Thanh Oai (Hà Nội) phát triển đô thị xanh, sinh thái ở cửa ngõ phía Nam Thủ đô

19:07' - 26/11/2024
BNEWS Thanh Oai có vị trí chiến lược trong phát triển phía Tây Nam Hà Nội. Địa phương "cửa ngõ" của Thủ đô được định hướng sẽ trở thành quận xanh, sinh thái đến khoảng năm 2030.

Thanh Oai có vị trí chiến lược trong phát triển phía Tây Nam Hà Nội. Địa phương "cửa ngõ" của Thủ đô được định hướng sẽ trở thành quận xanh, sinh thái đến khoảng năm 2030. Theo đó, huyện đang tập trung phát triển đô thị theo hướng xanh, sinh thái, thông minh, hiện đại; tăng cường liên kết không gian đô thị và nông thôn ràng buộc trên góc độ sinh thái tự nhiên. Phát triển hài hòa đô thị và nông thôn theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân cả khu vực đô thị và nông thôn.

*Định hướng đô thị xanh, giàu bản sắc

Để từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành quận xanh, sinh thái của Thủ đô, huyện Thanh Oai sẽ xây dựng các khu vực nông thôn tiệm cận với tiêu chí của đô thị, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng các làng nghề thành không gian văn hóa phục vụ phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, mô hình nông nghiệp nông thôn, nông nghiệp trải nghiệm.

Thanh Oai đặt mục tiêu đến năm 2045, người dân trên địa bàn huyện có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; Thanh Oai là quận xanh, sinh thái thu hút, phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, huyện định hướng khi phát triển thành quận vẫn giữ được những nét đặc trưng của vùng đất giàu lịch sử, văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện phát triển mới, huyện đã đề xuất cập nhật vào Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Oai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 một số quy hoạch mang tính đột phá.

Lãnh đạo huyện quyết liệt, sát sao chỉ đạo đơn vị chuyên môn thận trọng, kỹ lưỡng, bài bản lập quy hoạch, cùng với tiếp thu, tham khảo ý kiến, kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp trong lĩnh vực đô thị về những tiêu chí quận sinh thái, đô thị xanh kiểu mẫu.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, định hướng phát triển Thanh Oai trở thành quận xanh, sinh thái là rất đúng đắn. Lựa chọn này là thông minh và đúng với xu thế của thời đại, của đất nước. Lợi thế lớn nhất của huyện Thanh Oai là xây dựng, phát triển từ huyện lên quận xanh, sinh thái mới hoàn toàn chứ không phải từ chuyển đổi từ quận bình thường sang quận xanh.

Đề cập đến các giải pháp để thực hiện định hướng trên, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, Thanh Oai cần định hình rõ mục tiêu, hình thái quận trong tương lai đó là xanh, sinh thái và xuyên suốt ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, không gian, thậm chí là "xanh" trong công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, dịch vụ - thương mại… Do vậy, yếu tố quan trọng nhất để huyện thực thi, cụ thể hóa các nhiệm vụ chính là nguồn lực và cơ chế, chính sách.

PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, Thanh Oai cần xác định rõ những ưu tiên, tránh chung chung; từ đó đề xuất cơ chế, chính sách với thành phố Hà Nội và Trung ương, với tâm thế huyện xây dựng thành quận "xanh" hình mẫu của Thủ đô và cả nước.

Để hướng tới đô thị xanh, giàu bản sắc, TS.KTS Lê Thị Bích Thuận cũng khuyến nghị Thanh Oai cần lựa chọn các giải pháp tạo không gian cảnh quan làng xã xanh - sạch - đẹp, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống làng xã. Các xã ven đô chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo lập không gian gắn kết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, xây dựng hình ảnh nông thôn đa dạng và có đặc trưng riêng.

Cũng từ thực tế khảo sát, nghiên cứu, đánh giá hiện trạng huyện Thanh Oai, các chuyên gia Trường Đại học Xây dựng đã đưa ra những nhận định và giải pháp định hướng phát triển của huyện. Hiện, huyện Thanh Oai gặp một số khó khăn trong việc xây dựng bộ tiêu chí môi trường định hướng quận xanh, sinh thái. Cụ thể, thiếu các hướng dẫn, tiêu chí xanh, sinh thái cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam; thiếu hệ thống các tiêu chí và tiêu chuẩn mang tính thống nhất để làm cơ sở đánh giá; hay việc kết hợp 2 mục tiêu xanh và sinh thái sẽ khó cho việc áp dụng tổ hợp 2 mục tiêu khi tham khảo các phương pháp tính toán của thế giới.

Các chuyên gia Trường Đại học Xây dựng khuyến nghị cần nghiên cứu kỹ điều kiện hiện tại của huyện để đề xuất bộ tiêu chí tiệm cận với phương pháp hướng dẫn của các quốc gia khác nhưng vẫn nêu bật thế mạnh và bản sắc của Thanh Oai.

Mặt khác, các tiêu chí về chất lượng môi trường cần được đặt lên hàng đầu; trong đó, chú trọng kiểm soát hoạt động xả thải cũng như chất lượng môi trường tại các làng nghề, cụm công nghiệp; xác định các tiêu chí về nhận diện và bảo tồn các công trình, không gian di sản truyền thống có giá trị, ý nghĩa với cộng đồng; bổ sung tiêu chí về nông nghiệp đô thị, duy trì hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học của cây xanh cảnh quan. Đặc biệt là tiêu chí gìn giữ, kế thừa và phát huy không gian, cảnh quan tự nhiên, tổ hợp kiến trúc, cảnh quan làng nghề…nhằm tránh tình trạng đô thị hóa hiện đại nhưng rập khuôn, thiếu bản sắc.

*Cần nguồn lực và cơ chế, chính sách

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, theo quy hoạch của thành phố Hà Nội, huyện Thanh Oai là vành đai xanh của Thủ đô. Huyện đang tổ chức lập quy hoạch vùng huyện, trong đó tập trung quy hoạch các khu đô thị, trung tâm hành chính, kho bãi, logistic với lợi thế là huyện cửa ngõ Thủ đô với sự kết nối giao thông thuận lợi như đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đường trục kinh tế huyện, Quốc lộ 21B mở rộng kết nối, liên kết vùng thuận lợi đem lại lợi thế nhất định cho địa phương.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo huyện Thanh Oai, với đặc thù là một huyện ngoại thành của Thủ đô, đi lên từ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, làng nghề với quy mô nhỏ nên kinh tế và nguồn lực của huyện còn không ít những khó khăn, hạn chế.

Là huyện giáp ranh với quận Hà Đông nhưng có thể thấy, hệ thống hạ tầng của huyện Thanh Oai còn nhiều hạn chế. Nhiều tuyến đường nhỏ hẹp, lâu ngày chưa được đầu tư cải tạo, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và kết nối vùng. Thanh Oai chưa thực sự là "đầu tàu" của các huyện phía Nam thành phố như Ứng Hòa, Mỹ Đức; trong khi Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội định hướng, Thanh Oai phấn đấu trở thành quận trong giai đoạn 2026 - 2030.

Xác định được tính chất quan trọng của việc phát triển hạ tầng khung sẽ quyết định đến kết nối của một vùng, một địa phương, những năm vừa qua, tập thể lãnh đạo huyện Thanh Oai phải trăn trở, suy tư làm sao để khai thác được tiềm lực, lợi thế cửa ngõ Thủ đô, trở thành động lực phát triển của các huyện phía Nam thành phố như kỳ vọng. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ thứ 23 nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Thanh Oai xác định "phát triển hạ tầng và cải cách hành chính" là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu.

Theo tinh thần này, từ 3 năm nay, huyện Thanh Oai đã liên tiếp khởi công mới, cải tạo sửa chữa gần 49 km đường; tổng mức đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng. Khi các tuyến đường được đầu tư, cải tạo đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho người dân, các xã và cả huyện lân cận, "đường đi đến đâu dân giàu đến đó".

Dù đã có những bước khởi sắc trong đầu tư hạ tầng khung nhưng với một địa phương xuất phát điểm thấp, nguồn lực còn hạn chế thì việc đầu tư một số km đường trên địa bàn huyện vẫn như "muối bỏ bể" so với tiêu chí của một quận tương lai. Đặc biệt, việc đầu tư hạ tầng, không đơn thuần là quyết tâm chính trị, cần có một nguồn lực tài chính khổng lồ, trong khi huyện Thanh Oai là địa phương chỉ có số thu ngân sách khoảng hơn 1 nghìn tỷ đồng/năm.

Trước vấn đề này, cùng với việc huy động nguồn lực từ thành phố, huyện Thanh Oai đã chủ động nguồn vốn từ việc đấu giá quyền sử dụng đất; đồng thời báo cáo kịp thời thành phố cơ chế hỗ trợ, ứng vốn ngân sách để triển khai các dự án hạ tầng khung.

Với những nỗ lực, quyết tâm và nhiệm vụ đang triển khai tại Thanh Oai, tin rằng thời gian tới, huyện "cửa ngõ" phía Nam của Thủ đô sẽ thay đổi nhanh chóng về hạ tầng, tạo đà đưa huyện lên quận xanh, sinh thái trong tương lai gần.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục