Bên lề Kỳ họp thứ 5: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời thẳng thắn, không né tránh

16:45' - 06/06/2018
BNEWS Ngày 6/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trả lời chất vấn trước Quốc hội nhiều nội dung trong lĩnh vực quản lý ngành.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường, ngày 6/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trả lời chất vấn trước Quốc hội nhiều nội dung trong lĩnh vực quản lý ngành.

Bên lề Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội đã thể hiện quan điểm đối với phần trả lời chất vấn này cũng như nêu ý kiến đối với một số nội dung như: Giáo dục công-tư; nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng cơ cấu nguồn nhân lực...

*Bộ trưởng nắm rõ vấn đề

Đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) nhận xét: Bộ trưởng đã trả lời tốt các câu hỏi liên quan đến lĩnh vực điều hành của mình.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thanh Hải chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Qua phần trả lời cho thấy Bộ trưởng nắm rõ, chắc và có kinh nghiệm thực tiễn và có những thông số thực tiễn với vấn đề mà cử tri nêu như vấn đề liên quan đến bạo hành trẻ em, vấn đề liên quan đến chuẩn của các cơ sở giáo dục, vấn đề liên quan đến đào tạo, phân luồng đào tạo...

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, phần trả lời của Bộ trưởng còn hơi dài. Giáo dục là lĩnh vực có nhiều vấn đề, do đó Bộ trưởng nên trả lời ngắn gọn hơn, đặc biệt, nói rõ về các giải pháp và thời hạn có thể giải quyết được những bức xúc xảy ra thời gian qua như việc thi cử, xây dựng chương trình giáo dục mầm non hay vấn đề đang gây bức xúc là đạo đức, lối sống của học sinh cũng như đối xử của giáo viên, phụ huynh học sinh...

Theo đại biểu, phần trả lời về đạo đức lối sống trong môi trường giáo dục của Bộ trưởng cho thấy Bộ trưởng đã nắm được vấn đề này, đã có những thị sát, đánh giá và đưa ra xử lý nghiêm. Đây trách nhiệm không chỉ là của người giáo viên đó mà còn là cả quy trình giảng dạy.

Ví dụ nói về cô giáo im lặng suốt 3 tháng giảng dạy thì vai trò của tổ chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm ở đâu, vì hàng tuần phải sinh hoạt chuyên môn; hàng tháng có trao đổi với giáo viên chủ nhiệm về những khúc mắc trong quá trình giảng dạy của mình.

Qua phần trả lời cho thấy Bộ trưởng không né tránh và trách nhiệm ở đây còn thuộc về công tác quản lý và việc tổ chức trong quá trình giảng dạy trong hệ phổ thông.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, với tư cách là người đứng đầu ngành, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhìn trực diện vào vấn đề, nhận ra được trách nhiệm của bản thân mình, của ngành giáo dục.

Đánh giá phiên chất vấn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ còn "nóng" hơn các phiên chất vấn trước, đại biểu Mai Hoa cho biết, khá nhiều vấn đề "nóng", bức xúc trong đời sống liên quan đến lĩnh vực giáo dục đã được các đại biểu đặt ra như: Chất lượng giáo dục, vấn đề phân luồng nghề nghiệp, vấn đề việc làm cho sinh viên sau đào tạo, đạo đức của nhà giáo, đạo đức học đường.

Đại biểu chia sẻ với Bộ trưởng, trong bối cảnh nhiều vấn đề đều "nóng", việc tìm ra những câu trả lời đúng, trúng để hài lòng đại biểu và cử tri là rất khó nhưng trong cách trả lời của Bộ trưởng, đại biểu đã nhìn được những giải pháp trước mắt, lâu dài và cả lộ trình.

Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Trong khi đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, chưa có nhiều ấn tượng với phần trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Bộ trưởng chưa đi thẳng vào vấn đề dù các câu hỏi của đại biểu được đưa ra rất rõ ràng, là những vấn đề "nóng", bức xúc của xã hội.

Qua phần trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Phong Lan chưa thấy được một "điểm sáng" trong bức tranh của giáo dục. Tuy nhiên, đại biểu Phong Lan cũng cho rằng, nếu đổ hết trách nhiệm cho Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thì không hợp lý.

*Bình đẳng trong giáo dục công - tư

Nêu quan điểm về vấn đề bình đẳng giáo dục công - tư, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng: “Chúng ta thường quan tâm đến các cơ sở giáo dục đào tạo công, cho rằng đây là cơ sở có chất lượng cao.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Lĩnh vực tư hầu như bỏ ngỏ”. Theo đại biểu, giáo dục tư bị khoán trắng cho tư nhân trong khi khối này đang góp phần cùng xã hội đào tạo giáo dục con người.

Đại biểu băn khoăn vấn đề bình đẳng giữa giáo dục công và tư, giữa miền núi, miền xuôi, giữa những người tham gia vào các hệ thống này như thế nào.

Theo đại biểu, đây là vấn đề cần xem xét theo khía cạnh: Chính sách; hướng tuyên truyền, phổ biến để người dân, cán bộ công chức hiểu và cần có quan niệm khác đi đối với giáo dục công và tư; có động thái cụ thể đối với nền giáo dục.

Điều này có nghĩa là phải cân bằng được chất lượng giáo dục giữa công và tư, tăng quyền lựa chọn của người dân hơn là chỉ có một chỗ để lựa chọn. Số lượng trường tư hiện nay đang rất thấp, có những trường tư phải đầu tư toàn bộ chi phí xây dựng, trang thiết bị, đầu tư giáo viên...

Đại biểu cho rằng, có những trường tư rất tốt nhưng do quan niệm trước đây và truyền thông chưa tốt nên trường công thì quá tải mà các trường tư thì rất khó khăn để đảm bảo duy trì hoạt động của mình. Đây là những vấn đề còn phải làm rất quyết liệt.

*Đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng cơ cấu nguồn nhân lực

Về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông được Bộ trưởng nêu tại phiên chất vấn, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nhận xét, Bộ trưởng đã trả lời rất đúng. Chất lượng giáo dục phải xuất phát từ người thầy. Để có được người thầy giỏi thì phải có hệ thống giáo dục chuyên nghiệp.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá Bùi Sỹ Lợi. Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN

Theo đại biểu, muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý phải phân luồng học sinh từ cấp trung học cơ sở, đưa các cháu học văn hóa kết hợp học nghề.

Khi tốt nghiệp, ngoài bằng bổ túc văn hóa, các cháu còn có chứng chỉ kỹ thuật nghề bậc 3. “Một đất nước muốn phát triển thì cơ cấu nhân lực phải là: 1-4-10, tức là 1 cử nhân, 4 trung cấp, 10 công nhân kỹ thuật”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói.

Cũng theo đại biểu, khi hết trung học phổ thông, chuyển tiếp 30% vào đại học, 70% tiếp tục học cao đẳng nghề, làm sao cho cơ cấu nguồn nhân lực theo phương thức thầy ít, thợ nhiều.

Đại biểu kỳ vọng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội, nguyện vọng của cử tri cả nước để điều chỉnh cơ cấu giáo dục, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục để tiếp cận được với khoa học quốc tế, đồng thời đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động./.

Xem thêm:

>>>Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ báo cáo giải trình trước Quốc hội

>>>Tăng cường kiểm định chất lượng, phân loại các trường đại học

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục