Công bố quy hoạch phòng chống lũ và đê điều hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình

18:47' - 04/08/2016
BNEWS Hiện toàn vùng có 56 tuyến đê gồm các loại đê cấp đặc biệt, đê cấp I, đê cấp II và đê cấp III. Ngoài ra, có 140 tuyến đê cấp IV,V, đê bao và đê chuyên dùng do địa phương quản lý với trên 1.300 km.
Hiện toàn vùng có 56 tuyến đê với trên 2.200 km. Ảnh: TTXVN

Ngày 4/8, tại Hà Nội, Tổng cục Thuỷ lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức công bố Quy hoạch phòng chống lũ và Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình theo Quyết định 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ. 

Hiện hệ thống hồ chứa cắt lũ trên lưu vực gồm hồ Thác Bà, hồ Hoà Bình, hồ Sơn La, hồ Tuyên Quang có tổng dung tích phòng lũ là 8,45 tỷ m3. Hiện toàn vùng có 56 tuyến đê gồm các loại đê cấp đặc biệt, đê cấp I, đê cấp II và đê cấp III.

Ngoài ra, có 140 tuyến đê cấp IV,V, đê bao và đê chuyên dùng do các địa phương quản lý với trên 1.300 km.

Với cao trình các tuyến đê hiện tại, hệ thống sông Hồng cơ bản đảm bảo mực nước 13,1 m tại Hà Nội, cao trình đê hệ thống đê sông Thái Bình đảm bảo mực nước lũ tại Hà Nội là 12,7 m, lưu lượng lũ tại Sơn Tây là 22.600 m3/s, lưu lượng lũy khi hồ chứa chưa cắt lỹ là 42.600 m3/s, tương ứng với tần suất là 0,4%.

Như vậy, khả năng chống lũ của hệ thống hiện tại là 250 năm (Lũ 125 năm là lũ lịch sử năm 1971).

Thời gian vừa qua, hệ thống công trình phòng chống lũ lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình đã không ngừng được đầu tư, phát triển.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, phát triển kinh tế xã hội đi kèm với 2 xu thế là giúp công tác phòng chống lũ tốt hơn nhưng có xu thế làm trầm trọng hơn khi sử dụng quá mức tài nguyên thiên nhiên: đất, rừng…

Thuận lợi là hệ thống hồ chứa lớn ở thượng lưu đã được xây dựng gần như hoàn chỉnh, hệ thống đê điều ở hạ lưu đã và đang được củng cố, nâng cấp nâng cao mức đảm bảo phòng chống luc cho hạ lưu.

Khả năng dự báo lũ trong ngăn hạn và dài hạn đã được cải thiện đáng kể nhờ sự tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đây là giải pháp hỗ trợ phòng chống lũ rất tốt.

Tuy nhiên, chất lượng rừng bị suy giảm và đây là tác động lớn đến phòng chống lũ, đặc biệt là những hồ có dung tích nhỏ. Cùng với thách thức của biến đổi khí hậu đang tạo nhiều hình thái thời tiết cực đoan, lũ lớn trái mùa có thể xảy ra.

Sự phát triển về dân sinh, kinh tế ở hạ lưu đang đòi hỏi về việc nâng cao mức đảm bảo phòng chống lũ ở hạ lưu. Việc xây dựng các hồ chứa lớn ở thượng nguồn Trung Quốc cũng tạo nên những rủi ro nhất định cho hệ thống công trình phòng chống lũ ở nước ta.

Việc thay đổi địa hình lòng dẫn các sông chính, kéo theo sự thay đổi tỷ lệ phân lưu giữa các sông ở hạ lưu, tạo nên áp lực lớn lên hệ thống đê vùng hạ lưu sông Thái Bình.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng yêu cầu các địa phương trong hệ thống khẩn trương dựa trên quy hoạch tổng thể làm cơ sở để lập và điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ chi tiết các tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, quy hoạch sử dụng đất…

Trong các giải pháp phòng chống lũ, đẩy mạnh các giải pháp phi công trình như: nâng cao nâng lực cảnh bảo, vận hành hồ chứa… Đặc biệt là tăng cường quản lý khai thác cát, khai thác bền vững bởi khai thác cát trái phép gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến lòng sông, hệ thống đê điều...

Tại buổi công bố, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đã trao Quy hoạch phòng chống lũ và Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình cho 15 tỉnh, thành phố khu vực trung du và đồng bằng hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục