Các nhà báo quốc tế đánh giá cao thành tựu phát triển của Việt Nam

21:55' - 19/12/2017
BNEWS 5 nhà báo quốc tế thuộc Hiệp hội báo chí nước ngoài tại Thụy Sĩ và Liechtenstein (APES) vừa trở về từ Việt Nam sau chuyến công tác đã chia sẻ những cảm nhận, phân tích về sự phát triển của Việt Nam.
Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh và Chủ tịch Hiệp hội Báo chí nước ngoài tại Thụy Sỹ và Liechtenstein (APES) với các đại biểu. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, mới đây, 5 nhà báo quốc tế thuộc Hiệp hội báo chí nước ngoài tại Thụy Sĩ và Liechtenstein (APES) vừa trở về từ Việt Nam sau chuyến công tác kéo dài 7 ngày đã chia sẻ những cảm nhận, phân tích về sự phát triển của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường,...

Tham dự cuộc họp báo ngày 18/12 tại Câu lạc bộ báo chí Thụy Sĩ ở Geneva, Chủ tịch APES, nhà báo Pháp Jean Musy, đã tổng kết ngắn gọn 7 ngày làm việc, từ 27/11 đến 3/12, của 7 nhà báo đến từ các cơ quan báo chí Thụy Sĩ, Pháp, Đức, Bỉ, Haiti và Bồ Đào Nha, với 25 buổi làm việc, thăm quan, gặp gỡ hơn 50 đại diện các cơ quan, ban ngành thuộc các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, báo chí và du lịch.

Ông cho biết các nhà báo đã làm việc tại thủ đô Hà Nội và 3 tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ninh.

Trong chuyến công tác này, đoàn đã được gặp Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các đại sứ Thụy Sĩ và Haiti tại Việt Nam, lãnh đạo các tỉnh Thái Nguyên và Quảng Ninh.

Đoàn cũng đã làm việc với lãnh đạo Hội nhà báo Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Quân đội Nhân dân tới thăm các tập đoàn kinh tế như Vingroup, Vinamilk, ngân hàng Credit Suisse tại Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may,...

Ngoài ra, đoàn còn gặp mặt đại diện Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, các nạn nhân chất độc da cam, đại diện gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiếp ảnh gia kỳ cựu Lê Vượng.

Chủ tịch APES cũng đã chia sẻ về cuộc gặp bất ngờ với hai cựu chiến binh Mỹ đồng thời là cựu tù chiến tranh tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), nơi họ vừa trở lại để tham gia cuộc triển lãm ảnh “Tìm lại ký ức”, nhân kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không.

Về phần mình, nhà báo Haiti Jean-Edouardd Rigaud, đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam khi cho rằng yếu tố thuận lợi này đã góp phần thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Nhà báo Rigaud cho biết thêm với hơn 24.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, tổng số vốn FDI đăng ký tại Việt Nam hiện lên tới hơn 310 tỷ USD.

Trong khi đó, nhà báo Rui Martins làm việc tại hai hãng tin lớn của Brazil và Bồ Đào Nha đã chia sẻ những ấn tượng về sự thay đổi giao thông của Việt Nam so với lần đầu tiên ông có chuyến công tác tại Hà Nội vào năm 1994, từ đường phố với rất nhiều xe đạp, tới nay các tuyến đường đã tấp nập xe máy, ô tô.

Tuy nhiên, nhà báo Martins cho rằng Hà Nội cần có những phương tiện giao thông công cộng hiện đại như tàu điện ngầm.

Bên cạnh ấn tượng về khung cảnh giao thông nói trên, nhà báo Martins còn chia sẻ những cảm nhận về sự thay đổi trong đời sống kinh tế của Việt Nam nhờ công cuộc Đổi mới.

Đó là sự hiện diện đông đảo của các nhà đầu tư đến từ 120 quốc gia, là nguồn vốn FDI trị giá 310 tỷ USD, là tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 6-7% mỗi năm trong hai thập kỷ trở lại đây.

Không chỉ đánh giá cao thành tựu và sự phát triển của Việt Nam hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững, nhà báo Martins còn bày tỏ hy vọng sẽ có cơ hội thăm lại Việt Nam trong tương lai để tiếp tục thấy được những đổi thay tích cực.

Tại buổi họp báo, phóng viên ảnh người Đức Pierre Virot đã giới thiệu một album với hàng trăm bức ảnh ông chụp được trong chuyến công tác nói trên tại Việt Nam.

Những bức ảnh cho thấy cuộc sống nhộn nhịp, năng động tại Hà Nội, vẻ đẹp cuốn hút du khách của Vịnh Hạ Long, các cuộc gặp gỡ giữa các nhà báo với các chính trị gia Việt Nam, Thụy Sĩ, Haiti tại Hà Nội, các địa điểm văn hóa, du lịch tại Việt Nam...

Hiệp hội báo chí nước ngoài tại Thụy Sĩ và Liechtenstein thành lập năm 1928 tại Geneva, hiện có hơn 120 thành viên đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông của tất cả các châu lục.

Phần lớn thành viên của Hiệp hội làm việc tại Geneva, nơi có trụ sở của Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác./.

Xem thêm:

>>>Nhiều tín hiệu tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2018

>>>Tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục