Bàn về triển vọng hợp tác Việt Nga

19:38' - 02/06/2017
BNEWS Trong khi hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật được kỳ vọng nâng lên thì vấn đề đào tạo nhân sự, nhất là nhân sự biết cả tiếng Nga và Việt là rất quan trọng, song lại chưa được đầu tư dài hạn.

Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, ngày 1/6, Trung tâm Chiến lược Nga tại châu Á, thuộc Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã tổ chức Hội thảo bàn tròn “Đối tác chiến lược toàn diện Nga - Việt Nam trong điều kiện toàn cầu hóa. Thành tựu, khó khăn và triển vọng hợp tác trong thế kỷ XXI”.

Tham dự và trình bày tham luận tại hội thảo có hầu hết các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, các Giáo sư, Tiến sỹ đến từ Viện Kinh tế, Viện Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Trung tâm Nghiên cứu tổng thể và quốc tế của Trường Kinh tế cao cấp, các nghị sĩ Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga), trợ lý nghị sĩ Hội đồng Liên bang.

Khách mời từ phía Việt Nam có Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga và các nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội.

Chủ tịch Ủy ban điều lệ và tổ chức hoạt động quốc hội Hội đồng LB Nga A.V. Kutepov đã gửi điện mừng nêu rõ trong giai đoạn hiện nay, hợp tác kinh tế và khoa học, dựa trên việc trao đổi kinh nghiệm, đối thoại trực tiếp và tin tưởng lẫn nhau có giá trị đặc biệt với Nga và Việt Nam.

Các tham luận tại Hội thảo đề cập các phương diện hợp tác thành công giữa LB Nga và Việt Nam thời gian qua, đặc biệt tập trung vấn đề Khu vực Thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) và Việt Nam và tác động của nó đến phát triển quan hệ song phương.

Giáo sư Svetlana Glinkina, Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đánh giá dù FTA được ký trong thời điểm không thuận lợi khi gần như tại tất cả các nước, trong đó có Nga, đều xảy ra tình trạng đồng nội tệ mất giá, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm, những việc ký kết thỏa thuận trên cho thấy mong muốn hợp tác của cả hai bên.

Giáo sư, Tiến sỹ khoa học G.Toloraya, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Nga tại Châu Á - Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Chuyên gia Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga, phân tích vào thời điểm ký kết hiệp định thương mại tự do với EAEU, Việt Nam đã có kinh nghiệm đáng kể từ việc tham gia vào Khu vực tự do thương mại tự do ASEAN (AFTA).

Việc tham gia AFTA đã giúp Việt Nam tăng khối lượng thương mại với các nước hàng đầu Đông Á - Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Những lý do khác khiến Việt Nam được chọn là đối tác của EAEU trong thành lập FTA là tình hình chính trị ổn định, Việt Nam còn đóng vai trò cầu nối của Nga trong việc mở cửa thị trường ASEAN.

Ở góc độ kinh tế, trong thời kỳ 2010-2015, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao bền vững từ 5-6%, dự trữ ngoại tệ tăng lên mức 38 tỷ USD và dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài thường xuyên.

Phó Trưởng ban châu Á-Thái Bình Dương, Trung tâm Nghiên cứu Tổng thể và Quốc tế của Trường Kinh tế cao cấp Anastasia Pyatachkova khẳng định chính sách tăng cường hợp tác với châu Á-Thái Bình Dương là nhu cầu cấp bách, một yếu tố quan trọng để phát triển đất nước và duy trì vị thế là một cường quốc của Nga trong thế kỷ XXI.

Ngoài ra, hợp tác với Việt Nam và ASEAN là bàn đạp tốt để thực hiện mục tiêu này. Nga cần thiết lập lại chính sách của mình đối với một số quốc gia Đông Nam Á và ASEAN.

Các ý kiến khác tại hội thảo cũng chỉ ra rằng trong khi hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật được kỳ vọng nâng lên quy mô mới, thì vấn đề đào tạo nhân sự, cụ thể là nhân sự biết cả hai thứ tiếng Nga và Việt là rất quan trọng, song lại chưa được đầu tư dài hạn trong nhiều năm qua.

Đặc biệt là nguồn nhân sự biết tiếng Nga tại Việt Nam đã giảm kể từ sau khi Liên Xô tan vỡ và chưa được bổ sung đủ đáp ứng với nhu cầu.

Ngoài ra, công tác tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp cũng chưa được tập trung thành các đầu mối thống nhất.

>>> Diễn đàn “Vành đai và Con đường”: Tổng thống Nga kêu gọi tăng cường quan hệ Á-Âu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục