Bài học kinh nghiệm gì từ các vụ đại án kinh tế?

14:48' - 07/11/2017
BNEWS Bài học lớn nhất là sơ hở về quản lý nhà nước, xử lý không nghiêm... và khi cứ bị trượt dài như vậy thì đến lúc xử lý cũng rất khó khăn. Bởi ai cũng có lợi ích ở đó rồi thì việc xử lý lại càng khó.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Liên quan đến việc xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành công thương hay hàng loạt các vụ đại án về kinh tế bị đưa ra xét xử thời gian qua cho thấy, còn nhiều kẽ hở trong hệ thống pháp luật, gây bức xúc trong nhân dân. Ngày 7/11, bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) về vấn đề này.

BNEWS/TTXVN: Thời gian qua, nhiều vụ đại án về kinh tế đã bị phát hiện và xử lý. Vậy theo ông, bài học kinh nghiệm rút ra là gì?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Theo tôi, kinh nghiệm lớn nhất là việc thực hiện quản lý Nhà nước ở các lĩnh vực còn nhiều sơ hở và cũng phải nói rằng, một mặt pháp luật vẫn còn những kẽ hở lớn.

Chẳng hạn, lỗ hổng trong việc xử lý giá trị đất đai, giá trị đất đai trong cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước và quy định lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cho việc cổ phần hoá. Đây là lỗ hổng về chính sách.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng phần lớn là việc thực hiện đường lối, chính sách pháp luật không nghiêm. Bên cạnh việc thiếu trách nhiệm của bộ phận một số cán bộ thì vừa qua nổi lên một vấn đề khá lớn, đó là lợi ích nhóm. Chính tình trạng lợi ích nhóm này đã khống chế việc thực hiện chính sách, đồng thời lái việc thực hiện chính sách sang con đường khác. Vì vậy, dẫn đến tình trạng vi phạm, báo cáo sai cho vi phạm, bảo vệ cho vi phạm.

Như tôi đã từng nói tại kỳ họp thứ 1: "Tham nhũng chồng tham nhũng và bản thân cơ quan phòng, chống tham nhũng cũng có khả năng bảo kê cho tham nhũng". Tôi cho rằng, bài học lớn nhất là sơ hở về quản lý nhà nước, xử lý không nghiêm... và khi cứ bị trượt dài như vậy thì đến lúc xử lý cũng rất khó khăn. Bởi ai cũng có lợi ích ở đó rồi thì việc xử lý lại càng khó.

BNEWS/TTXVN: Vậy theo ông, cần phải có những giải pháp gì để hạn chế tình trạng tương tự xảy ra?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Theo tôi có 2 việc chính là, rà soát lại hệ thống chính sách và cán bộ. Nếu vẫn tiếp tục để lại các cán bộ đấy mà chỉ cải cách bộ máy hành chính bên ngoài thì cũng như "bình mới rượu cũ" không thể thay đổi được gì.

Mặt khác, khi đã phát hiện được rồi thì phải xử lý thật nghiêm tránh tình trạng chỉ xử lý theo kiểu "9 xoa 3 đập". Theo tôi, câu chuyện này là nhân dân không đồng tình. Tôi đi tiếp xúc cử tri tại nhiều điểm thì cử tri rất bất bình và không đồng tình với cách xử lý và chưa đi đến gốc rễ của vấn đề.

Chẳng hạn như vụ án VN Pharma, bị cáo khai có 7,5 tỷ đồng đi hối lộ, vậy phải điều tra xem số tiền đó hối lộ ai. Hay như vụ Công ty Thuận Phong, tôi khẳng định rằng ở đó có tình trạng bao che, bởi có tới 7 bộ, ngành kết luận rằng đó là phân bón giả. Vậy, tại sao chúng ta không xử lý mà cứ "dập rình" bao nhiêu năm qua.

Do đó, việc xử lý không nghiêm sẽ dẫn đến tình trạng nhờn pháp luật, coi thường pháp luật, coi thường Nhà nước.

Hay một ví dụ khác, tôi cũng đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về lĩnh vực phân bón trước khi bàn giao sang cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Khi tôi chất vấn thì mới có 7.300 loại phân bón, nhưng đến nay sau 2 kỳ họp thì đã lên đến 14.000 loại phân bón. Vậy lý do tại sao số loại phân bón lại tăng và quan trọng là nếu để cho người dân rơi vào ma trận phân bón này thì sẽ không đủ sức chống chọi.

BNEWS/TTXVN: Tại kỳ họp lần này, Quốc hội cũng sẽ thảo luận về Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Vậy ông có đóng góp gì cho hai dự thảo Luật này không?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Liên quan đến Luật Các tổ chức tín dụng, thì chức năng của ngân hàng rất quan trọng. Ví dụ, vụ án của Công ty dệt Long An, tôi đang trực tiếp theo dõi và giám sát. Việc Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương thực hiện giao dịch bất hợp pháp nhưng Ngân hàng Nhà nước không hề có bất cứ động thái nào, dẫn đến bản án xử sai pháp luật; để cho thường trực HĐND tỉnh Long An lên tiếng phản bác.

Một bản án có đến 4 lần phải đính chính và sau đó để cơ quan thi hành án tiếp tục làm sai. Do vậy, các kẽ hở và chính sách quản lý của ngân hàng nếu không được siết chặt thì Luật về các tổ chức tín dụng cũng không đảm bảo được yếu tố phòng chống tham nhũng. Và sẽ tiếp tục gây ra nhiều hệ luỵ khác. Cho nên chúng ta mới thấy nhiều vụ đại án liên quan đến ngân hàng như vậy suốt thời gian qua.

Tôi cho rằng, chức năng quản lý của ngân hàng cần phải được khẳng định chặt chẽ trong Luật các tổ chức tín dụng. Đối với Luật phòng chống tham nhũng, hiện đang được mở rộng phạm vi, nhưng phải tuân thủ theo đúng khái niệm của tham nhũng. Nhưng chủ thể tham nhũng là chủ thể đặc biệt, do vậy người mà không có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước, không phải là công chức nhà nước mà nói là tham nhũng là không đúng.

Còn các hành vi liên quan đến việc làm trái pháp luật, tham ô thì Luật đã có. Vậy cần gì phải mở rộng phạm vi nữa. Điều quan trọng nhất là giải pháp xử lý tham nhũng, phải xử lý như thế nào, xử lý cán bộ nào ? Đấy mới là điều quan trọng.

Tôi đề nghị, năm 2018 phải đưa vào giám sát tối cao về đội ngũ cán bộ, sau khi đã giám sát tối cao về bộ máy tổ chức hành chính. Đồng thời, rà soát lại, xem lại có thể bỏ bớt khoảng 30% cán bộ, những người "đánh trống ghi danh hay không.

BNEWS/TTXVN: Xin cảm ơn ông !

>> Cử tri kiến nghị thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục