Bước ngoặt của ngành điện Việt Nam - Bài 4: Triển khai chính sách của Đảng và Nhà nước

15:57' - 03/05/2018
BNEWS Ngành Điện cả nước đã vượt mọi khó khăn, chung tay sửa chữa, phục hồi hoàn chỉnh hệ thống điện cũ, tiếp tục mở rộng lưới điện phân phối, cải tạo lưới điện hạ áp của các thành phố lớn.

Thực hiện chính sách của Đảng về xây dựng các vùng kinh tế mới và để có điện cho sản xuất và sinh hoạt tại khu kinh tế mới Mộc Châu (Sơn La), Sao Đỏ (Hải Dương), sau một thời gian xây dựng, tháng 4/1977 mạng lưới điện cao áp phục vụ cho hai nông trường Mộc Châu và Sao Đỏ đã được hoàn thành với toàn bộ lưới điện gồm 16 trạm biến áp có tổng dung lượng 1.340kVA và 477km đường dây 220kV.

Trạm 500kV Thường Tín. Ảnh: TTXVN

Sang năm 1978, ngành Điện tiếp tục đưa vào sử dụng công trình đường dây và trạm Đồng Bảng (Phong Vân), cung cấp điện cho 20 máy bơm lớn, đảm bảo nước tưới cho 7.500 ha lúa, dâu, thuốc lá và dứa....

Về phụ tải, công suất sử dụng của công nghiệp trung ương tăng hơn 1,6 lần, công nghiệp địa phương tăng hơn 1,4 lần, công suất sử dụng cho thủy lợi tăng 1,2 lần.

Các biện pháp đó biểu hiện sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, công nhân viên ngành Điện đảm bảo điện sản xuất và phấn đấu từng bước cung cấp điện, giảm sự mất điện sinh hoạt trên các vùng, miền cho nhân dân.

Vượt qua chiến tranh biên giới khốc liệt ngày 17/2/1979 đến đầu những năm 1980, ngành điện phải mất nhiều thời gian và công sức sửa chữa, khắc phục, bổ sung, hoàn thiện lại những cơ sở bị chiến tranh phá hoại, cố gắng giảm đến mức tối thiểu ảnh hưởng tiêu cực của việc cung ứng điện ở các vùng biên giới.

Ngành Điện các tỉnh biên giới còn có thêm nhiệm vụ duy trì nguồn điện thông qua việc xây dựng các trạm biến áp, thủy điện nhỏ, các tổ máy phát điện lưu động, để cung cấp điện cho các đơn vị quân đội, giúp tăng cường khả năng chủ động phòng thủ biên giới.

Tháng 3/1979, ngành Điện đã xây dựng mới đường dây 220kV Hà Đông - Hòa Bình, đây là tuyến đường dây truyền tải điện 220kV đầu tiên ở miền Bắc nhằm nâng cao năng lực truyền tải, cung cấp điện, đồng thời tạo cơ sở kỹ thuật cho việc xây dựng đường dây siêu cao áp 500kV sau này; sửa chữa, khôi phục hoàn chỉnh các trạm truyền tải điện áp 110kV.

Do trong thời kỳ chiến tranh, Hà Nội và một số thành phố lớn khác là trọng điểm ném bom “hủy diệt” của máy bay giặc Mỹ nên nhiều cơ sở vật chất - kỹ thuật bị phá hoại nghiêm trọng; trong đó các cơ sở sản xuất và công trình điện bị phá hủy nặng nề.

Tuy vậy, ngành Điện cả nước đã vượt mọi khó khăn, chung tay sửa chữa, phục hồi hoàn chỉnh hệ thống điện cũ, tiếp tục mở rộng lưới điện phân phối, cải tạo lưới điện hạ áp của các thành phố lớn, đặc biệt là ở Thủ đô Hà Nội, nâng tổng chiều dài lưới điện truyền tải 110kV lên 846 km, tổng chiều dài lưới điện 35kV là 3.000 km.

Được sự chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi của Đảng và Nhà nước, ngày 6/11/1979 ngành Điện đã tổ chức khởi công xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình có quy mô lớn nhất nước ta do Liên Xô giúp xây dựng với 8 tổ máy có công suất 1.920MW. Dự kiến thời gian thi công hoàn thành công trình là khoảng 4 năm.

Trạm biến áp 500kV Đông Anh. Anh: TTXVN

Đồng thời với các công trình nguồn điện, tháng 3/1980 các chuyên gia Liên Xô đã giúp chúng ta hoàn thành thiết kế sơ đồ lưới điện toàn quốc (theo quy hoạch) phát triển đến năm 1991.

Trong sơ đồ lưới điện toàn quốc, các công trình thuộc lưới điện miền Bắc có các trạm biến áp, đường dây tải điện 110kV và cao hơn.

Các công trình lúc ấy đã được xác định là các hạng mục trọng tâm, được chú trọng đầu tư xây dựng trong các kế hoạch nhà nước ở cả các giai đoạn 1980 - 1986 và 1986 - 1991.

Ở miền Trung, ngành Điện tập trung phục hồi các trạm điêzen, đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng Nhà máy Điện điêzen Đồng Hới (công suất 14MW), hoàn thiện Nhà máy Nhiệt điện Bến Thủy, Nhà máy Nhiệt điện 3/2 và các trạm phát điện điêzen. Hệ thống lưới điện được cải tạo những vị trí cũ nát, xây dựng mới đường dây như đường dây 35kV Huế - Đồng Hới, phát triển lưới 15kV để phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.

Mặc dù vậy, những biện pháp này cũng chỉ đáp ứng phần nào, vẫn còn tình trạng mất cân bằng lớn cung không đủ cầu.

Mặc dù công suất của nguồn lớn, song vì trang thiết bị các nhà máy nhiệt điện đã khai thác mấy chục năm, trải qua chiến tranh bị đánh phá, già cỗi, nguồn cung cấp than thiếu, chất lượng xấu; nguồn điêzen phân tán rải rác, phụ tùng thay thế không có, dầu chạy máy cũng thiếu.

Tất cả những khó khăn ấy khiến ngành Điện miền Trung buộc phải áp dụng cơ chế cắt điện luân phiên ở khu vực này, lúc đầu là cắt 1 ngày 1 đêm, rồi 3 ngày - 3 đêm, nhiều khi cả tuần không có điện.

Mỗi khi nông nghiệp yêu cầu chạy máy bơm cấp nước phải sa thải bớt phụ tải hoặc lại phải tiến hành cắt điện luân phiên.

Mặc dù vậy, đến năm 1980, sản lượng điện tiêu thụ của cả nước là 340 triệu kWh, chiếm 12% điện thương phẩm toàn ngành. Ngành Điện đã cung cấp điện cho 1.700 trạm với 7.360 máy bơm thủy lợi ở miền Bắc; ở miền Trung là 80 trạm; miền Nam là 170 trạm bơm điện.

Năng lực thiết kế các công trình bơm điện cả nước là 890.000 ha, chiếm 55% tổng năng lực thiết kế các công trình thủy nông.

Ngành Điện đã cấp điện cho trên 2.500 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh và công tư hợp doanh, cùng hàng vạn cơ sở sản xuất tiểu công nghiệp. Điện năng do công nghiệp sử dụng năm 1980 là 1,4 tỉ kWh, chiếm 52% điện thương phẩm toàn ngành.

Ngành Điện đã góp phần làm cho giá trị tổng sản lượng công nghiệp nói riêng và tổng sản phẩm xã hội nói chung ngày càng tăng.

 Do nguồn điện thiếu vì phải tập trung ưu tiên cho sản xuất, buộc phải cắt giảm điện sinh hoạt của nhân dân.

Vấn đề cắt giảm điện sinh hoạt của nhân dân được tiến hành nhiều nhất ở các tỉnh, còn đối với các thành phố lớn vẫn tương đối đảm bảo mức dùng điện cho các hộ dân./.

>>> Bài 5: Sự phát triển không tương ứng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục