Tồn đọng trên 5.000 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ đê điều

15:50' - 20/07/2016
BNEWS Tổng cục Thủy lợi cho biết trong 3 năm thực hiện Chỉ thị 447/CT-TTg, có trên 7.000 các vụ vi phạm pháp luật về đê điều; trong đó mới xử lý được trên 2.000 vụ, còn tồn đọng trên 5.000 vụ.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Ngày 20/7, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị “Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt về công tác quản lý, bảo vệ đê điều hộ đê, phòng, chống thiên tai năm 2016”.

Ông Vũ Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều, Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết trong 3 năm thực hiện Chỉ thị 447/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật đê điều và quản lý việc khai thác, vận chuyển và kinh doanh cát, sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, trên địa bàn 19 tỉnh, thành phố có trên 7.000 các vụ vi phạm pháp luật về đê điều; trong đó mới xử lý được trên 2.000 vụ, còn tồn đọng trên 5.000 vụ.

Theo ông Vũ Xuân Thành, đây là vấn đề rất lớn. Một trong những khó khăn trong việc xử lý vi phạm pháp luật về đê điều chính là sự vào cuộc của chính quyền địa phương.

Theo quy định, chính quyền địa phương là đơn vị có thẩm quyền, trách nhiệm để ngăn chặn và xử lý vi phạm thì sự vào cuộc vẫn còn hạn chế. Cấp huyện là cấp trực tiếp chỉ đạo, giám sát công tác quản lý bảo vệ đê điều.

Nhìn chung các huyện có đê điều đã triển khai các công việc theo quy định trong công tác quản lý bảo vệ đê điều.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, công tác này có phần không được quan tâm đúng mức.

Một điểm vi phạm hành lang an toàn đê. Ảnh: Trần Tuấn-TTXVN

Có thể do nhận thức của các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương và người dân thấy một số năm gần đây không có lũ lớn trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình… nên có biểu hiện lơ là. Công tác phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều còn hạn chế.

“Lũ lớn đã và đang xảy ra ở các nước xung quanh Việt Nam và có thể xảy ra bất cứ lúc nào trên các hệ thống sông trong nước. Cho nên việc tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm và bảo vệ đê điều là đặc biệt quan trọng”, ông Vũ Xuân Thành nói.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hiện tượng El Nino mạnh và kéo dài đã khiến các tháng đầu năm 2016 ít bão ảnh hưởng và thiếu hụt mưa nhưng có mưa lớn trái mùa gây lũ.

Nhưng đến cuối mùa sẽ có nhiều bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ với diễn biến phức tạp hơn so với năm 2015.

Kỳ El Nino kéo dài và mạnh nhất kể từ năm 1950 đã chính thức kết thúc. Dự báo sẽ gia tăng khả năng xuất hiện hiện tượng La Nina đối với thời tiết, khí hậu nước ta trong những tháng cuối năm 2016.

Đó là khả năng bão, áp thấp nhiệt đới sẽ kết thúc muộn, mưa lũ xuất hiện với tần suất cơ hơn năm 2015, đặc biệt là khu vực miền Trung.

Trước tình hình trên, ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho rằng, hiện đã có dấu hiệu chuyển sang một giai đoạn mưa lũ kéo dài. UBND cấp huyện, đơn vị trực tiếp tham mưu cho công tác phòng chống thiên tai phải thực sự vào cuộc.

Theo ông Trần Quang Hoài, trong những năm vừa qua, công tác đầu tư nâng cấp đê điều đã được nâng cao.

Đồng thời chúng ta cũng có những công trình cắt lũ như các hồ chứa Sơn La, Tuyên Quang… đã giúp không còn những trận lũ nhỏ.

Nhưng cũng chính điều này đã làm người dân địa phương đang xem thường, coi nhẹ các công trình phòng chống thiên tai và cho rằng không còn lũ nữa.

“Đây là quan điểm hoàn tòa sai lầm. Nếu chủ quan mà tình trạng mưa lũ kéo dài, các hồ chứa lớn không còn khả năng cắt lũ và khi các hồ chứa ở Trung Quốc cũng đầy nước và bắt buộc sẽ phải xả lũ thì tình trạng sẽ vô cùng nguy hiểm, thiệt hại sẽ vô cùng lớn”, ông Trần Quang Hoài chỉ ra.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND cấp huyện 19 tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt đã chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều hộ đê, phòng, chống thiên tai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục