Đằng sau Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Trung-Mỹ

15:19' - 06/06/2016
BNEWS Tại cuộc Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Trung-Mỹ vòng thứ 8 sẽ diễn ra ngày 6-7/6 tại Bắc Kinh, hai bên sẽ cử đội quân hùng mạnh tham gia đối thoại.
Đằng sau Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Trung-Mỹ. Ảnh: america.com

Giới chuyên gia dự đoán rằng vấn đề Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản sẽ trở thành điểm nóng quan trọng khiến toàn cầu chú ý.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu bày tỏ quyền quyết định chính sách tiền tệ của Fed là do bản thân Fed quyết định. Nhưng trên thực tế, chính sách của Fed đều có ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, hoan nghênh Fed trao đổi chính sách với Trung Quốc và thị trường tài chính quốc tế. Ông nhấn mạnh cần phải kiên trì tránh phá giá tiền tệ mang tính cạnh tranh mà Nhóm G20 đã xác định.

Bài báo viết, chủ đề của cuộc đối thoại kinh tế Trung-Mỹ vòng thứ 8 này sẽ là “đẩy mạnh quan hệ kinh tế Trung-Mỹ”. Với điều kiện trọng tâm xoay quanh tình hình kinh tế vĩ mô, chính sách kinh tế vĩ mô, mở cửa, hai bên Trung Quốc và Mỹ sẽ triển khai đối thoại với 3 đề tài lớn thương mại-đầu tư, ổn định tiền tệ và cải cách.

Ngoài ra, với đề tài mang tính chiến lược, hai bên tiến hành bàn thảo mang tính chiến lược về những thách thức mà chương trình nghị sự của G20 và kinh tế toàn cầu phải đối mặt.

Ông Chu Quang Diệu tiết lộ, Phó Thủ tướng Uông Dương – đại diện đặc biệt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - nêu rõ, đoàn đối thoại kinh tế của Trung Quốc lần này sẽ tập trung thúc đẩy 3 mặt sau:

Thứ nhất, trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu vào tháng 9/2016, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp quan trọng với Tổng thống Mỹ Barack Obama để chuẩn bị tốt về chính sách kinh tế. Thứ hai, cần phải đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ kinh tế Trung-Mỹ. Thứ ba, Trung Quốc và Mỹ cần phải hợp tác để thúc đẩy quỹ đạo phát triển kinh tế hai nước và kinh tế toàn cầu mạnh lên, tăng trưởng bền vững và cân bằng.

Ông Chu Quang Diệu cho biết, phía Trung Quốc mong chờ tại cuộc đối thoại kinh tế Trung-Mỹ sắp tới, hai bên cùng nghiên cứu phán đoán về tình hình kinh tế thế giới hiện nay cũng như tình hình phát triển kinh tế của hai nước và những thách thức phải đối mặt, cùng nhau thúc đẩy kinh tế hai nước và kinh tế toàn cầu tăng trưởng bền vững và cân bằng.

Ông nói, về chính sách kinh tế vĩ mô, Trung Quốc và Mỹ duy trì sự trao đổi chặt chẽ, và điều này vừa giúp cho hai bên hiểu biết lẫn nhau, vừa giúp cho hai bên tăng cường điều tiết chính sách kinh tế vĩ mô trong khuôn khổ G20.

Tác giả bài viết cho rằng, tháng Năm vừa qua, đồng nhân dân tệ mất giá 1,6% so với đồng USD. Nhiều chuyên gia lo ngại trong tháng Sáu hoặc tháng Bảy năm nay Fed sẽ tăng lãi suất, kinh tế Trung Quốc sẽ suy thoái và sức ép dòng vốn lưu động sẽ trầm trọng hơn.

Nhưng ông Chu Quang Diệu cho rằng, về tổng thể kinh tế Trung Quốc giữ xu thế phát triển lành mạnh, hiện nay đang đứng trước 3 thách thức: tăng trưởng nhanh ở trong nước, khó khăn tạm thời trong việc điều chỉnh cơ cấu kinh tế và kế hoạch kích thích kinh tế quy mô lớn giai đoạn trước.

Về môi trường bên ngoài, Trung Quốc cũng đứng trước tình hình khó khăn đó là sức ép đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu, mức tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm.

Ông Chu Quang Diệu chỉ rõ, phía Trung Quốc coi trọng cao độ việc điều tiết kinh tế vĩ mô giữa Trung Quốc và Mỹ, bao gồm chính sách hối đoái. Ông nhấn mạnh, cần phải kiên trì ngăn ngừa sự phá giá tiền tệ mang tính cạnh tranh mà G20 đã xác định, đây là nhận thức chung của tất cả các nước thành viên G20. Hơn nữa, cần phải tăng cường thảo luận và trao đổi chính sách thị trường hối đoái.

Ngoài ra, gần đây Mỹ đã tuyên bố chính sách mang tính hạn chế đối với việc xuất khẩu sắt thép của Trung Quốc. Đối với việc này, Chu Quang Diệu tỏ rõ hai nước cần căn cứ vào nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để giải quyết những tranh chấp thương mại giữa hai bên.

Đồng thời, hai bên cần tiến hành trao đổi với nhau về chính sách, ngăn ngừa việc lạm dụng các biện pháp khắc phục thương mại. Ông nhắc lại, phía Trung Quốc phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại, nguyên tắc thương mại mở cửa tự do là phù hợp với lợi ích của hai nước Trung Quốc và Mỹ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục