Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đang rà soát xây dựng chuẩn quản lý, đào tạo mới

21:17' - 12/05/2017
BNEWS Chính phủ đã đề nghị xây dựng đề án đào tạo bỗi dưỡng giáo viên đáp ứng theo chuẩn mới. Ban soạn thảo đề án hiện đang rà soát xây dựng các chuẩn giáo viên và chuẩn quản lý, đào tạo theo chuẩn mới.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: giaoduc.net

Ngày 12/5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng các đại biểu Quốc hội khóa XIV, tỉnh Bình Định đã tiếp xúc cử tri là cán bộ quản lý ngành giáo dục thành phố Quy Nhơn và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri kiến nghị một số vấn đề như: Chương trình đổi mới giáo dục phổ thông, sách giáo khoa nhiều nội dung mới, giáo viên phải giảng dạy nội dung mới cần tuyển thêm giáo viên nhưng không có chỉ tiêu biên chế; cần xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho giáo viên mầm non lớn tuổi khi có nhu cầu nghỉ hưu trước tuổi; các điểm trường lẻ gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, cần tập trung lại để có điều kiện tốt hơn cho dạy và học; Thông tư liên tịch 35 về biên chế giáo viên 2 môn tin học và ngoại ngữ là tự chọn, nhưng giờ thành môn chính nên tỉ lệ giáo viên không còn phù hợp theo thông tư quy định.

Ngoài ra, cử tri còn kiến nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ xem xét các chế độ chính sách tiền lương cho giáo viên bậc tiểu học có trình độ sau đại học; không nên yêu cầu giáo viên hàng năm phải đăng ký sáng kiến kinh nghiệm, ...

Trả lời về chương trình đổi mới sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Khi chúng ta áp dụng chương trình mới có sự thay đổi rất căn bản.

Chương trình cũ dạy các tiết học rất rời rạc, dạy theo hướng kiến thức, còn cách dạy mới là tổng hợp kiến thức, tích hợp các môn. Như vậy dẫn đến việc nhiều giáo viên đang đứng lớp phải bồi dưỡng, đào tạo lại.

Trong quá trình đào tạo bồi dưỡng ấy không phải giáo viên nào cũng thích hợp, cũng đáp ứng được yêu cầu. Chính phủ đã đề nghị xây dựng đề án đào tạo bỗi dưỡng giáo viên đáp ứng theo chuẩn mới. Ban soạn thảo đề án hiện đang rà soát xây dựng các chuẩn giáo viên và chuẩn quản lý, đào tạo theo chuẩn mới.

Trước mắt, sẽ rà soát các tiêu chuẩn của khoảng 1,4 triệu giáo viên hiện có; sau đó xây dựng các chương trình bồi dưỡng cho giáo viên đạt mức chuẩn cơ bản theo chương trình mới và tổ chức đào tạo bồi dưỡng. Nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng do các trường sư phạm đảm nhiệm.

Từ tháng 9 năm nay, các trường sẽ đào tạo giáo viên cốt cán trước theo hình thức cuốn chiếu; đến năm 2023 hoạt động này sẽ hoàn thành. Đối với một số giáo viên lớn tuổi có nhu cầu xin nghỉ hưu sớm, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ xem xét tạo điều kiện giải quyết với chế độ phù hợp.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ những áp lực, khó khăn của giáo viên mầm non; đồng thời nhấn mạnh sắp tới bậc học này sẽ xã hội hoá, theo hướng giảm áp lực đối với các trường, các cô giáo. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng đề án tăng cường cơ sở vật chất cho bậc học mầm non, hy vọng Chính phủ sẽ sớm thông qua và cải thiện tình trạng này.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đề nghị các địa phương không nên chạy đua thành tích, không đặt chỉ tiêu bao nhiêu trường đạt chuẩn quốc gia trong khi tiềm lực chưa đủ dẫn đến tình trạng “nợ chuẩn”.

Thông tư 35 quy định tiêu chí về giáo viên Tiếng Anh và Tin học có nhiều bất cập, Bộ đang chỉ đạo sửa đổi, bổ sung thông tư và xử lý bất cập về tăng lương cho giáo viên tiểu học có trình độ sau đại học và từ cao đẳng lên đại học….

Bộ trưởng cũng đề nghị các cử tri là cán bộ quản lý trong ngành giáo dục tiếp tục quan tâm đóng góp ý kiến cho ngành; đồng thời tích cực, sáng tạo trong việc triển khai đổi mới giáo dục và đào tạo.

Đối với các kiến nghị vượt quá thẩm quyền trả lời, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận và hứa sẽ chuyển đến Quốc hội cùng với các Bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết./.

>>> 4 nhóm học sinh được xét tuyển thẳng vào lớp 10

>>> Thay đổi thời gian đào tạo một số bậc học

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục