Khẳng định thương hiệu cho ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam

15:21' - 04/10/2016
BNEWS Ngành công nghiệp thực phẩm là một trong những ngành hàng có tiềm năng lớn của Việt Nam, nhưng trên thị trường thế giới, các sản phẩm của Việt Nam chưa thực sự có chỗ đứng và chưa được biết đến nhiều

Điều đó đã làm giảm giá trị cạnh tranh của các sản phẩm so với các nước khác.

Tại Hội thảo “Xây dựng chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam” do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap) tổ chức vào ngày 4/10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, ngành hàng thực phẩm cần được chú trọng nâng cao giá trị gia tăng và tăng cường các hoạt động hỗ trợ để đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn tới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi hội thảo. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, chương trình xây dựng chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam do Bộ Công Thương, đầu mối là Cục Xúc tiến thương mại khởi động xuất phát chính từ tình hình thực tiễn trên và từ nhu cầu của các Hiệp hội ngành hàng, các tổ chức xúc tiến thương mại và doanh nghiệp.

Mục đích của chương trình nhằm xây dựng, quảng bá hiệu quả một hình ảnh chung của ngành thực phẩm Việt Nam, tăng cường nhận thức và công nhận ở quy mô quốc tế về giá trị của thực phẩm Việt Nam.

Qua đó, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành thực phẩm, tăng cường công tác xúc tiến thương mại và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Chương trình này sẽ được triển khai dưới hình thức một chiến dịch tư vấn, truyền thông, quảng bá, tiếp thị xây dựng hình ảnh ngành hàng thực phẩm quốc gia.

Chương trình là một cấu phần trong Chương trình Thương hiệu quốc gia, theo định hướng xây dựng và phát triển thương hiệu các ngành hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu và có khả năng cạnh tranh, trong đó tập trung đề cao các giá trị liên quan trực tiếp tới ngành thực phẩm Việt Nam.

Ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan, Bộ, ngành trong việc tổ chức hội thảo và đưa ra những ví dụ cụ thể từ việc xây dựng thương hiệu của EU.

Ông Bruno Angelet cho rằng, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới qua hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Đây là cơ hội tốt cho việc học hỏi kinh nghiệm từ các nước, tiếp thu những tiến bộ của các nước trong việc xây dựng thương hiệu để vận dụng vào Việt Nam. Việt Nam cũng đã có những kỷ lục lớn trong xuất khẩu gạo, cà phê…

Chính vì vậy, nếu có thương hiệu sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm này trên thị trường thế giới.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế cho hay, thương hiệu của một sản phẩm là xây dựng danh hiệu có uy tín và sự nhận dạng giúp cho người tiêu dùng có lòng tin đối với sản phẩm, xây dựng tầm nhìn trong nhận thức của người tiêu dùng quốc tế về Việt Nam, chất lượng thực phẩm về đồ uống của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Nếu sản phẩm mang thương hiệu sẽ giúp khách hàng mua thường xuyên hơn, chi nhiều hơn và giới thiệu cho người khác.

Từ đó, sẽ giúp các sản phẩm có giá trị lớn hơn, nông dân bán được giá cao hơn, tạo ra tiềm năng kinh tế bền vững hơn cho đất nước.

Tuy nhiên, để xây dựng thương hiệu cho ngành thực phẩm của Việt Nam cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm, nâng cao tính nhất quán của sản phẩm cũng như cần xây dựng quy trình chất lượng từ khâu sản xuất của người nông dân.

Cùng với đó, đại diện các doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng cũng nêu ra những khó khăn mà các ngành hàng phải đối mặt trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Chẳng hạn, đối với ngành nông sản, hiện Việt Nam còn thiếu những giống có chất lượng cao và ổn định. Nông dân còn sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật gây mất an toàn thực phẩm.

Hơn nữa, các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay đang xuất khẩu chủ yếu ở phân khúc trung bình và thấp, vì thế khi chuyển sang phân khúc cao cấp cũng là một vấn đề lớn.

Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế chưa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Chính vì vậy, đa phần các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu chỉ dựa vào những doanh nghiệp này để xây dựng thương hiệu thì rất khó. Nếu cứ đợi từng doanh nghiệp hiểu ý nghĩa về việc xây dựng thương hiệu thì rất lâu.

Xuất phát từ thực tế trên, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), Giám đốc Dự án EU-Mutrap cho rằng, để tạo thương hiệu cho ngành công nghiệp thực phẩm, các doanh nghiệp cần đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại để đạt độ tự động hóa cao, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đồng thời, vấn đề nghiên cứu thị trường cần được mở rộng, đầu tư chiều sâu, đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp với khẩu vị, tập quán của từng thị trường, khách hàng. Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu cần gắn với hoàn thiện kênh phân phối.

Về chiến lược hỗ trợ phát triển thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam trong thời gian tới, ông Bùi Huy Sơn cho biết, Cục đang hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành nông lâm thủy sản và công nghiệp thực phẩm thông qua các hoạt động của chương trình xúc tiến thương hiệu quốc gia.

Hoạt động này bao gồm các công việc cung cấp thông tin về thị trường, đào tạo doanh nghiệp hiểu biết thêm về thị trường, cách giao dịch với thị trường, tham gia hội chợ triển lãm nước ngoài.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục