Cách nào gỡ khó việc xử phạt xe không giấy tờ gốc?

21:59' - 28/07/2017
BNEWS Gần đây, việc xử phạt lái xe không mang giấy tờ gốc đang khiến các chủ phương tiện rơi vào thế “kẹt” do không ít người vay vốn mua xe từ ngân hàng và giấy tờ đang nằm trong ngân hàng.
Quy định về xử phạt lái xe không có giấy tờ gốc đang khiến nhiều người rơi vào thế "kẹt". Ảnh minh họa: TTXVN

Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, anh Tùng (lái xe taxi tại Hà Nội) cho biết: “Bây giờ hầu hết các xe taxi như chúng tôi đều vay tiền của ngân hàng mua xe trả góp để chạy. Họ giữ giấy tờ gốc nên chỉ có bản sao có đóng dấu ngân hàng ở đây thôi. Giờ mà cảnh sát kiểm tra thì chắc chắn bị phạt”.

Để gỡ khó cho vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa qua đã có kiến nghị gửi tới Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải.

Theo đó, NHNN đề nghị Bộ Tư pháp hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 163/2006/NĐ-CP, Nghị định 11/2012/NĐ-CP theo hướng quy định bên nhận thế chấp có quyền giữ bản chính giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận phù hợp với quy định của Bộ Luật dân sự 2015.

Đồng thời, cũng đề nghị Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo cho phép người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông có xác nhận của tổ chức tín dụng khi lưu thông phương tiện giao thông.

Đánh giá về tính khả thi của những kiến nghị này, theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh, trước hết cần nhìn lại toàn bộ các quy định của pháp luật hiện hành đang điều chỉnh những mối quan hệ trên.

Luật sư phân tích: Đối với giao dịch thế chấp giữa chủ xe (bên thế chấp) và các tổ chức tín dụng (bên nhận thế chấp), tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm quy định cho phép bên nhận thế chấp giữ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu của bên thế chấp, bao gồm đăng ký xe. Tuy nhiên, khi Luật Giao thông đường bộ 2008 ra đời, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông bắt buộc phải mang theo đăng ký xe.

Chính vì vậy, để áp dụng thống nhất các quy định pháp luật, Chính phủ ban hành Nghị định 11/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2006/NĐ-CP, trong đó quy định rõ: “Trong trường hợp tài sản thế chấp là phương tiện giao thông thì bên thế chấp giữ bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực”.

Tuy nhiên, rõ ràng với điều kiện thực tế tại Việt Nam, các tổ chức tín dụng vẫn phải tự bảo vệ mình, bằng cách “thỏa thuận” với chủ xe về việc gửi giữ đăng ký xe. Điều này trong thời gian ngắn khó có thể thay đổi được, bởi thực tế không kể đến phương tiện giao thông (động sản) mà đến cả quyền sử dụng đất (bất động sản), nhiều chủ thể thế chấp vẫn chuyển nhượng, tặng cho,… dẫn đến tranh chấp phát sinh.

“Với con số hiện tại có khoảng 1,3 triệu xe ô tô đang là tài sản thế chấp tại các tổ chức tín dụng, nếu không có sự điều chỉnh pháp luật kịp thời thì hậu quả pháp lý sẽ khó lường”, ông Truyền nhấn mạnh.

Còn đối với quan hệ hành chính giữa người tham gia giao thông và cảnh sát giao thông, theo luật sư, việc xử phạt hành vi không mang theo đăng ký xe là phù hợp với Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Đúng về lý, nhưng không hợp về tình.

Giải thích rõ quan điểm này, ông Truyền cho hay: “Người tham gia giao thông vi phạm là có thật, nhưng họ không có khả năng làm khác. Và hành vi vi phạm cũng một phần từ việc pháp luật của chúng ta quy định chưa đủ rõ ràng, thống nhất”.

Trước mắt, có lẽ các tổ chức tín dụng cũng cần rà soát, điều chỉnh công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra hiện trạng của tài sản thế chấp.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về đề xuất gỡ khó cho vấn đề này, ông Truyền nhận định: “Lời giải sẽ chỉ thực sự triệt để khi có sự thống nhất về mặt quản lý và xây dựng, ban hành, hoàn thiện hệ thống pháp luật từ phía các cơ quan chức năng trong thời gian tới theo hướng minh bạch hóa quyền tài sản”.

Ông dẫn ví dụ cụ thể: “Chúng ta có thể học tập một số nước trên thế giới về cách quản lý đối với những tài sản đang được mang đi thế chấp, bảo lãnh hoặc phân định rõ về quyền tài sản bằng nhưng công cụ pháp lý mang tính kỹ thuật như: Với những xe ô tô đang thế chấp tại các định chế tài chính như tổ chức tín dụng, cho thuê mua tài chính, bảo lãnh cho các nghĩa vụ, khoản vay nào khác có thể đề nghị đăng ký biển kiểm soát theo màu khác biệt để phân biệt với những tài sản ô tô không thực hiện thế chấp, bảo lãnh…

Với kỹ thuật quản lý như thế này sẽ đảm bảo được nhiều yếu tố, chẳng hạn khi chủ tài sản thế chấp muốn thay đổi hiện trạng tài sản, chuyển dịch mua bán, tặng cho thì ngay với hình thức bên ngoài là “biển kiểm soát khác màu” đã rất khó thực hiện.

Hơn thế nữa, với những tài sản được gắn dấu hiệu đặc biệt như vậy sẽ luôn nhắc nhở chính chủ sở hữu biết quyền của mình đến đâu theo thỏa thuận với bên nhận thế chấp. Vì rõ ràng xe đang thế chấp thì anh chỉ còn quyền sử dụng hoặc quyền cho thuê, quyền thu lợi từ tài sản đó mà không có đầy đủ quyền định đoạt đối với tài sản đó vì có liên quan đến bên thứ 3”.

“Ngoài ra, kỹ thuật nhỏ này còn giúp cho chính chủ tài sản người đang thế chấp luôn được nhắc nhở bản thân về nghĩa vụ với một bên thứ 3 khác từ đó sẽ giúp cho kỹ năng quản trị tài chính cá nhân sẽ không bị sa đà bởi tâm lý tự huyễn hoặc mình khi đang sở hữu những tài sản có giá trị mà không hoàn toàn là của mình”, luật sư nói thêm.

Theo Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh, cần có một thông tư liên bộ giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an để xử lý vấn đề này./.

>>> Xử phạt xe không giấy tờ gốc: Chủ xe và ngân hàng như "ngồi trên lửa"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục