Hoạt động chế tạo và xuất khẩu của châu Á vẫn ảm đạm

07:04' - 03/06/2016
BNEWS Hoạt động chế tạo của châu Á trong tháng Năm ảm đạm, giữa bối cảnh các doanh nghiệp thiên về xuất khẩu của khu vực rơi vào tình cảnh “đói” đơn đặt hàng khi kinh tế toàn cầu ảm đạm.
Hoạt động chế tạo và xuất khẩu của châu Á tiếp tục kém sáng. Ảnh: TTXVN

Kết quả một cuộc khảo sát mới công bố ngày 1/6 cho thấy hoạt động chế tạo của châu Á trong tháng Năm đã không đạt tiến triển tốt, giữa bối cảnh các doanh nghiệp thiên về xuất khẩu của khu vực rơi vào tình cảnh “đói” đơn đặt hàng khii kinh tế toàn cầu ảm đạm.

Theo đó, sản lượng các nhà máy tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, gần như không tăng so với tháng trước đó, trong khi tại Nhật Bản, con số này thậm chí còn giảm do tác động của trận động đất xảy ra hồi tháng Tư. Su Sian Lim, chuyên gia kinh tế về khu vực Đông Nam Á của ngân hàng HSBC, nhận định bức tranh kinh tế châu Á hiện khá ảm đạm với hoạt động trong lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu không mấy khả quan.

Cũng theo cuộc khảo sát này, trong tháng 5/2016, mặc dù Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Trung Quốc tăng trong tháng thứ ba liên tiếp, song chỉ mới ở mức 50,1 điểm.

Trong khi đó, chỉ số PMI của Caixin/Markit, chỉ số tập trung vào đánh giá những doanh nghiệp nhỏ hơn, lại phác họa một bức tranh có phần tối hơn cho những công ty nước ngoài vốn phụ thuộc rất nhiều vào thị trường rộng lớn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, từ những sản phẩm tiêu dùng cho đến xe cộ hay hàng hóa.

Tại Nhật Bản, các cơ sở sản xuất vốn đã gặp rất nhiều khó khăn sau thảm họa động đất tại thành phố Kumamoto lại đang phải đối mặt nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Chỉ số Caixin/Markit PMI của Nhật Bản giảm xuống chỉ còn 47,7 điểm trong tháng Năm từ mức 48,2 điểm của tháng Tư (số liệu đã điều chỉnh theo mùa vụ), qua đó ghi dấu lần giảm nhanh nhất trong vòng ba năm qua.

Đồng thời, đồng yen Nhật Bản cũng đã phục hồi lên mức cao nhất của 18 năm so với đồng USD hồi tháng trước, khiến các nhà xuất khẩu của “xứ hoa anh đào” lo lắng.

Điều đáng nói là nếu gạt hai nền kinh tế “khổng lồ” của thế giới là Nhật Bản và Trung Quốc ra thì bức tranh kinh tế châu Á vẫn không thể sáng hơn. Hoạt động chế tạo của Hàn Quốc chỉ khởi sắc nhẹ trong tháng Năm khi chỉ số Nikkei/Markit PMI nhích lên 50,1 điểm từ mức 50 điểm của tháng Tư nhờ hoạt động xuất khẩu đi lên.

Tuy nhiên, một kết quả độc lập khác lại cho thấy hoạt động xuất khẩu của nước này đã bất ngờ giảm đến 6% trong tháng trước. Trong đó, số đơn hàng từ Trung Quốc, khách hàng lớn nhất của "xứ Kim chi", đã giảm 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại vùng lãnh thổ Đài Loan, hoạt động chế tạo cũng sa sút trong tháng thứ hai liên tiếp, với tốc độ giảm của số đơn hàng mới là nhanh nhất trong ba tháng. Trong khi hoạt động sản xuất của Malaysia cũng duy trì trong “vùng đỏ”, với số đơn đặt hàng mới giảm tháng thứ 15 liên tiếp. Có lẽ điểm sáng duy nhất tại châu Á là Australia, nước vừa ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất của ba năm trong quý I/2016.

Các chuyên gia phân tích cho rằng nhu cầu toàn cầu yếu sẽ tiếp tục đè nặng lên lợi nhuận của các doanh nghiệp và các hoạt động kinh tế của khu vực nói chung.

Bên cạnh đó, một số quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn tỏ ra quan ngại về tình hình phát triển bấp bênh của kinh tế Trung Quốc và tương lai bất định của Vương quốc Anh trong Liên minh châu Âu (EU) trước thềm cuộc trung cầu dân ý sẽ diễn ra tại “xứ sở sương mù” trong tháng này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục