018 tỉnh sẽ thí điểm cho 7 doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực khai thác thủy sản sang đàm phán với Brunei; trong đó, dự kiến tổ chức cho khoảng 5-10 lượt tàu hoạt động nghề lưới vây, nghề câu vàng đi hợp tác khai thác tại vùng biển nước này. Tỉnh tiếp tục xây dựng và ban hành các quy định về phát triển nghề cá, đóng mới sửa chữa tàu trên địa bàn tỉnh theo hướng bảo vệ phục hồi phát triển nguồn lợi thủy sản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục