Cần thiết ban bành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

20:18' - 10/11/2017
BNEWS Chiều 10/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Bên lề Kỳ họp, các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về "xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị", đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, đây là mô hình mới, hay, cần có cơ chế, chính sách cụ thể hóa vào luật. Theo đó, các đơn vị này cần có chính sách vượt trội, với tính độc lập, tự chủ cao, tạo sự hấp dẫn, đột phá để thu hút đầu tư, phát triển.

Bên cạnh đó, cần giao trách nhiệm cho người điều hành đơn vị đó tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Phải mạnh dạn để làm mô hình, thí điểm, không nên ràng buộc như các đơn vị hành chính khác - đại biểu nêu ý kiến.

Đồng ý kiến, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) nêu quan điểm: Phải giảm tối đa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho bộ máy ở các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt hoạt động một cách năng động, xử lý vấn đề nhanh. Vì vậy, cần có một cơ chế đặc biệt cho bộ máy quản lý hành chính ở đặc khu kinh tế đặc biệt này.

Tuy nhiên, việc điều hành tổ chức hoạt động tại các đơn vị này cần tuân thủ hệ thống pháp luật hiện nay. Chỉ có việc ban hành Luật - văn bản pháp lý cao nhất, mới có thể đảm bảo được tính đặc biệt của các đơn vị đặc biệt này trong cơ chế chính sách và quản lý.

Khẳng định việc ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là một chủ trương đúng, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, đây sẽ là cơ hội để tạo động lực phát triển cho phát triển kinh tế, đồng thời cũng là địa điểm để thí điểm các chính sách lớn trong tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước trong thời gian tới.

Đại biểu nêu quan điểm, việc ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cần xem xét lợi thế của từng khu vực. Điển hình như khu vực Vân Đồn (Quảng Ninh) là một địa điểm thuận lợi cho việc hình thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thông qua vị trí, địa lý cũng như địa hình, sự phát triển của khu vực này.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, tại các địa phương, khi chưa có Luật đã rất chủ động, tích cực trong việc chuẩn bị các điều kiện xây dựng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Một trong những điểm đáng lưu ý là khi thành lập các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, cần tạo ra lợi thế cho các nhà đầu tư; bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của người dân trong các khu vực này; đồng thời cần sự xem xét thêm về từng lợi thế theo Đề án của từng địa phương đã trình Chính phủ.

Ví dụ như, để phát triển du lịch cần được đặt ra ở đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn (Quảng Ninh) và Phú Quốc. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) lại có lợi thế quan trọng trong phát triển công nghệ cao thời gian tới. Ngoài các quy định chung về hành chính, kinh tế, cần có quy định riêng để khai thác được các lợi thế của từng đơn vị đó - đại biểu chỉ rõ.

Đối với cơ cấu tổ chức của các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, theo đại biểu, một vấn đề quan trọng là làm sao để chính quyền đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư, đặc biệt trong việc quyết định các vấn đề của người dân; khai thác các lợi thế. Trong đó, yêu cầu quan trọng nhất đối với các đơn vị này là cần tạo sự gọn nhẹ, năng động của người đứng đầu trong đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Đồng thời, dù có trao quyền quyết định cho người đứng đầu đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, vẫn cần có sự giám sát của người dân, của cơ quan đại diện.

Tổ chức của cơ quan giám sát này cần bảo đảm sự gọn nhẹ, linh hoạt và hiệu quả trong việc thể hiện ý chí của người dân đối với người đứng đầu đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

>>>Đặc khu kinh tế tạo tính lan toả trong phát triển kinh tế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục