Các nhà máy ở châu Á chưa lấy lại đà đi lên

13:20' - 06/08/2016
BNEWS Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc giảm xuống 49,9 điểm trong tháng Bảy, dưới mốc 50 là ngưỡng phân định giữa chiều hướng tăng trưởng và suy giảm.
Các nhà máy ở châu Á chưa lấy lại đà đi lên. Ảnh: blissful-wisdom

Các nhà máy ở Trung Quốc và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, không nhận thấy nhu cầu có nhiều dấu hiệu phục hồi trong tháng Bảy, với các khảo sát ở châu Á không cho kết quả khả quan lắm sau khi có các số liệu về tăng trưởng yếu ở Mỹ và châu Âu.

Trong số các khảo sát, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc giảm xuống 49,9 điểm trong tháng Bảy, dưới mốc 50 là ngưỡng phân định giữa chiều hướng tăng trưởng và suy giảm.

Nhà kinh tế Louis Lam của ngân hàng ANZ cho rằng số liệu PMI kể trên không phải là dấu hiệu tích cực đối với tăng trưởng GDP.

Theo ông, lĩnh vực chế tạo truyền thống có thể tiếp tục đối mặt với những khó khăn lớn khi những nỗ lực nhằm hạn chế tình trạng dư thừa công suất được tiếp tục và các nhà chức trách được trông đợi sẽ duy trì chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ.

Tuy nhiên, khảo sát của Caixin bao quát nhiều công ty nhỏ hơn lại cho kết quả tốt hơn, với PMI tăng lên 50,6 điểm trong tháng Bảy, so với 48,6 trong tháng Sáu, đánh dấu tháng tăng trưởng đầu tiên trong 17 tháng.

Một điều tích cực nữa là PMI chính thức cho thấy lĩnh vực dịch vụ quy mô lớn của Trung Quốc tăng nhẹ trong tháng Bảy. Nước này đang đặt hy vọng vào lĩnh vực dịch vụ trong lúc có những lo ngại dai dẳng về ngành công nghiệp chế tạo.

Sự khởi sắc đó không đến với Nhật Bản, khi đồng yen cao không mong đợi đã khiến đơn hàng xuất khẩu mới giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn ba năm rưỡi. Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ đánh giá lại chiến lược nới lỏng chính sách tiền tệ trước khi diễn ra cuộc họp chính sách vào ngày 21/9 tới.

Nhà kinh tế Frederic Neumann ở HSBC cho rằng điều này có thể mang đến hy vọng về những biện pháp mạnh hơn, nhưng cũng cho thấy BoJ đã chạm đến giới hạn của khung chính sách hiện hành.

Nhu cầu trong nước yếu cũng gây tác động tiêu cực ở Hàn Quốc, với PMI theo khảo sát của Nikkei/Markit giảm xuống 50,1 trong tháng Bảy, so với mức 50,5 trong tháng Sáu.

Số liệu thương mại chính thức cho thấy xuất khẩu trong tháng Bảy của cường quốc về hàng điện tử này giảm tháng thứ 19 liên tiếp và giảm với tốc độ mạnh nhất trong ba tháng.

Một điểm sáng là Ấn Độ, với PMI của lĩnh vực chế tạo trong tháng Bảy đạt mức cao trong bốn tháng là 51,8 điểm, nhờ nhu cầu tăng ở trong nước và nước ngoài.

Các khảo sát ở châu Âu và Mỹ sẽ được công bố muộn hơn trong ngày sau báo cáo yếu kém về tăng trưởng trong tuần trước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục