Việt Nam tích cực khắc phục "thẻ vàng" của EC đối với khai thác thủy sản

16:58' - 02/03/2018
BNEWS Tổng cục Thủy sản đã công bố danh sách tàu cá khai thác bất hợp pháp trên trang website Tổng cục Thủy sản. Từ đó nâng cao trách nhiệm quản lý của các địa phương có tàu cá vi phạm khai thác IUU.

Liên quan đến việc khắc phục "thẻ vàng" của Ủy ban chấu Âu (EC) đối với việc khai thác thuỷ sản của Việt Nam, tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 2/3, bà Nguyễn Thị Phương Dung, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thuỷ sản thông tin, trong thời gian qua, toàn bộ hệ thống chính trị của Việt Nam (từ Trung ương tới địa phương, cộng đồng ngư dân) đã hành động quyết liệt nhằm ngăn chặn, phòng ngừa, chống hành vi khai thác IUU (khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định).

Tổng cục Thủy sản đã công bố danh sách tàu cá khai thác bất hợp pháp trên trang website Tổng cục Thủy sản.. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Bà Dung cho biết, với một hàng loạt các giải pháp mang tính cấp bách, khẩn trương tập trung như: rà soát và ban hành bổ sung các quy định về chống khai thác IUU tại các văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức triển khai các quy định đã được ban hành; tuyên truyền phổ biến về các giải pháp cấp bách chống khai thác IUU tới cộng đồng ngư dân và các bên có liên quan; tăng cường hợp tác với các quốc gia ven biển, các quốc đảo để ngăn chặn hành vi khai thác IUU; thực hiện đối thoại với EU, cập nhật tiến độ mà Việt Nam đã và đang triển khai nhằm cải thiện quản lý nghề cá theo hướng nghề cá có trách nhiệm...

Cụ thể, Luật Thủy sản sửa đổi năm 2017 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 21/11/2017. Theo đó, Luật Thủy sản năm 2017 đã nội luật hóa tối đa các khuyến nghị của EC về khai thác IUU.

Các quy định liên quan đến khai thác IUU được thể hiện trong hầu hết trong các chương, điều của Luật Thủy sản năm 2017 từ chương quy định chung, quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý hoạt động khai thác thủy sản, quản lý tàu cá, cảng cá đến trách nhiệm của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương trong quản lý khai thác IUU.

Ngay sau khi Luật Thủy sản được thông qua, các nội dung được giao Chính phủ, Bộ trưởng hướng dẫn đã được rà soát để xác định số lượng văn bản cần ban hành để hướng dẫn các điều, khoản được giao trong Luật.

Bên cạnh đó, để đảm bảo triển khai các khuyến nghị của EC trong khi Luật Thủy sản chưa có hiệu lực thi hành, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã kịp thời tiến hành sửa đổi, ban hành các văn bản để thực hiện.

Tổng cục Thủy sản đã công bố danh sách tàu cá khai thác bất hợp pháp trên trang website Tổng cục Thủy sản. Từ đó nâng cao trách nhiệm quản lý của các địa phương có tàu cá vi phạm khai thác IUU.

Theo bà Dung, thời gian qua, các địa phương đã tích cực tuyên truyền và triển khai các biện pháp quyết liệt. Tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp tại vùng biển của các quốc gia khác đã giảm rõ rệt sau khi Thủ tướng ban hành Công điện 732, Chỉ thị 45.

Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hội nghề cá Việt Nam và các tổ chức chính trị, chính trị xã hội đã triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về khai thác IUU.

Cụ thể, VASEP đã tổ chức các hoạt động cùng cộng đồng doanh nghiệp hải sản tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quy chế cam kết không thu mua và nhập khẩu nguyên liệu hải sản khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nói không với những hải sản bị cấm đánh bắt, xây dựng quy tắc thu mua hải sản minh bạch...

Hội nghề cá cũng có văn bản gửi tới Hội nghề cá, Hội Thủy sản các tỉnh ven biển và các hội viên tập thể hội nghề cá Việt Nam về việc triển khai các biện pháp chống khai thác IUU; tập trung vào tuyên truyền, hướng dẫn về quy định pháp luật, thực thi các quy định về quản lý khai thác và các biện pháp bảo tồn, vận động doanh nghiệp, chủ tàu tham gia hợp tác với các quốc gia Brunei, Papua New Guinea... trong khai thác hải sản.

Trước đó, ngày 23/10/2017, EC có thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo bằng thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU. Đồng thời, EC đưa ra 9 khuyến nghị Việt Nam cần phải thực hiện ngay trong 6 tháng (từ 23/10/2017 đến 23/4/2018)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục