Còn tới 92% vốn nhà nước chưa được cổ phần

21:20' - 23/04/2017
BNEWS Theo thông báo mới nhất Ban chỉ đạo Đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, tính tới nay đã có 96,5% số lượng doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa, nhưng tổng số vốn cổ phần hóa chỉ có 8%.
Vinamilk là một trong 12 doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn sẽ đẩy mạnh thoái vốn trong thời gian tới. Ảnh: baotintuc.

Như vậy còn tới 92% vốn nhà nước chưa được cổ phần. Do đó, cần đẩy mạnh tiến trình

cả về lượng và chất.

Chậm xây dựng danh mục cổ phần hóa

Việc đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn, đặc biệt với những doanh nghiệp lớn là hết sức quan trọng, đồng nghĩa với việc chưa thu hút được mạnh mẽ nguồn vốn của tư nhân tham gia vào các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ. Tuy nhiên, ngay trong quý I/2017, CPH vẫn đang gặp nhiều vướng mắc.

Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), giai đoạn 2017 - 2020 cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 137 DNNN nhưng quý I/2017, mới chỉ CPH xong 8 doanh nghiệp (Bộ Quốc phòng 6 DN, Hưng Yên 1 DN, Thừa Thiên - Huế 1 DN) và 1 đơn vị sự nghiệp của Bắc Giang. 41 DN khác đã công bố giá trị DN, 1 DN đã phê duyệt giá trị DN. Tuy nhiên, vẫn còn 108 DN chưa tiến hành xác định được DN.

Ban Chỉ đạo Đổi mới DNNN cho rằng, hoạt động sắp xếp, CPH, thoái vốn DNNN trong quý I năm 2017 chững lại vì phải thực hiện đối với các DNNN có quy mô vốn lớn lên tới hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng như: Tổng công ty Cà phê, VNPT, PVN, các tổng công ty phát điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Cao su, Vinafood 1 và 2... Quá trình chuẩn bị CPH của những DN này đòi hỏi phức tạp hơn nhiều so với những DN quy mô nhỏ.

Bên cạnh đó, theo Ban Chỉ đạo Đổi mới DNNN, có tình trạng nhiều bộ, ngành địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chậm thực hiện xây dựng danh mục DNNN thực hiện sắp xếp CPH. Cụ thể, đến hết quý 1/2017 mới có 4 bộ, ngành, 5 địa phương, 5 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trình danh mục CPH. Còn 20 bộ, ngành, 59 địa phương và 79 tập đoàn và tổng công ty nhà nước chưa trình danh mục này.

Về thoái vốn nhà nước, đến hết ngày 25/3, cả nước đã bán phần vốn nhà nước có giá trị sổ sách 71,8 tỷ đồng tại 10 DN không cần nắm giữ và thu về 72,8 tỷ đồng, trong đó có 6 DN phải thoái vốn dưới mệnh giá.

Việc thoái vốn nhà nước tại 12 DN quy mô lớn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng còn vướng mắc. Nhiều DN có quy mô lớn như Sabeco, Habeco, Vinamilk... vẫn chưa chốt phương án thoái vốn...

Xác định trách nhiệm của người đứng đầu

Để đẩy nhanh tiến trình CPH, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mới đây đã đề nghị các bộ, địa phương, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc tập đoàn, tổng công ty tiếp tục quán triệt Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Quốc hội với lĩnh vực này nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN, trọng tâm là quản trị DN.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Các bộ, ngành hoàn thiện văn bản pháp luật, tăng cường thanh tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát vốn nhà nước, nhất là không có tiêu cực trong thoái vốn, cổ phần hóa. Khắc phục các bất cập về pháp lý của cổ phần hóa để bảo đảm quá trình này diễn ra nhanh, khẩn trương, đúng quy định pháp luật. Các địa phương, bộ, ngành cần chủ động xử lý các doanh nghiệp yếu kém, không dồn việc lên Chính phủ.

“Xác định trách nhiệm trong cổ phần hóa DNNN, xử lý nghiêm người đứng đầu DN, người đại diện vốn nhà nước tại DN cố tình sai phạm, thực hiện kém, không hiệu quả công tác này, kể cả hoạt động điều hành, quản trị DN hiện nay”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang xây dựng, trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ - CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Kỳ vọng nghị định này được ban hành sẽ đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, giải quyết tồn tại về đấu giá, bán cổ phần.

Điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo nghị định mới là bổ sung thêm phương thức bán cổ phần lần đầu. Hiện tại, bán cổ phần lần đầu được thực hiện theo ba phương thức: đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành và thỏa thuận trực tiếp. Dự thảo nghị định mới bổ sung thêm một phương thức là dựng sổ. Phương thức dựng sổ là quá trình tạo lập, tiếp nhận và ghi lại nhu cầu mua cổ phiếu của nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, tổ chức phát hành sẽ thực hiện chào bán ra công chúng thông qua bảo lãnh phát hành.

Khi đó, tổ chức bảo lãnh phát hành phối hợp với tổ chức phát hành xác định khoảng giá dự kiến và dựa vào nhu cầu của thị trường trên cơ sở dựng sổ lệnh về nhu cầu của nhà đầu tư để xác định mức giá cuối cùng. Đây được đánh giá là phương thức có nhiều ưu điểm, được sử dụng phổ biến trên thế giới do mức giá được đưa ra sát với cung - cầu thực tế, giúp tăng khả năng thành công của các đợt chào bán.

Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới DNNN, trong quý II/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xây dựng danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt. Do đó, hiện nay, khi có danh mục này, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế căn cứ vào tiêu chí phân loại doanh nghiệp có vốn nhà nước để chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thoái vốn.

Theo Quyết định số 58/2016/QĐ - TTg được ban hành vào cuối năm ngoái cũng đã cung cấp cho nhà đầu tư một danh sách khá đầy đủ bao gồm 240 doanh nghiệp thuộc diện phải IPO, giảm tỷ lệ sở hữu vốn do Nhà nước nắm giữ trong giai đoạn 2016 - 2020. Theo danh sách này, có 103 DNNN sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ; 4 DNNN nắm giữ trên 65% vốn điều lệ; 27 DNNN nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ; 106 DNNN nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Xem thêm:

>> Công khai danh sách 578 doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục