Bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Tính thống nhất xây dựng quy hoạch tổng thể

14:31' - 26/05/2017
BNEWS Sáng 26/5, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quy hoạch.

Các đại biểu đánh giá, dự thảo Luật đã tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 và khi trình ra Quốc hội lần này cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khoăn về các tiêu chí điều chỉnh quy hoạch; quy trình lập quy hoạch… đòi hỏi cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phải nghiên cứu, làm rõ thêm nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án Luật khi được thông qua.
Bên lề Kỳ họp thứ 3, sáng 26/5, đại biểu Hoàng Văn Cường ( Đoàn Hà Nội) cho biết, quy hoạch phải điều chỉnh để phù hợp với biến động. Tuy nhiên, hiện nay, việc này được thực hiện rất tùy tiện và có ý kiến lo ngại điều chỉnh quy hoạch là do ý chí chủ quan của nhà quản lý, theo nhiệm kỳ.

“Dự án Luật đưa ra 6 cơ sở để điều chỉnh quy hoạch nhưng quy định còn rất chung chung. Ví dụ, theo dự án Luật, khi có sự điều chỉnh mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội hoặc biến động bất thường của tình hình kinh tế - xã hội... đều có thể điều chỉnh đư ợc quy hoạch.

Trong môi trường kinh tế - xã hội thường xuyên thay đổi như hiện nay, nếu quy định như vậy sẽ rất dễ là cái cớ để các nhà quản lý nếu muốn điều chỉnh có thể thực hiện được ngay”, đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.

Đại biểu Cường đề nghị, cơ quan soạn thảo cần làm rõ, cụ thể hơn các tiêu chí để điều chỉnh quy hoạch để việc điều chỉnh này không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chuyên gia hay nhà quản lý.
Đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan soạn thảo khi trình Quốc hội dự án Luật lần này, tuy nhiên đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) vẫn còn băn khoăn với quy định về quy trình lập quy hoạch (điều 16).

Theo đó, Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì, tổ chức lập quy hoạch sẽ lựa chọn đơn vị tư vấn, xác định các yếu tố, nguồn lực, bối cảnh phát triển để đánh giá tình trạng, nêu quan điểm, mục tiêu và những định hướng chính.

Sau đó, giao lại cho các bộ ngành, cơ quan và địa phương liên quan để thuê tư vấn, tổ chức xây dựng quy hoạch chi tiết ở lĩnh vực phân công rồi mới tổng hợp lại.

“Với quy trình như vậy, nếu áp dụng với quy hoạch tổng thể cấp quốc gia hoặc quy hoạch vùng, số lượng tổ chức tư vấn có thể lên tới 100 đơn vị.

Vậy làm thế nào để các đơn vị này có thể phối hợp với nhau để đảm bảo tính thống nhất về quan điểm và nội dung quy hoạch, từ đó xây dựng quy hoạch mang tính tổng thể và bền vững?”, đại biểu Bùi Thanh Tùng đạt vấn đề.

M ột nội dung khác được đại biểu Bùi Thanh Tùng quan tâm là danh mục các quy hoạch ngành Quốc gia (tại phụ lục 1) có sự chồng chéo, thiếu đồng bộ và mâu thuẫn về thẩm quyền. Cụ thể, trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản theo Luật Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan được giao quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này và được giao chủ trì trong việc cấp phép thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản.

Tuy nhiên, danh mục các quy hoạch ngành Quốc gia lại chỉ có hai loại quy hoạch gồm: Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản cấp quốc gia giao cho Bộ Công Thương lập quy hoạch và Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng cấp quốc gia giao cho Bộ Xây dựng.

“Một quy hoạch nhưng có hai bộ cùng triển khai nhưng cả hai bộ này không được giao lĩnh vực quản lý Nhà nước chính trong lĩnh vực khoáng sản. Vấn đề này cần được nghiên cứu, bổ sung và điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi của Luật”, đại biểu Bùi Thanh Tùng nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục