Bài 1: Thuỷ điện Buôn Kuốp áp dụng công nghệ mới cảnh báo lũ từ xa

14:36' - 06/08/2017
BNEWS Công ty Thủy điện Buôn Kuốp áp dụng công nghệ mới vào việc cảnh báo lũ từ xa cho chính quyền và người dân trong vùng.
Thuỷ điện Buôn Kuốp áp dụng công nghệ mới cảnh báo lũ từ xa. Ảnh minh họa: TTXVN

Thôn Xuyên Hải, xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô, tỉnh Đắc Nông - một thôn nhỏ nằm ven dòng sông Krông Nô và cũng là một trong những điểm nóng về an toàn, nhất là mùa mưa bão.

Dòng sông Krông Nô dài khoảng 60 km từ hồ thủy điện Buôn Kuốp xuống hạ du. Vùng hạ du là nơi tập trung dân cư đông đúc, địa chất yếu, dễ gây sạt lở. Đây cũng là vùng trồng lúa, ngô, cà phê của 8 xã thuộc 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.

Theo ông Nguyễn Tấn Triết, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, do địa hình như vậy nên vào mùa mưa thường gây ngập lụt lớn, còn mùa khô thì khi vận hành tổ máy phát điện có thể gây hiện tượng sạt lở tại các vị trí bờ sông uốn khúc…

Vì lý do đó mà Công ty luôn mong muốn có giải pháp để cảnh báo lũ từ xa một cách chính xác, kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tế để giảm thiệt hại cho hạ du.

Trong giai đoạn đầu khi tích nước hồ chứa vào tháng 7/2009, nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah đã sử dụng còi cảnh báo kết hợp với biển cảnh báo tại khu vực đông dân cư sau nhà máy.

Khi chạy máy hoặc xả lũ cũng dùng còi cảnh báo lắp tại đập tràn Nhà máy để cảnh báo cho nhân dân trong vùng chủ động phòng tránh. Giải pháp này có ưu điểm nhanh gọn, kịp thời, nhưng phạm vi thông báo hẹp với bán kính khoảng 5 km.

Cùng với đó, nhà máy dùng loa trang bị trên xe lưu động đi dọc hạ lưu để yêu cầu người dân ra khỏi lòng sông nhằm đảm bảo an toàn. Giải pháp này mất nhiều thời gian, nhất là đường xá đi lại khó khăn cũng là trở ngại không nhỏ trong quá trình thực hiện.

Trong khi đó, việc dùng điện thoại di động thông báo đến chính quyền địa phương để cảnh báo tình huống nguy hiểm cho nhân dân phải thông qua nhiều cấp chính quyền nên không kịp thời.

Khắc phục những hạn chế này, các kỹ sư, công nhân Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã tìm tòi, nghiên cứu, áp dụng công nghệ vào cảnh báo lũ.

Theo đó, Công ty đã từng bước thiết lập các trạm cảnh báo từ xa qua sóng di động để thông báo đến chính quyền và nhân dân trong vùng về tình hình chạy máy và điều tiết nước về vùng hạ du trong mùa khô cũng như trong mùa lũ.Đến nay, Công ty đã thiết lập được 16 trạm cảnh báo dọc theo bờ sông vùng hạ du các hồ chứa; trong đó buôn Tua Srah có 13 trạm và buôn Kuốp 3 trạm.

Ông Nguyễn Đức, Trưởng phòng kỹ thuật của Công ty cho biết, hệ thống gồm thiết bị nhận cuộc gọi di động, mạch điều khiển, Amply, loa phóng thanh…

Khi có cuộc gọi đến, mô đun điều khiển cho phép bắt máy, còi trên mạch điều khiển chính sẽ phát ra 5 tiếng bíp để thông báo cho đầu gọi biết tình trạng của mạch còn tốt. Tiếp đến hệ thống bật âm kết nối ra loa phóng thanh để nhân viên vận hành đọc thông báo. Khi kết thúc thông báo, hệ thống trở lại trạng thái chờ.

Tất cả các trạm cảnh báo lũ từ xa này đều được các địa phương lựa chọn điểm lắp đặt ngay tại nhà dân hoặc các điểm đông dân cư dọc theo khu vực hạ du. Kinh phí đầu tư xây dựng, lắp đặt và trang thiết bị khoảng 60 triệu đồng/trạm từ nguồn kinh phí của Công ty Thủy điện Buôn Kuốp.

Công nhân Nhà máy thủy điện Buôn Kuốp kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống cửa xả. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Chúng tôi gặp bà Lê Thị Hải, sống gần trạm cảnh báo lũ từ xa tại thôn Xuyên Hải, xã Đức Xuyên, Krông Nô, Đắk Nông. Bà Hải cho biết, những năm gần đây, nhờ có hệ thống cảnh báo lũ từ xa nên người dân hai bên sông Krông Nô luôn nắm được thông tin một cách kịp thời về việc chạy máy thủy điện hoặc xả lũ để chủ động di dời tài sản, sẵn sàng ứng phó khi nước về.

“Việc cảnh báo được thực hiện mỗi lần trước 4 tiếng, 2 tiếng và 30 phút nên người dân rất yên tâm, đảm bảo an toàn cho nhân dân ven sông. Tiếng cảnh báo nay đã trở nên thân quen và hầu như người dân ở ven sông đều thuộc lòng rồi”, bà Hải nói.

Theo ông Nguyễn Đức, đây là hệ thống không dây điều khiển từ xa, không cần phải thiết lập phòng điều khiển cũng như kéo dây từ phòng điều khiển trung tâm tới tủ điều khiển. Người điều khiển có thể từ bất kỳ nơi nào sử dụng hệ thống thông qua điện thoại cố định hoặc không dây.

Hệ thống trang bị bộ UPS cấp nguồn nên có tính khả dụng cao, thời gian hoạt động khi mất nguồn lên đến 30 giờ.

Ngoài ra, hệ thống có tính chọn lọc cao, chỉ có những số được nạp trong danh sách mới được phép điều khiển, nhưng cũng rất linh hoạt. Đơn cử chỉ cần nạp thêm số điện thoại của Ban chỉ huy Phòng chống Lụt bão là có thể thực hiện thông báo lũ từ văn phòng này.

Hơn nữa, hệ thống có cấu tạo đơn giản nên rất dễ bảo trì, không cần đào tạo người vận hành có trình độ.

Theo Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, từ khi đưa vào hoạt động đến nay, các trạm cảnh báo lũ từ xa đã phát huy hiệu quả trong công tác cảnh báo lũ, giúp người dân vùng hạ du chủ động phòng ngừa và giảm thiểu thiệu hại do lũ gây ra. Đặc biệt, đến nay chưa xảy ra thiệt hại về người do điều tiết, xả lũ.

Hiệu quả của các trạm cảnh báo lũ từ xa của Công ty thủy điện Buôn Kuốp đã được nhiều Công ty thủy điện học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và áp dụng như: Công ty thủy điện Sông Tranh, Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ, Ban Quản lý dự án thủy điện 7 (Công ty thủy điện An Khê - Ka Nak)…

Ngoài việc cảnh báo lũ từ xa, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cũng tiến hành lắp đặt các trạm đo mưa tự động và cung cấp toàn bộ thông tin về quan trắc và vận hành hồ chứa lên mạng internet qua webside buonkuop.vn/pclb để các cơ quan chức năng và nhân dân trong vùng theo dõi.

Ông Nguyễn Tấn Triết cho hay, Công ty đã trang bị màn hình và các máy tính bảng để theo dõi thông số quan trắc và vận hành các hồ chứa tại Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tại tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, các huyện liên quan để theo dõi và nắm bắt kịp thời diễn biến vận hành điều tiết các hồ chứa.

Nhờ sự chủ động trong ứng dụng công nghệ và cung cấp thông tin về vận hành, điều tiết hồ chứa tới các cấp chính quyền và người dân, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã nâng cao hiệu quả trong công tác cảnh báo lũ, giúp bảo đảm an toàn công trình và cho người dân khi vận hành, góp phần giảm lũ và hạn chế thiệt hại cho hạ du…/.

>>>Bài 2: EVN HCMC hiện đại hóa quản lý và vận hành hệ thống điện

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục