Kinh tế Việt Nam ngày càng gắn kết với nền kinh tế thế giới

14:46' - 20/10/2017
BNEWS Việt Nam cần tìm những giải pháp, công cụ chính sách phù hợp và hiệu quả nhất để tái cơ cấu nền kinh tế nhằm khẳng định vị trí của mình trong nền kinh tế toàn cầu.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Ngày 20/10, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Diễn đàn với chủ đề “Tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.
Tại diễn đàn, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nền kinh tế của Việt Nam ngày càng gắn kết với nền kinh tế thế giới, vì vậy Việt Nam cần tìm những giải pháp, công cụ chính sách phù hợp và hiệu quả nhất để tái cơ cấu nền kinh tế nhằm khẳng định vị trí của mình trong nền kinh tế toàn cầu.
Theo Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, đến năm 2020 tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giảm xuống dưới 3,5% GDP. Quy mô nợ công hằng năm trong giai đoạn 2016-2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
Theo TS. Lê Xuân Sang, từ năm 2012, trong bối cảnh kinh tế trong nước tăng trưởng chững lại, Việt Nam đã bắt đầu kích cầu. Tuy nhiên trên thực tế một số đề án tái cơ cấu bắt đầu thực hiện chủ yếu từ cuối năm 2014, tăng dần từ năm 2015 và vẫn chưa thực hiện hết trong năm 2016.
Thêm vào đó, rất khó tách bạch tác động của tái cơ cấu với các cải cách khác như định hướng thị trường và hội nhập; các chỉ tiêu đo lường kết quả tái cơ cấu, mục tiêu cơ cấu lại chủ yếu định tính và mơ hồ. Vì vậy, hiệu quả của tái cơ cấu tổng thể rất khó đánh giá, ngoại trừ một số chỉ tiêu trong cơ cấu lại các ngân hàng thương mại về nợ xấu và cơ cấu hàng hóa xuất khẩu.
GS- TSKH Nguyễn Quang Thái, cho biết, thực trạng kinh tế Việt Nam dù đã đạt được nhiều kết quả, nhưng nhìn chung tốc độ tăng trưởng và năng suất lao động có xu hướng giảm dần. Nếu so sánh với quốc tế và trong khu vực, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thua kém do nhiều nhân tố, nhất là cơ cấu lao động nông nghiệp còn lớn, chiếm 45% lao động xã hội.
Việt Nam là một nước có dân số trẻ nhưng lại chỉ tận dụng vào lợi thế lao động trẻ và rẻ, yếu tố lao động có tay nghề, có năng suất chưa thực hiện đạt hiệu quả.

Các kết quả về xuất khẩu và công nghệ cao chủ yếu lại thuộc về các doanh nghiệp FDI (chiếm 50% giá trị công nghiệp, 80% giá trị xuất khẩu).
GDP có thể tăng cao, nhưng GNI (thu nhập quốc dân) lại thấp, vì thế lợi ích mang lại chưa thu về cho kinh tế nội địa. Các doanh nghiệp nội địa dù là khu vực tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước có sức cạnh tranh còn khá thấp.
Để cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, GS-TSKH Nguyễn Quang Thái đề xuất, cần gỡ bỏ các rào cản về tư duy phát triển trong điều kiện kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập; hoàn thiện các nhân tố tác động “đầu vào” đối với cải thiện mô hình tăng trưởng, về thể chế phù hợp kinh tế thị trường, nhất là hệ thống thị trường có độ tinh vi ngày càng cao.

Bên cạnh đó, từng bước cải thiện các yếu tố khoa học công nghệ và nguồn nhân lực để có thể thích ứng với giai đoạn mới của cách mạng khoa học kỹ thuật; không ngừng cải tiến phương thức chỉ đạo điều hành, cải tiến hệ thống công chức từ đổi mới toàn bộ hệ thống chính trị cho thích ứng với giai đoạn phát triển mới./.
Đề cập về cải cách thể chế, TS Lê Xuân Sang đề nghị cần tăng cường sự tham gia của tư nhân, người dân trong hoạch định, giám sát chính sách và công trình công. Đồng thời tăng nguồn lực cho lực lượng hoạch định chính sách (tiền, nhân lực). Bên cạnh đó, tận dụng, nắm bắt tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạch định chính sách công./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục