Công nghiệp thực phẩm Việt Nam - Bài 1: Thiếu vắng một thương hiệu chung

18:27' - 12/10/2016
BNEWS Là nước có khí hậu đặc thù nên Việt Nam có nguồn thực phẩm vô cùng hấp dẫn và khác biệt. Chính điều này đã đưa công nghiệp thực phẩm thành ngành hàng có tiềm năng lớn của Việt Nam.

Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu nào thực sự có tiếng vang trên thị trường quốc tế. 

Việt Nam có nguồn thực phẩm hấp dẫn, khác biệt nhưng chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Ảnh: Diệp Trương/TTXVN

Dự án xây dựng chiến lược Thương hiệu Quốc gia cho ngành thực phẩm Việt Nam đang được Bộ Công Thương thực hiện sẽ nhằm thúc đẩy xuất khẩu và tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc từ Việt Nam hoặc chế biến ở Việt Nam.

Mới dừng ở ý tưởng

Trong những năm gần đây, vấn đề xây dựng thương hiệu đang ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, các Hiệp hội thực phẩm và đã có những kết quả bước đầu khả thi.

Tuy nhiên, công việc này mới chỉ dừng lại ở cấp độ sản phẩm, doanh nghiệp và ngành hàng chứ chưa có sự kết nối và tiến xa hơn tới cấp độ quốc gia. Mặc dù đã có nhiều sáng kiến đưa ra nhưng tựu chung vẫn chỉ dừng lại ở ý tưởng và chưa có những bước đi cũng như chiến lược cụ thể.

Chia sẻ về thương hiệu cho nông sản thực phẩm, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Hoàn cho rằng, khi nhắc đến sản phẩm nông nghiệp người ta thường nhớ đến địa danh nơi sản xuất ra sản phẩm hoặc tên gọi chung của sản phẩm như bưởi da xanh, nước mắm Phú Quốc, Cognac Pháp hay cá hồi Nauy....

Và cũng chỉ một số doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, quy mô lớn mới có khả năng tự mình xây dựng và phát triển thương hiệu, như Nestle, Masan, VinEco....

Trồng rau trong nhà kính của Vineco. Ảnh: VinEco

Ông Julian Hill, chuyên gia tư vấn thương hiệu của Tổ chức hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển Hà Lan (CBI) cho rằng, thương hiệu của một doanh nghiệp bao gồm sự uy tín và sự nhận dạng giúp cho người tiêu dùng có lòng tin đối doanh nghiệp cũng như sản phẩm của doanh nghiệp đó.

Nếu sản phẩm có thương hiệu sẽ giúp khách hàng mua thường xuyên hơn, chi nhiều hơn và giới thiệu cho người khác. Từ đó sẽ giúp các sản phẩm có giá trị lớn hơn, nông dân bán được giá cao hơn và tạo ra tiềm năng kinh tế bền vững hơn cho đất nước.

Theo ông Julian Hill, đối với Việt Nam, Việt Nam cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm và nâng cao tính nhất quán giá trị sản phẩm. Đồng thời, xây dựng quy trình chất lượng từ khâu sản xuất của người nông dân, xây dựng lộ trình cho từng giai đoạn cụ thể, tăng cường quảng bá hình ảnh. Và, điều này Việt Nam cần phải làm ngay khi chưa quá muộn.

Nhận định này cũng đã được nhiều Hiệp hội ngành hàng trong lĩnh vực thực phẩm Việt Nam chia sẻ. Hầu hết, các Hiệp hội này đều mong muốn xây dựng một thông điệp nhất quán, một hình ảnh thống nhất, chuyên nghiệp và ấn tượng trong các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại của ngành thực phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo giới chuyên gia, một thương hiệu chung cho ngành thực phẩm sẽ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của thực phẩm Việt Nam, góp phần xây dựng được hình ảnh quốc gia, đồng thời góp phần quảng bá và thúc đẩy sự phát triển của ngành kinh tế khác và mang lại lợi ích riêng cho từng công ty, từng ngành hàng của Việt Nam.

Do đó, xây dựng thương hiệu chung cho ngành thực phẩm Việt Nam đang là nhiệm vụ cấp thiết, đòi hỏi sự phối hợp và đồng hành của các cơ quan, tổ chức, các Hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp.

Hoạch định chiến lược

Ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ, với sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài, Việt Nam đang chung sức xây dựng thương hiệu cho ngành thực phẩm để nông sản Việt Nam tiến xa hơn. Vì vậy, xây dựng chiến lược là giải pháp chuyên nghiệp và hiệu quả nhưng để làm được điều đó thì sản phẩm phải tạo độ tin cậy, an toàn.

Chương trình xây dựng Thương hiệu Quốc gia được tiến hành từ năm 2014, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức xúc tiến thương mại. Chương trình được chia làm 4 giai đoạn.

Đến nay, với sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức và hiệp hội liên quan, Bộ Công Thương đã hoàn thành giai đoạn 1 (xác định mục tiêu và phương pháp) và giai đoạn 2 (nghiên cứu và phân tích).

Giai đoạn 3 (xây dựng chiến lược) đang trong quá trình triển khai, bắt đầu từ tháng 3/2016 và dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 3/2017.

Giai đoạn 4 - Thực hiện chiến lược (2017-2020) sẽ được triển khai dưới hình thức một chiến dịch tư vấn, truyền thông, quảng bá, tiếp thị xây dựng hình ảnh ngành hàng thực phẩm quốc gia.

Có hướng đi đúng để xây dựng hình ảnh ngành hàng thực phẩm quốc gia . Ảnh minh họa: TTXVN.

Theo ông Tạ Hoàng Linh, mục đích của chương trình nhằm xây dựng, quảng bá hiệu quả một hình ảnh chung của ngành thực phẩm Việt Nam, tăng cường nhận thức và công nhận ở quy mô quốc tế về giá trị của thực phẩm Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng ngành thực phẩm.

Đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Xác định được tầm quan trọng này, Bộ Công Thương đã xếp ngành công nghiệp thực phẩm vào nhóm ngành đang có lợi thế cạnh tranh và có định hướng.

Chiến lược phát triển của ngành trên cơ sở sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, khai thác sử dụng tối đa nguyên liệu trong nước, tạo sản phẩm đa dạng, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.

Từ đó tạo ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao, để hình thành ngành kinh tế mạnh, hội nhập vững chắc với khu vực và thế giới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, bên cạnh việc tạo dựng được các thương hiệu lớn, chiếm lĩnh thị trường nội địa, ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam còn phải đạt mục tiêu tập trung đẩy mạnh xuất khẩu một số sản phẩm; trong đó đặc biệt là thực phẩm chế biến sẵn sử dụng trực tiếp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay, các rào cản kỹ thuật, những đòi hỏi về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước ngày càng khắt khe và yêu cầu cao; thị trường trong nước xuất hiện nhiều hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, vì vậy, cần phải có sự chung sức đồng lòng của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người tiêu dùng mới có thể hiện thực hóa được những mục tiêu, định hướng phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ./. 

>>> Công nghiệp thực phẩm Việt Nam- Bài 2: Chọn lối nào để tạo dựng thương hiệu?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục