Công nghệ - động lực thúc đẩy đầu tư của ASEAN

19:39' - 28/03/2018
BNEWS Tổng giám đốc Tập đoàn Maybank KimEng (Malaysia), nhận định công nghệ sẽ là một trong hai động lực chính thúc đẩy các luồng đầu tư của ASEAN trong thập niên tới.

Phát biểu tại diễn đàn đầu tư Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) năm 2018 vừa diễn ra tại Singapore, ông Dato' John Chong, Tổng giám đốc Tập đoàn Maybank KimEng (Malaysia), nhận định công nghệ sẽ là một trong hai động lực chính thúc đẩy các luồng đầu tư của ASEAN trong thập niên tới.

Theo ông Dato' John Chong, công nghệ đang tác động đến hầu hết các ngành công nghiệp và đầu tư cho các công ty công nghệ mới khởi nghiệp (startup) đang ngày càng gia tăng tại khu vực. Số liệu thống kê cho thấy tài trợ cho các công ty công nghệ mới khởi nghiệp trong ASEAN đã tăng mạnh trong hai năm trở lại đây. Riêng trong các tháng 1-8/2017, vốn đầu tư cho các doanh nghiệp startup công nghệ lên tới khoảng 6,5 tỷ USD tổng cộng, gấp đôi con số 3,1 tỷ USD của năm 2016. Đây chính là nền tảng để có thể phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nếu so với các nước trên thế giới như Hàn Quốc (20%), Trung Quốc (19%), Mỹ (10%)..., thì việc ứng dụng công nghệ vào các giao dịch thương mại điện tử của ASEAN hiện vẫn đang ở mức thấp, từ 2% đến 5%. Ông Dato' John Chong nhấn mạnh: "Thị trường thương mại điện tử ở ASEAN vẫn đang trong giai đoạn ươm mầm và dự báo có thể sẽ tăng lên theo cấp số nhân, nhờ những đổi mới trong thanh toán điện tử và việc ứng dụng các nền tảng công nghệ cao".

Nhận định về thị trường Việt Nam, ông Dato' John Chong chia sẻ Việt Nam là một thị trường cốt lõi của Maybank KimEng tại khu vực trong lĩnh vực thương mại điện tử bởi cơ cấu dân số hấp dẫn và nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng. Với đánh giá Việt Nam là một thị trường tiềm năng đối với các nhà đầu tư toàn cầu đang tìm kiếm cơ hội ở ASEAN, ông Dato' John Chong cho biết sắp tới, vào quý II/2018, tập đoàn sẽ tăng vốn đầu tư tại Việt Nam lên thêm 10 triệu USD để đáp ứng nhu cầu mở rộng đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng như ngân hàng.

Ông Dato' John Chong cho hay: "Maybank KimEng đang nghiên cứu làm thế nào để có thể mở ra các kênh cho khách hàng thông qua việc ứng dụng công nghệ vào trong các sản phẩm đầu tư và kinh doanh. Mặt khác, chúng tôi cũng sẽ nắm bắt các cơ hội trong lĩnh vực đầu tư tài chính, đặc biệt đối với các dự án cơ sở hạ tầng".

Bên cạnh đó, người đứng đầu tập đoàn đầu tư hàng đầu này cũng nhận định cùng với công nghệ thì xu hướng đầu tư ra bên ngoài mạnh mẽ của Trung Quốc sẽ tác động tới các quốc gia ASEAN. Trong giai đoạn 2006-2016, đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN đã tăng từ 1,8 tỷ USD lên 71,6 tỷ USD, đưa nước này trở thành nhà đầu tư lớn thứ ba của ASEAN.

Năm 2017, thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc cũng đã tăng 16% so với năm 2016. Hiện ASEAN là khu vực chiếm thị phần M&A lớn nhất của Trung Quốc.

Tại diễn đàn đầu tư ASEAN thường niên này, hơn 900 đại diện đến từ 132 quỹ đầu tư toàn cầu và gần 60 doanh nghiệp (hiện quản lý tổng tài sản lên tới trên 16.000 tỷ USD) đã cùng nhau chia sẻ các cơ hội đầu tư trong khu vực trên cơ sở nhận định các xu hướng về địa chính trị, kinh doanh và công nghệ có thể chi phối sự phát triển của ASEAN trong tương lai.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục