Vị thế của Hong Kong trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”

06:30' - 12/09/2017
BNEWS Sáng kiến “Vành đai và Con đường” hứa hẹn giúp Đặc khu Hành chính Hong Kong tăng cường vị thế, đưa đặc khu hành chính này trở thành “siêu cầu nối” giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.
Vị thế của Hong Kong trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Ảnh: Reuters
Trong giai đoạn vương triều nhà Hán cách đây 2.000 năm, Con đường Tơ lụa là mạng lưới giao thương kết nối châu Á, châu Âu và châu Phi. Giờ đây, sáng kiến Con đương Tơ lụa mới của Trung Quốc cũng nhằm mục đích tương tự.

Theo tờ Thời báo Tài chính của Anh, Chính phủ Trung Quốc đang xây dựng Con đường Tơ lụa mới, kết nối nền kinh tế của Trung Quốc với 1/3 quốc gia trên thế giới và 2/3 dân số toàn cầu.

Dự án này có tên gọi “Vành đai và Con đường”, ám chỉ một vành đai cơ sở hạ tầng đường bộ và một tuyến đường hàng hải - sẽ giúp Hong Kong tăng cường vị thế là trung tâm tài chính và doanh nghiệp hiện đại nhất Trung Quốc.   

Về mặt địa lý, Con đường Tơ lụa mới có thể hình dung giống như hai vòng cung chạy từ Hong Kong sang hướng Bắc-Tây và hướng Nam-Tây. Vòng cung phía Bắc chạy ngang qua Trung Quốc, Trung Á và tới châu  Âu.

Vòng cung phía Nam chạy từ Hương Cảng, dọc lên vùng ngoại vi của các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương trước khi vượt Ấn Độ Dương. Nó cũng chạy qua Trung Đông, Đông và Bắc Phi trước khi đến Địa Trung Hải, nơi cả hai đường vòng cung cùng hội tụ và tiến đến Trung Âu.

Vành đai Kinh tế của Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa hàng hải thế kỷ 21 chiếm khoảng 30% GDP thế giới và 33% hoạt động giao thương trên toàn cầu.

Đến năm 2050, những nước và khu vực lân cận hứa hẹn sẽ tạo được 80% tăng trưởng GDP toàn cầu. Các nước tham gia sẽ được quyền ưu tiên tiếp cận thị trường Trung Quốc đại lục thông qua các cảng biển và thành phố chủ chốt, cùng với sáu hành lang hợp tác kinh tế quốc tế.

Để điều này thành hiện thực, có lẽ không thể thiếu sự hậu thuẫn của các công trình cơ sở hạ tầng được coi là quan trọng bậc nhất của thế kỷ này. Tuyến đường sắt chạy từ tỉnh Giang Tô của Trung Quốc đến Rotterdam ở phía Tây Nam của Hà Lan là một ví dụ.

Bên cạnh đó, còn nhiều công trình cần được nhắc đến như Con đường Steppe chạy qua Mông Cổ, 9 đường cao tốc xuyên quốc gia chạy dọc vùng Sông Mekong Mở rộng, các đường ống dẫn dầu và khí đốt, các mạng cáp quang, các cảng biển được nâng cấp và sân bay mới xây dựng.

Dự án Con đường Tơ lụa đòi hỏi sự hợp tác vô cùng lớn, một kiến thức sâu về thương mại, đầu tư và phát triển khu vực, cùng với cách thức giám sát những rủi ro về mặt tài chính. Hong Kong hiện là nơi đặt trụ sở của nhiều công ty đa quốc gia cũng như xứng với danh hiệu là “thành phố toàn cầu”.

Với 28 văn phòng nằm dọc "Vành đai và Con đường", Hội đồng phát triển thương mại Hong Kong (HKTDC) sẽ giữ một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các cơ hội trở thành hiện thực. Khoảng 40 tỷ USD đã được rót vào Quỹ Con đường Tơ lụa.

Hồi tháng 5/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết bổ sung thêm 100 tỷ NDT. Chủ tịch HKTDC, ông Vincent Lo tin tưởng rằng Con đường Tơ lụa mới cũng sẽ trở thành tuyến đường kinh tế trong tương lai cho hành tinh này và góp phần thay đổi bộ mặt của thế giới.

Vào thời điểm nhiều nền kinh tế chững lại, Hong Kong với khoảng 7 triệu dân vẫn tỏ ra chắc chắn và năng động. Hong Kong hiện sở hữu vô vàn thế mạnh. Năm 2015, Hong Kong xuất khẩu khoảng 150 tỷ đôla Hong Kong dịch vụ tài chính, và 75 trên tổng số 100 ngân hàng hàng đầu thế giới đang làm ăn kinh doanh tại đây.

Hong Kong cũng là nơi tập trung lớn nhất các công ty bảo hiểm ở châu Á, đồng thời là nền kinh tế mở nhất của thế giới. Theo công ty kiểm toán PwC, năm 2017, 60-70% toàn bộ đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong khu vực "Vành đai và Con đường" đều qua Hong Kong.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục