Chỉ số PCI khu vực Đồng bằng sông Cửu Long liên tục nằm top đầu cả nước

15:50' - 04/05/2018
BNEWS Điểm số PCI trung bình của vùng Đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng từ năm 2014 (là 59,12 điểm) tới nay (năm 2017 là 63,4 điểm), đứng đầu trong 6 vùng của cả nước.

Ngày 4/5, tại thành phố Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh tại Cần Thơ phối hợp với Dự án năng lực cạnh tranh PCI tổ chức Hội thảo phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và những bài học kinh nghiệm trong quản lý và cải cách.

Theo lãnh đạo VCCI, một trong những thế mạnh truyền thống thời gian qua của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là chất lượng điều hành được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Đồng bằng sông Cửu Long luôn là vùng có số tỉnh nằm trong top 10 PCI cao nhất trong các vùng.

Cụ thể, trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất qua điều tra PCI năm 2017 thì đã có tới 5 tỉnh, thành phố thuộc vùng như Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long luôn là nơi có điểm số trung bình PCI cao nhất trong 6 vùng trong cả nước, liên tục từ năm 2014 đến nay.

Hội thảo phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 vùng Đồng bằng sông Cửu Long do VCCI Cần Thơ tổ chức nhằm chia sẻ những kinh nghiệm cải thiện môi trường kinh doanh giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, từ đó lan tỏa những sáng kiến hay, cách làm tốt từ một số tỉnh ra toàn vùng nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thân thiện, năng động và hỗ trợ, góp phần thu hút đầu tư cho vùng.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI, điểm số PCI trung bình của vùng Đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng từ năm 2014 (là 59,12 điểm) tới nay (năm 2017 là 63,4 điểm), đứng đầu trong 6 vùng của cả nước.

Đồng bằng sông Cửu Long cũng là nơi thành lập doanh nghiệp dễ dàng nhất với điểm số trung bình 8,2 điểm, là vùng có thời gian làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp ngắn nhất với chất lượng giải quyết thủ tục thành lập doanh nghiệp tốt nhất, nơi cải cách hành chính có chất lượng tốt nhất, ít nhũng nhiễu nhất trong thanh kiểm tra.

Đồng bằng sông Cửu Long cũng là nơi doanh nghiệp chịu gánh nặng chi ít nhất, nơi doanh nghiệp có nhiều thuận lợi trong tiếp cận đất đai và sử dụng đất ổn định nhất, là nơi có môi trường hoạt động an toàn về pháp lý cao nhất, nơi các doanh nghiệp được hoạt động trong môi trường kinh doanh bình đẳng nhất, nơi có chính quyền năng động nhất, nơi cộng đồng doanh nghiệp được lắng nghe nhất...

Bên cạnh những kết quả trên, theo ông Tuấn, vùng Đồng bằng sông Cưu Long vẫn còn những tồn tại hạn chế cần phải nỗ lực phấn đấu trong thời gian tới như chất lượng lao động thấp nhất cả nước nên cần nâng cao chất lượng lao động, tạo nguồn cung lao động trình độ cao tại vùng. Dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh doanh của vùng còn hạn chế và thấp nhất trong cả nước về sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân và chất lượng dịch vụ...

Do đó, các địa phương trong vùng cần đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp sát với thực tiễn, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, khai thông tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và đẩy mạnh việc thành lập doanh nghiệp mới...

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, để tiếp tục nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh trong thời gian tới, trước hết các địa phương trong vùng cần phải đề ra nghị quyết về cải thiện PCI, phải thành lập hiệp hội doanh nghiệp cấp tỉnh thống nhất các hiệp hội doanh nghiệp nhỏ để là nơi tham mưu, cầu nối giữa cơ quan chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp đồng thời liên kết các doanh nghiệp để thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Thêm vào đó, các tỉnh thành cần xây dựng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quận huyện, sở ban ngành, cấp xã, phường và đến từng cán bộ công chức... để đo lường sự hài lòng của doanh nghiệp đối với cán bộ công chức, tạo áp lực thúc đẩy cải cách.

Cũng theo ông Lộc, các địa phương cần thành lập cơ quan xúc tiến thương mại đầu tư độc lập trực thuộc UBND tỉnh, thành có đủ quyền lực dưới sự lãnh đạo trực tiếp của lãnh đạo UBND tỉnh sẽ thúc đẩy được việc thu hút đầu tư. Các địa phương cũng cần nghiên cứu, học tập những mô hình hay như: mô hình cà phê doanh nhân của tỉnh Đồng Tháp. Hay việc thành phố Cần Thơ dành toàn bộ ngày thứ Hai hàng tuần không tổ chức họp hội để dành thời gian giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp.

Theo ông Lộc, khi có hiệp hội doanh nghiệp thống nhất, các địa phương thành công đều là những nơi tạo điều kiện cho hiệp hội doanh nghiệp tham gia vào tất cả các cuộc họp, các chương trình nghị sự của Đảng, chính quyền để bàn về phát triển kinh tế cho địa phương....

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc phục trách VCCI Cần Thơ, hiện nay 9/13 tỉnh thành trong vùng đã xây dựng Chương trình khởi nghiệp và thiết lập hệ sinh thái khởi nghiệp. Việc cải thiện CPI là cơ hội để cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Hiện đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài FDI đang đặt ra những yêu cầu về cải cách nên PCI là công cụ tham khảo hiệu quả, cần xác định chỉ số để tập trung cải thiện môi trường đầu tư nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trong thời gian tới...

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia, doanh nghiệp, các địa phương dẫn đầu về chỉ số PCI như Quảng Ninh, Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt trong cải cách hành chính, những sáng kiến cải thiện môi trường kinh doanh.../.

>>> Quán quân PCI 2017: Quảng Ninh “xoáy nước” hút vốn đầu tư kỷ lục

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục