Đại biểu quốc hội tập trung chất vấn về vấn đề chống bạo hành và xâm hại trẻ em

18:35' - 05/06/2018
BNEWS Bảo vệ trẻ em trước nạn bạo hành và xâm hại tình dục là chủ đề được nhiều đại biểu quốc hội tập trung chất vấn "Tư lệnh" ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong ngày 5/6.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn ngày 5/6/2018. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, "Tư lệnh" ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã giải đáp nhiều nội dung liên quan đến công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em; giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Bảo đảm quyền lợi của trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng thực tế hiện nay, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi có nhiều khó khăn, không được hưởng hoặc được hưởng rất hạn chế về quyền của trẻ em, ví dụ như quyền được vui chơi, giải trí và các điều kiện học hành.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, các địa phương có nhiều chính sách chăm lo cho trẻ em và đã đạt được nhiều kết quả tốt, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho ý kiến về một số giải pháp: Cần chuẩn hóa về đầu tư xây dựng trường học cho các vùng khó khăn với việc trường học phải đa chức năng: vừa làm chức năng vui chơi, giải trí miễn phí cho các em ở các vùng này. Bên cạnh đó, cần có chế độ dinh dưỡng, miễn phí về sữa học đường; cung cấp đồ ấm cho trẻ em, bảo đảm đủ ấm vào mùa đông.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận có hạn chế trong việc bảo vệ, chăm sóc đối với trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách đối với miền núi trong đó có trẻ em. Tuy nhiên mức độ thụ hưởng của các em còn hạn chế, trừ trường hợp các em vào trường dân tộc nội trú, các chế độ thụ hưởng được đảm bảo.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ trưởng cho biết dù Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp Ủy ban Dân tộc miền núi để kiểm tra đôn đốc, giám sát việc này nhưng kết quả chưa được như mong muốn; đặc biệt Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 chưa được cụ thể hóa. Bộ sẽ cụ thể hóa các nội dung đại biểu nêu ngay vào đầu tháng 7 và mong đại biểu giám sát việc này.

Làm rõ hơn nội dung chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm bấm nút tranh luận: Đối với vấn đề thứ nhất, nguồn sữa người dân tạo ra và các doanh nghiệp sản xuất sữa trên cả nước sẵn sàng ủng hộ nếu Đảng, Nhà nước có chủ trương. Thực tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo vấn đề này nhưng chưa đi vào thực tiễn, cần phải có chính sách cụ thể.

Tiếp tục tranh luận về nội dung thứ hai, đại biểu Quyết Tâm cho rằng có rất nhiều cơ sở xã hội từ thiện, nhân đạo cung cấp đồ ấm cho trẻ em nhưng còn nhỏ, lẻ. Ở vùng sâu, vùng xa, trong mùa đông trẻ em phải đi chân không hoặc đi dép mà không có tất, mặc đồ rất mong manh.

"Nếu có chủ trương, xã hội sẽ cùng chung sức, ngân sách nhà nước cùng xã hội phải đầu tư xây dựng trường học và chúng ta đưa ra chuẩn trường học đảm bảo trẻ em được thụ hưởng những phúc lợi xã hội tốt nhất. Tôi tin là chúng ta làm được và chúng ta không có lí do gì không làm điều này, vì trẻ em của chúng ta" - Đại biểu Quyết Tâm nhấn mạnh.

Ngăn chặn tình trạng bạo hành, xâm hại đối với trẻ em

Nêu quan điểm tình trạng bạo hành, bạo lực, xâm hại đối với trẻ em trong những năm qua ngày càng tăng, nhiều vụ việc phức tạp, nghiêm trọng xảy ra từ thành thị đến nông thôn và đang trở thành mối quan tâm chung của toàn xã hội, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị Bộ trưởng đưa ra các giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề trên một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin hiện nay, trên thế giới, bình quân có khoảng 150 triệu trẻ em bị bạo lực/năm. trong đó khoảng 73 triệu là bé trai. Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tỷ lệ bạo lực và xâm hại trẻ em lớn nhất. Tại Việt Nam, hàng năm, bình quân có khoảng 2.000 trường hợp bạo lực. Đây là con số phản ánh, còn con số thực tế có thể tăng lên vì nhiều trường hợp không có thông tin.

Bộ trưởng khẳng định về khung pháp lý hoàn toàn đầy đủ, được quy định trong Luật Trẻ em, Nghị định 56/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật trẻ em; đặc biệt, sau tình hình bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em gia tăng, Thủ tướng đã có Chỉ thị 18/CT-TTg năm 2017 về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phân công rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, từng địa phương.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành nhiều giải pháp, như: tuyên truyền, vận động; xây dựng đường dây nóng 111; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm một số vụ việc, đặc biệt là các vụ nổi cộm. Với trách nhiệm quản lý Nhà nước, Bộ đã trực tiếp đôn đốc, theo dõi những vấn đề này.

Thời gian tới, Bộ tiếp tục rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật; cụ thể hóa hơn trách nhiệm các ngành, đặc biệt là tăng cường phối hợp hiệp đồng; đề cao trách nhiệm của gia đình và nhà trường trong vấn đề quản lý phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bảo đảm an toàn cho trẻ em khi bố mẹ đi vắng

Về các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em khi bố mẹ đi làm vắng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ: Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là trách nhiệm trước hết của mỗi gia đình và toàn xã hội. Nhiệm vụ hàng đầu là cần đẩy mạnh, đề cao trách nhiệm của gia đình trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ các quyền của trẻ em.

Thứ hai, cần tăng cường trách nhiệm của toàn xã hội, nhất là cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu.- đây là một điều quan trọng.

Thời gian qua, có nhiều vụ việc xâm hại, bạo lực đối với trẻ em nhưng các cơ quan chức năng mới tập trung xử lý trách nhiệm của người trực tiếp gây ra.

Tại các cơ sở giáo dục ở các địa phương khi để xảy ra tình trạng bạo lực đối với trẻ em, trách nhiệm của người đứng đầu hầu như không có. Nội dung này đã được quy định rõ trong Luật. Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần chú trọng nội dung này; tăng cường thanh, kiểm tra khi có vi phạm xảy ra.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục