BRI – Rủi ro đối với Nga?

06:30' - 12/03/2018
BNEWS Tạp chí Đời sống quốc tế (Nga) có bài phân tích về triển vọng sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc nhân hội thảo bàn tròn “Vành đai con đường tơ lụa: Thực tế và triển vọng”.
Tổng thống Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Tập Cận Bình (trái). Ảnh: Xinhua/TTXVN

Tiến sỹ kinh tế, Trưởng ban nghiên cứu kinh tế thuộc Viện Đông Phương học, Viện Hàn lâm Khoa học Nga Aleksandr Akimov cho rằng đối với Nga, việc tham gia BRI không phải là nhằm mưu cầu lợi ích mà là để giảm thiểu rủi ro và thua lỗ.

Nga nằm giữa hai "thỏi nam châm" kinh tế là Liên minh châu Âu (EU)  và Trung Quốc. Trong khi đó, về mặt công nghệ, Liên bang Nga kém xa trong lĩnh vực robot công nghiệp và cơ sở hạ tầng vận tải. Thế mạnh duy nhất của Nga là tổ hợp năng lượng-nhiên liệu.

Ngoài ra, do đang phải hứng chịu một số biện pháp trừng phạt kinh tế nên Moskva quan tâm đến việc đa dạng hóa các tuyến đường cung cấp dầu và khí đốt cũng như các quốc gia châu Á. Mặc dù quan hệ của Nga với phương Tây ngày càng xấu đi, song EU vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, chiếm tới 42% doanh thu kim ngạch thương mại.

Trong khi đó, chiến lược hướng Đông được tích cực thúc đẩy trong những năm gần đây đang phải đối mặt với sự phản đối của một số nước thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), những nơi mà Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc vẫn có ảnh hưởng lớn khi coi Đông Á là khu vực quan trọng đối với lợi ích đối ngoại và kinh tế đối ngoại của nước này.

Chuyên gia Akimov cho rằng Nga không nên từ chối việc sử dụng tiềm năng quá cảnh của mình.Tuy nhiên, Nga phải tiến hành làm sao để không ảnh hưởng tới ngành công nghiệp trong nước. Rõ ràng, Trung Quốc khi phát triển sáng kiến BRI rất quan tâm đến việc vận chuyển hàng hóa với giá trị cao. Trong trường hợp này, Nga không phải lúc nào cũng có lợi.

Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý rằng sự hợp tác giữa Moskva và Bắc Kinh có những khía cạnh có lợi, chẳng hạn lượng khách du lịch vào Nga tăng.Theo chuyên gia Akimov, người Trung Quốc không chỉ quan tâm tới chất lượng cơ sở hạ tầng của các điểm du lịch mà còn muốn khám phá cuộc sống và văn hóa của đất nước họ đến.

Người Trung Quốc thuộc tầng lớp trung lưu sẵn sàng bỏ tiền và thậm chí trả cao hơn mức trung bình cho chất lượng của thực phẩm nhập khẩu. Do đó, các nhà sản xuất của Nga có thể tận dụng cơ hội này. Tuy nhiên, chuyên gia này đưa ra lời khuyên rằng không nên kỳ vọng vào sự hợp tác đầu tư với Bắc Kinh bởi lãnh đạo Trung Quốc không phải lúc nào cũng sẵn sàng đáp ứng các kế hoạch của Nga về phát triển hậu cần.

Chuyên viên nghiên cứu cao cấp của Ban nghiên cứu Israel và cộng đồng Do Thái thuộc Viện Đông Phương học, Viện Hàn lâm Khoa học Nga Dmitry Maryasis đã nói về lợi ích kinh tế của Trung Quốc ở Israel.

Theo ông Maryasis, Trung Quốc được coi là đối tác kinh tế lớn thứ 2 đối với Israel, sau Mỹ. Bắc Kinh đang tích cực mua lại một loạt công ty tư nhân, từ những công ty khởi nghiệp (về an ninh mạng, các nguồn năng lượng thay thế) cho tới các công ty mỹ phẩm. Trung Quốc cũng đang tích cực hợp tác với Israel xây dựng các liên doanh về các dự án sáng tạo.

Chuyên gia Maryasis nhận định rằng trong quan hệ với Israel, Trung Quốc đã phát triển theo một công thức khiến Israel rất quan tâm. Yếu tố này nên được tính toán đầy đủ cả đối với Moskva.

Chuyên gia này nói: “Dĩ nhiên, tiềm năng hợp tác khoa học giữa các nhà khoa học và doanh nhân Nga và Israel là rất lớn, nhưng nếu không triển khai nhanh thì tất cả các cơ hội đều biến mất và rơi vào tay các đối tác Trung Quốc”.

Chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Viện trên, trưởng dự án nghiên cứu Pakistan thuộc Trung tâm Trung và Cận Đông Sergey Kamenhev đã đưa ra đánh giá về triển vọng hợp tác Trung Quốc-Pakistan. Theo ông, Bắc Kinh quan tâm tới hợp tác với Islamabad vì nhiều lý do.

Thứ nhất, Pakistan có vị trí địa chiến lược quan trọng trong giao điểm của các tuyến đường quan trọng nhất kết nối Viễn Đông, Nam và Trung Á.

Thứ hai, quốc gia này có tiềm năng nhân khẩu học khá tích cực.Theo cuộc điều tra dân số mới nhất vào năm 2017, dân số ở quốc gia này đạt 208 triệu người (đứng vị trí thứ 6 trên thế giới).

Thứ ba, Pakistan là cường quốc hạt nhân, nắm giữ không chỉ vũ khí hạt nhân mà còn cả các phương tiện chứa vũ khí hạt nhân đó.

Quan hệ giữa Islamabad và Bắc Kinh đang bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các sự kiện ở quốc gia láng giềng Afghanistan và cuộc xung đột lãnh thổ giữa Pakistan và Ấn Độ. Tháng 4/2015, Islamabad đã ký gói tài liệu về xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng (đường cao tốc, đường dây vận tải điện).

Dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan cũng đã được triển khai. Điểm đầu phía Bắc là thành phố Kashgar ở khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc, điểm đầu phía Nam là cảng Pakistan Gwadar bên bờ Eo biển Hormuz. Chính tuyến đường này sẽ đi qua lãnh thổ của khu vực tranh chấp Kashmir hiện nằm trong sự kiểm soát của Islamabad.

Pakistan đánh giá cao tiềm năng hợp tác với Trung Quốc. Theo tính toán sơ bộ, nhờ việc xây dựng cơ sở hạ tầng mà Tổng sản phẩm (GDP) của Pakistan hàng năm sẽ tăng khoảng 3% so với mức hiện nay là khoảng 5,3%-5,5%.

Về phần mình, Nga cũng quan tâm đến việc duy trì quan hệ chặt chẽ với cả Islamabad và New Delhi, thể hiện quan điểm trung lập về hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, đồng thời tránh đầu tư hay có bất kỳ sự hợp tác nào trong vấn đề này. Trong khi đó, Mỹ không bỏ lỡ cơ hội này và đang tích cực hỗ trợ Ấn Độ.

Theo kết quả của hội thảo bàn tròn, hầu hết các chuyên gia đều nhất trí rằng các hành động của Trung Quốc trên trường quốc tế không chỉ là biện pháp để xây dựng hệ thống giao thông và hậu cần khu vực thống nhất mà còn nhằm đóng vai trò dẫn đầu quan trọng trong nền kinh tế thế giới dựa vào chiến lược đầu tư lan rộng và khả năng quân sự lớn.

Ví dụ, phần phía Bắc của Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan cho phép Bắc Kinh có khả năng thâm nhập thị trường thương mại, khí đốt và nước của các quốc gia Trung Á. Việc củng cố vị thế ở Israel, ở bờ Biển Đỏ, và ở các quốc gia A-rập phía Đông cho phép Trung Quốc tiếp cận một cách ngắn nhất tới thị trường khổng lồ của Trung Đông, châu Phi và châu Âu.

Trong điều kiện hiện nay, Nga muốn hợp tác với một đối tác nhiều tiềm năng như Trung Quốc thì cần phải suy nghĩ kỹ lưỡng và thận trọng trong việc hoạch định chiến lược kinh tế của mình để không bị phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục