CIRC kêu gọi hạ giá thành vaccine HPV phòng ngừa ung thư cổ tử cung

16:26' - 03/02/2017
BNEWS Ung thư cổ tử cung đang cướp đi sinh mạng của 250.000 phụ nữ mỗi năm trên thế giới trong khi phần lớn các trường hợp ung thư này có thể tránh được thông qua tiêm chủng vaccine HPV.
Vaccine HPV phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Ảnh: Reuters

Ngày 2/2, Trung tâm quốc tế nghiên cứu bệnh ung thư (CIRC) - cơ quan nghiên cứu ung thư thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Pháp, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm giá thành vaccine chống virus papilloma ở người (HPV) nhằm ngăn chặn hàng nghìn trường hợp ung thư cổ tử cung ở phụ nữ, đặc biệt tại các nước đang phát triển.

CIRC cho biết ung thư cổ tử cung ở phụ nữ hàng năm cướp đi sinh mạng của 250.000 người trên thế giới, trong đó có tới 85% trường hợp ở các nước có mức thu nhập trung bình hoặc thấp tại châu Á và châu Phi.

Trong khi đó, phần lớn các trường hợp ung thư cổ tử cung có thể tránh được thông qua các biện pháp phòng ngừa thích hợp, như tiêm chủng vaccine HPV, cùng các chương trình khám sàng lọc và điều trị các tổn thương tiền ung thư.

Vaccine chống virus HPV sẽ bảo vệ phụ nữ chống lại việc lây nhiễm 2 dạng virus HPV 16 và 18, tác nhân chính gây ung thư cổ tử cung.

CIRC xác nhận tỷ lệ ung thư cổ tử cung đã giảm mạnh tại các nước có thu nhập cao. Tuy nhiên, tại các nước đang phát triển, cuộc chiến chống ung thư cổ tử cung lại không được coi là ưu tiên hàng đầu trong khoản ngân sách y tế hạn hẹp và phụ nữ không có điều kiện tiếp cận với các biện pháp phòng ngừa và điều trị một cách thích hợp. 

Ông Rolando Herrero, phụ trách việc phát hiện sớm và phòng ngừa ung thư tại CIRC cho rằng: "Phải hành động ngay lập tức bởi hàng nghìn phụ nữ sẽ mắc phải ung thư cổ tử cung vì họ không được tiêm vaccine phòng ngừa".

Ông cũng cho biết tại một số quốc gia, việc phát hiện và sàng lọc sớm còn gặp rất nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng không đáp ứng thì việc tiêm vaccine đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng chống ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.

Theo kết quả nghiên cứu của CIRC trong các dự án nghiên cứu quan trọng về bệnh ung thư cổ tử cung tại các nước có thu nhập thấp, việc tiêm chủng vaccine HPV 2 liều có thể thay thế hiệu quả chương trình tiêm chủng HPV 3 liều, một chiến lược cho phép giảm giá thành vaccine HPV.

Ngoài ra, CIRC cũng đang xem xét tính hiệu quả của vaccine 1 liều duy nhất và cải thiện cách tiếp cận trong phòng chống ung thư cổ tử cung, trong đó chú trọng vấn đề tài chính.

WHO cũng khuyến cáo việc tiêm chủng vaccine phải đúng lứa tuổi, trong đó vaccine 2 liều dành cho trẻ e gái từ 9-14 tuổi và vaccine 3 liều từ 15 tuổi trở nên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục