Bên lề Quốc hội: Đại biểu kỳ vọng phải có "tầm nhìn" trong xử lý vấn đề đất đai

18:08' - 05/06/2018
BNEWS Trong ngày 5/6, các đại biểu tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Bên hành lang Quốc hội, phóng viên TTXVN đã ghi nhận những ý kiến về phần trả lời chất vấn này.

 Bên cạnh việc đánh giá cao trong việc giải quyết cụ thể từng vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường hiện nay, các đại biểu Quốc hội cũng kỳ vọng vị tư lệnh ngành tài nguyên môi trường có tầm nhìn trong xử lý vấn đề đất đai, cũng như cần xây dựng một quy hoạch tổng thể về việc bố trí khu dân cư tại các vùng sạt lở.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội):

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Về cơ bản tôi hài lòng vế phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đặc biệt là các giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay.

Tôi cho rằng ô nhiễm môi trường là vấn đề rất lớn hiện xảy ra trong nhiều lĩnh vực. Vì thế vấn đề này đã được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn đối với Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Về vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm bụi, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội đang được người dân đặc biệt quan tâm. Tại các đô thị lớn, người dân đang phải hít thở bầu không khí không được trong lành từ khói bụi.

Nhìn nhận về nguyên nhân cũng như giải pháp để giải quyết tình trạng này, về cơ bản tôi đồng tình với cách đặt vấn đề của Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Đó là phải xác định bụi không khí được tạo ra từ đâu, đó là những xe chở vật liệu xây dựng như cát, đá tại các thành phố lớn không được rửa sạch sẽ và che đậy cẩn thận khi lưu thông trên đường… do đó, cần phải có những chế tài để xử phạt thật nặng những cá nhân, tổ chức không chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về môi trường khi chở cát, đá lưu thông trên đường.

Về quản lý đất đai, tôi cho rằng do thời gian ngắn nên Bộ trưởng trả lời chưa cụ thể. Về vấn đề này, tôi quan tâm ở người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường chính là tầm nhìn. Bất cứ chỗ nào, chứ không chỉ riêng với việc quản lý đất đai tại 3 khu vực dự kiến trở thành đặc khu kinh tế trong thời gian tới.

Bởi lâu nay bất cứ chỗ nào có thông tin sẽ thành lập dự án đều có hiện tượng sốt đất. Do đó, tầm nhìn về quản lý đất đai của người quản lý phải ngăn chặn ngay từ đầu tình trạng này. Giải pháp cần phải tăng cường tuyên truyền cho người dân được biết về những rủi ro biến động thị trường tại các khu vực này.

Người dân cần được cung cấp thông tin đa chiều để không bị cuốn vào phòng xoáy sốt đất. Cơ quan quản lý phải tuyên truyền cho người dân nắm được vấn đề là nếu đất mà nằm trong dự án thậm chí còn bị giảm giá…

Do đó, người làm chính sách phải lường được hết các vấn đề tiêu cực có thể xảy ra như đất dự án bị thổi giá, đầu cơ… Để làm được điều này, đỏi hỏi cần có tầm nhìn từ phía Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Về vấn đề ngày tôi đánh giá cao việc Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã thẳng thắn thừa nhận Bộ chủ quản đã không kịp chở tay, không phản ứng kịp thời khi thị trường tại các khu chuẩn bị lên đặc khu kinh tế bị thổi giá đất lên cao thời gian vừa qua.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đoàn Đà Nẵng):

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng). Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, tôi và cho nhiều đại biểu đánh giá cao. Cụ thể, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã đi vào những vấn đề rất cụ thể nhưng vẫn thể hiện được sự bao quát trong quản lý chung của ngành tài nguyên và môi trường. Đặc biệt, Bộ trưởng đã có những chứng kiến rõ ràng, có cơ sở khoa học về những vấn đề môi trường xảy ra hiện nay.

Tôi cho rằng bất cứ một nảy sinh nào, đặc biệt là vấn đề môi trường không thể giải quyết chỉ bằng một, hai giải pháp. Nó cần được giải quyết trong tổng thể các giải pháp khác. Ví dụ, câu chuyện sạt lở đất đai tại các sông, ngòi thì trách nhiệm từ phía Bộ Tài nguyên và Môi trường là phải có nghiên cứu chi tiết, trên cơ sở khoa học. Câu chuyện ở đây không phải có tiền là chúng ta giải quyết được vấn đề này. Do đó, giải pháp kỹ thuật nào phù hợp, phù hợp đến đâu thì Bộ chủ quản cần phải chịu trách nhiệm nghiên cứu.

Có một câu chuyện trong quản lý đó là quản lý đất đai, quản lý dân cư. Chúng ta có một tập quán là cư dân ở các vùng đồng bằng, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long người dân thường có thói quen sống tại các khu vực ven sông. Trong hoàn cảnh như vậy, nếu xảy ra sạt lở sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con… Vì vậy, tôi hy vọng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có một quy hoạch tổng thể về việc bố trí khu dân cư như thế nào cho hợp lý.

Đại biểu Triệu Thế Hùng (Đoàn Lâm Đồng):

Đại biểu Triệu Thế Hùng (đoàn Lâm Đồng). Ảnh: Quang Toàn/BNEWSTTXVN

Tôi thấy hài lòng với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Bộ trưởng nắm khá vững những vấn đề mà đại biểu đặt ra. Tôi mong muốn Bộ trưởng với tư cách là tư lệnh ngành sẽ thực hiện tất cả những lời hứa mà Bộ trưởng đã hứa với đại biểu Quốc hội, với cử tri cả nước. Những lời hứa của Bộ trưởng sẽ được thực hiện một cách có hiệu quả trong thời gian tới.

Với chức trách là đại biểu quốc hội, chúng tôi sẽ giám sát việc thực hiện những lời hứa này theo Nghị quyết giám sát của Quốc hội đã đề ra./.

>>> Nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước do định giá thấp hơn giá trị thực tế

>>> Cần có điều kiện ràng buộc trong việc giao đất cho các dự án tại đặc khu kinh tế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục