Các trường đại học bắt đầu công bố ngưỡng điểm xét tuyển

17:03' - 13/07/2017
BNEWS Hầu hết các trường đại học tốp trên đều lấy ngưỡng xét tuyển cao hơn mức điểm sàn trung bình từ 2,5 điểm trở lên.
Điểm chuẩn các trường tốp trên cao hơn điểm sàn trung bình từ 2,5 điểm trở lên. Ảnh minh họa: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) xét tuyển đại học năm 2017 là 15,5 ở tất cả các khối thi.

Đến nay, các trường đại học đã bắt đầu công bố điểm xét tuyển đầu vào để thí sinh cân nhắc, thay đổi nguyện vọng cho phù hợp với năng lực, sở thích học tập. Hầu hết các trường đại học tốp trên đều lấy ngưỡng xét tuyển cao hơn mức điểm sàn trung bình từ 2,5 điểm trở lên.

Điểm chuẩn các trường tốp trên sẽ tăng nhẹ

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội công bố điểm xét tuyển vào trường là từ 21-24 điểm, tùy từng mã ngành. Tổng chỉ tiêu tuyển của trường là 5.740 cho chương trình đào tạo đại trà; 500 chỉ tiêu chương trình đào tạo quốc tế. Thí sinh trúng tuyển có thể đăng ký tham dự bài kiểm tra đánh giá năng lực để được chọn vào học các chương trình Đào tạo tài năng và Kỹ sư chất lượng cao.

Trường yêu cầu các thí sinh phải có tổng điểm trung bình các môn học thuộc tổ hợp môn xét tuyển, tính trong 3 năm học Trung học Phổ thông phải đạt từ 20 điểm trở lên, trừ các thí sinh được tuyển thẳng…

Phó Giáo sư Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trường Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Năm nay, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có nhiều điểm mới trong mô hình và chương trình đào tạo theo hướng tích hợp, linh hoạt và hội nhập quốc tế, chú trọng năng lực và kỹ năng thực hành nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, Trường đổi mới chính sách học bổng và hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Những năm trước, sinh viên nhận học bổng chủ yếu là sinh viên tài năng, có kết quả học tập xuất sắc. Năm nay, Trường sẽ hỗ trợ tài chính cho những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. Kinh phí của quỹ học bổng hàng năm của Trường là khoảng 25 tỉ đồng với hơn 2.500 suất học bổng các loại.

Điểm xét tuyển vào Đại học Ngoại thương năm 2017 là 22,5 khối A; các khối còn lại 21,5; riêng khối D2 (thi tiếng Nga) lấy 20,5 điểm tại cơ sở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Cơ sở Quảng Ninh của trường nhận hồ sơ từ 18 điểm.

Trường đã thực hiện phân tích phổ điểm năm 2017 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố và nhận thấy rằng, ngưỡng điểm từ 8 trở lên số lượng nhiều hơn năm trước. Do đó, dự kiến điểm chuẩn năm 2017 của nhà trường có thể sẽ nhỉnh hơn năm 2016 một chút.

Thông tin từ Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho thấy: Trường nhận hồ sơ xét tuyển của các thí sinh đạt từ 18 điểm trở lên, cao hơn 1 điểm so với năm 2016. Trường Đại học Kinh tế quốc dân đứng thứ 5 trong số các trường xét nguyện vọng 1 và tất cả nguyện vọng. Trường dự kiến, điểm chuẩn sẽ tăng nhẹ và tăng không đồng đều giữa các ngành, dự kiến tăng từ 1-2 điểm.

Do đó, thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn của Trường Đại học Kinh tế quốc dân từ 1-2 năm trước, tương ứng với các ngành mà thí sinh đăng ký. Trường có tới 25 mã ngành nên dải điểm rất rộng. Năm ngoái, mức điểm chuẩn của trường là từ 20,5- 25,5 điểm...

Cơ hội lớn cho các thí sinh đăng ký vào Đại học Quốc gia

Thông tin từ Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Năm 2017, Đại học Quốc gia Hà Nội không tổ chức kì thi đánh giá năng lực như 2 năm trước, mà sử dụng kết quả các bài thi Trung học Phổ thông quốc gia để xét tuyển bậc đại học.
Giáo sư. Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Năm 2017, Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh 7.345 chỉ tiêu với 99 ngành/chương trình đào tạo bậc đại học thuộc lĩnh vực Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội, Kinh tế, Quản trị Kinh doanh, Luật học, Y – Dược.
Trong đó, 5 ngành mới là: Công nghệ kỹ thuật Xây dựng - Giao thông (100 chỉ tiêu), Kỹ thuật máy tính (60 chỉ tiêu), Công nghệ thông tin định hướng thị trường Nhật Bản (50 chỉ tiêu) của Trường Đại học Công nghệ, ngành Sư phạm tiếng Hàn của Trường Đại học Ngoại ngữ và ngành Răng - Hàm - Mặt của Khoa Y Dược (chương trình đào tạo chất lượng cao theo đặc thù đơn vị).

Ba chương trình đào tạo chất lượng cao tính đủ chi phí đào tạo (đáp ứng Thông tư 23/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) là: Công nghệ kỹ thuật hoá học (40 chỉ tiêu), Công nghệ sinh học (40 chỉ tiêu) của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Tài chính Ngân hàng (60 chỉ tiêu) của Trường Đại học Kinh tế.
Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ xét tuyển theo ba hình thức. Đó là thí sinh có kết quả Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia quốc gia năm 2017 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Đại học Quốc gia Hà Nội quy định.

Đồng thời, Đại học Quốc gia Hà Nội sử dụng 56 tổ hợp để xét tuyển vào đại học chính quy, trong đó, có 10 tổ hợp môn theo khối thi truyền thống và 46 tổ hợp môn theo khối thi mới.

Đối với các khối thi mới, các đơn vị đào tạo thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đặc biệt chú trọng sử dụng bài thi Ngoại ngữ để đảm bảo năng lực ngoại ngữ cần thiết, giúp thí sinh theo học tốt các chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra tương ứng quốc tế.

Thứ hai là các thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực còn hạn sử dụng đạt từ 70/140 điểm trở lên và chưa nhập học vào bất kỳ đơn vị đào tạo nào của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Thứ ba, Đại học Quốc gia Hà Nội xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge, Anh (Cambridge International Examinations A-Level, UK). Thí sinh sử dụng chứng chỉ A-Level với tổ hợp kết quả ba môn thi theo các khối thi quy định của ngành đào tạo tương ứng.

Mức điểm mỗi môn thi đạt từ 60/100 điểm trở lên (tương ứng điểm C, PUM range ≥ 60) mới đủ điều kiện đăng ký để xét tuyển...
Theo Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến trước 17 giờ ngày 1/8, các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn để thí sinh biết đã đỗ vào ngành nào, trường nào.

Đến trước 17 giờ ngày 7/8, các thí sinh xác nhận trúng tuyển bằng cách nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi vào trường đã đăng kí. Từ ngày 13/8, các trường tiếp tục xét tuyển đợt bổ sung nếu còn thiếu chỉ tiêu…/.

>>> Thí sinh cần cân nhắc gì khi điều chỉnh nguyện vọng ?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục