Cải cách thủ tục hành chính: Tiệm cận thông lệ tốt nhất của thế giới

08:06' - 03/12/2017
BNEWS Việc cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt thủ tục hành chính thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán... nhằm tuân thủ Nghị quyết 19/NQ-CP và hơn thế nữa còn phải tiệm cận thông lệ tốt nhất của quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, việc cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt thủ tục hành chính thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán... nhằm tuân thủ Nghị quyết 19/NQ-CP và hơn thế nữa còn phải tiệm cận những thông lệ tốt nhất của quốc tế.

Do đó, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc đánh giá từ bên ngoài theo tiêu chuẩn quốc tế của hai tổ chức lớn của quốc tế là Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế.

Như vậy, việc  cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính sẽ có sự giám sát không chỉ của đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trong nước mà còn có sự giám sát, đánh giá từ các tổ chức quốc tế.

Những năm qua, thực hiện Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ về chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, Bộ Tài chính đã triển khai đồng bộ cả 6 nội dung cải cách hành chính. Cụ thể, từ cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy nhà nước... đến hiện đại hóa hành chính đối với tất cả các lĩnh vực tài chính như: kho bạc, chứng khoán, tài chính doanh nghiệp ...

Đặc biệt trong năm 2016 và 2017, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều kế hoạch với các sản phẩm đầu ra cụ thể, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, cải cách hành chính của Bộ đã đạt được những kết quả cụ thể. Đơn cử như giai đoạn 2011 - 2015, Bộ đã cắt giảm được 248 thủ tục hành chính và đơn giản hóa được 962 thủ tục trong các lĩnh vực. Đặc biệt từ năm 2016 đến nay, Bộ tiếp tục rà soát, cắt giảm 172 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 872 thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính.  Hiện nay, bộ thủ tục hành chính còn lại của Bộ là 946 thủ tục.

Bên cạnh đó, hiện đại hóa trong các lĩnh vực hành chính cũng được toàn ngành đẩy mạnh, triển khai đồng bộ từ quản lý quỹ ngân sách của hệ thống kho bạc nhà nước đến chứng khoán, bảo hiểm..., đặc biệt là lĩnh vực thuế, hải quan.

Điểm tiếp nhận hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2016 của Cục thuế Hà Nội tại hội trường A1 khách sạn La Thành. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

Đến nay, hệ thống khai thuế qua mạng đã được triển khai tới 63 cục thuế và 100% các chi cục thuế trực thuộc. Ngành Thuế tiếp tục phối hợp với 45 ngân hàng thương mại hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử với Tổng cục Thuế và 63 cục thuế địa phương. Hiện 98,56% doanh nghiệp đã đăng ký sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế, 96,71% doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng...

Ngành Thuế cũng đã hỗ trợ cho 200 doanh nghiệp khai tại 2 Cục thuế Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh trong việc đăng ký và xuất hóa đơn điện tử có xác thực, đã xác thực được trên 4,3 triệu hóa đơn với số tiền thuế gần 2.180 tỷ đồng.

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ngành thuế đã đi đầu trong triển khai thực hiện các Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh. Việc kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế... cơ bản đã được thực hiện trên mạng điện tử.

Ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ ngành thuế cũng sẽ đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Trong lĩnh vực hải quan, cơ quan hải quan đã thực hiện cơ chế một cửa quốc gia chính thức kết nối với 11/14 bộ, ngành với 41 thủ tục hành chính. Tổng số bộ hồ sơ hành chính đã được xử lý trên cổng là khoảng 558 nghìn bộ hồ sơ với sự tham gia của hơn 14,5 nghìn doanh nghiệp.

Theo Báo cáo môi trường kinh doanh - Doing Business (DB) năm 2017 được World Bank (WB) công bố năm 2016 (WB thường công bố sớm trước 1 năm theo số liệu ước tính), Việt Nam xếp hạng 82/190 nền kinh tế, cải thiện tới 9 bậc so với năm 2016;  trong đó có sự đóng góp của chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội (tăng 11 bậc) và chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới tăng 15 bậc.

Vừa qua, ngày 31/10/2017, WB đã công bố xếp hạng Doing Business năm 2018 và môi trường kinh doanh của Việt Nam có sự cải thiện mạnh, từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế, cải thiện 14 bậc so với năm 2017; trong đó đặc biệt là chỉ số nộp thuế đã có sự cải thiện ngoạn mục với 81 bậc từ thứ 167 lên vị trí 86/190 nền kinh tế.

Ngoài ra, những kết quả cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính cũng thể hiện qua đánh giá về chỉ số cải cách hành chính. Trong 3 năm qua (2014, 2015, 2016), Bộ Tài chính luôn giữ vững vị trí thứ 2/19 Bộ, cơ quan ngang Bộ.  Về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT index), Bộ Tài chính 5 năm liên tiếp (từ năm 2013 đến năm 2017) đứng đầu trong khối các Bộ, ngành.

Theo ông Phạm Minh Hùng - Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), sau khi ban hành bộ tiêu chí đánh giá cải cách hành chính ở Trung ương, đã có 4 bộ vận dụng để đánh giá kết quả của các đơn vị trực thuộc; trong đó có Bộ Tài chính.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng cho biết mục tiêu cuối năm 2017, Bộ Tài chính sẽ cố gắng giữ vững vị trí thứ 2 về chỉ số cải cách hành chính trong khối 19 bộ, ngành.

Theo Thứ trưởng, hiện nay Bộ Tài chính triển khai nhiệm vụ trên 25 lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, đối tượng phục vụ khoảng 19 triệu hộ dân, liên quan tới nghĩa vụ nộp thuế với cơ quan thuế khoảng 7 triệu hộ, 2,8 triệu hộ thực hiện kê khai và nộp các loại thuế, 574.000 doanh nghiệp thường xuyên hoạt động kinh doanh có động chạm tới thủ tục hành chính thuế với cơ quan thuế; 62.000 doanh nghiệp hoạt động liên quan đến thủ tục hành chính hải quan. Chính vì vậy, giữ vững vị trí thứ 2 đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực rất lớn đối với từng cán bộ, công chức, viên chức ngành tài chính.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa trong quản lý thuế, thực hiện kê khai, nộp và hoàn thuế qua mạng, hải quan điện tử qua Hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia (VNACC/VNCIS).

Thông qua việc hiện đại hóa này vừa rút ngắn thời gian kê khai nộp thuế, thời gian làm thủ tục hải quan, vừa giảm tối đa quan hệ trực tiếp giữa cán bộ thuế, hải quan với người nộp thuế, người khai hải quan.

Đặc biệt, ngành tài chính tăng cường tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế chính sách và thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ để hỗ trợ, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp./.

>>> Bộ Tài chính đối thoại với doanh nghiệp về chính sách thuế, hải quan

>>> Chậm giải quyết thủ tục hành chính phải xin lỗi người dân, doanh nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục