Dark pattern hay những cách thức “đánh lừa” người dùng trên Internet

08:59' - 02/05/2018
BNEWS Lướt web hay sử dụng điện thoại thông minh – những hoạt động đã trở thành “thiết yếu” trong cuộc sống hiện đại – là bạn đã bước vào một “ma trận” mà nếu không để ý, bạn sẽ bị lộ thông tin cá nhân.
Dark pattern có thể xuất hiện ở những trang mạng xã hội như Facebook. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Nhưng điều mà hầu hết mọi người không nhận ra là việc họ chủ động “giao nộp” những thông tin nhạy cảm cho các nhà cung cấp dịch vụ trên Internet chứ không phải là vô tình hay “tai nạn”. 

Đó là do họ đã bị tác động bởi những thiết kế có chủ đích của các nhà phát triển ứng dụng và trang điện tử. Những thiết kế này được gọi bằng cái tên “dark pattern” (tạm dịch: Thiết kế đen)

Nhận diện "dark pattern"

"Dark pattern" chỉ việc các nhà phát triển web hay phần mềm ứng dụng sử dụng thiết kế giao diện, thủ thuật lợi dụng sự ảnh hưởng và niềm tin để lừa một người nào đó để lấy thông tin hoặc thuyết phục nạn nhân thực hiện một việc nào đó, hay một vài kỹ thuật khác để hướng người dùng làm những việc lẽ ra họ sẽ không thực hiện.

Làm thế nào để "dark pattern" “lừa” người dùng? Các bên phát triển dark pattern đã sử dụng màu sắc, vị trí các nút lựa chọn, ngôn ngữ mơ hồ hoặc khó hiểu, hay trong nhiều trường hợp một số ô chọn đã được tích mặc định, nhằm hướng người dùng đưa ra những lựa chọn có lợi hơn cho bên phát triển.

Về cơ bản, "dark pattern" được tạo ra một cách kỹ càng có chủ ý, với hiểu biết sâu sắc về tâm lý con người, nhưng lại không hề thu hút bất kỳ sự chú ý của người dùng, qua đó có thể hoàn thành “nhiệm vụ” một cách đơn giản.

“Điểm mặt” vài "dark pattern" phổ biến

Dark pattern xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ những trang thương mại điện tử như Amazon đến các mạng xã hội như Facebook. Dưới đây là một số dark pattern tiêu biểu mà hầu hết người dùng Internet đã gặp nhưng chưa “gọi tên” bao giờ.

Spam danh sách bạn bè: Với loại hình này, người dùng bị yêu cầu cấp quyền truy cập vào danh sách liên hệ của họ để tìm kiếm những người bạn có thể cũng đang dùng một dịch vụ cụ thể. Điều này có vẻ là mang lợi ích cho người dùng, nhưng điều thực sự xảy trong hầu hết các trường hợp là bạn bè của họ sẽ bị spam với những lời mời tham gia bất kỳ tin dịch vụ mới nào mà họ đang trải nghiệm.

Hầu hết các mạng truyền thông xã hội, bao gồm cả Facebook, Twitter và LinkedIn, đều sử dụng loại hình "dark pattern" này, chỉ là dưới những hình thức khác nhau. Ví dụ như Facebook, đó là việc người dùng khi sử dụng một dịch vụ (thường là một trò chơi) có thể bị mặc định gửi lời mời tham gia cho toàn bộ danh sách bạn bè nếu không chú ý. Hay như việc Facebook tự động “mở” một cuộc trò chuyện mới giữa hai người dùng vừa trở thành bạn bè. Ví dụ, nếu người dùng A chấp nhận yêu cầu kết bạn từ người dùng B, cả hai bên đều sẽ nhận được thông báo cho biết họ có tin nhắn mới từ người kia – dù không có ai thực sự mở lời.

Privacy Zuckering: Privacy Zuckering được đặt theo tên nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, nhằm chỉ việc các công ty cố gắng khiến người dùng chia sẻ thêm nhiều thông tin về bản thân hơn.

Loại "dark pattern" này có thể xuất hiện dưới dạng gợi ý người dùng hoàn thành một số ô phụ trên tiểu sử Facebook, hoặc mời họ tham gia các cuộc khảo sát trực tuyến, đóng góp một loạt các thông tin không cần thiết để được tích thêm điểm miễn phí với ưu đãi hứa hẹn dành cho những mức điểm nhất định.

Việc “share” hay “like” trên các mạng xã hội như Facebook và Twitter cũng đồng nghĩa với việc người dùng đang tạo ra dữ liệu để các bên thứ ba có thể thu thập, phân tích và khai thác. Các nhà quảng cáo sẽ “mua” lại những thông tin này nhằm đánh đúng vào thị hiếu nhóm khách hàng mục tiêu, qua đó mang lại hiệu quả cao hơn so với quảng cáo trên truyền hình hay các loại hình báo chí truyền thống khác.

Ngày nay, Privacy Zuckering đã bớt lộ liễu hơn so với trước đây do người dùng ngày càng hiểu biết về Internet. Đó là lý do tại sao phần lớn loại hình này đã lùi xuống phía hậu trường và “an vị” tại các điều khoản và điều kiện sử dụng mà người dùng không thể tránh nếu muốn sử dụng một trang web hoặc mạng xã hội cụ thể.

Roach Motel: Roach Motel hay ép buộc tiếp tục được thiết kế để người dùng dễ dàng rơi vào một tình huống có lợi cho các doanh nghiệp nhưng bản thân họ lại khó có thể thoát ra. Việc này có thể bao gồm những thứ như danh sách gửi thư quảng cáo, các dịch vụ đăng ký sử dụng theo thời hạn, hay các chương trình khách hàng thân thiết.

Một ví dụ nổi bật về loại hình "dark pattern" này là dịch vụ Amazon Prime. Khách hàng có thể thử dịch vụ vận chuyển hoặc truyền thông (xem phim, đọc sách, nghe nhạc…) miễn phí trong 3 tháng.

Khi người dùng đăng ký sử dụng thử dịch vụ này, họ được yêu cầu cung cấp thông tin thẻ tín dụng nhưng không được cho biết rõ ràng rằng dịch vụ sẽ tự động gia hạn và tính phí sau khi thời gian dùng thử kết thúc. Để tránh bị tính phí, người dùng sẽ phải tự ghi nhớ thời gian hết hạn dùng thử (do Amazon Prime không có bất cứ cách thức thông báo nào cho người dùng) và sau đó chủ động chấm dứt sử dụng dịch vụ.

Làm thế nào để tránh "Dark pattern"?

Một điều đáng buồn là hầu hết các trang điện tử và mạng xã hội lớn trên thế giới đều sử dụng "dark pattern" ở dạng này hay dạng khác. Việc muốn tránh hoàn toàn "dark pattern" đồng nghĩa với việc người dùng phải từ bỏ gần hết các ứng dụng và trang điện tử hàng đầu, vốn đã trở thành một phần khó từ bỏ của đời sống công nghệ cao.

Tuy nhiên, người dùng vẫn có thể hạn chế phần nào tác động của "dark pattern". Cách hiệu quả nhất để tránh những cạm bẫy trên Internet chỉ đơn giản là nhận thức được rằng chúng đang tồn tại. Phần lớn các "dark pattern" chỉ hiệu quả khi người dùng hoặc không nhận thấy những gì đang diễn ra, hoặc quá bận rộn để có thể xử lý chúng.

Bên cạnh đó, người dùng cũng nên cảnh giác với những ứng dụng và trang web muốn thu thập thông tin hay xin phép thực hiện một hoạt động nào đó như đăng bài lên Facebook hay tiếp cận ảnh chụp, video trong điện thoại. Hãy dành thời gian kiểm tra lại và đọc kỹ từng nội dung thay vì đọc lướt, đồng thời cân nhắc những lợi và hại trước khi đưa ra quyết định.

Những thói quen này ban đầu có thể khó xây dựng, nhưng về lâu dài chúng sẽ giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc và góp phần đảm bảo rằng thông tin cá nhân của bạn không bị bên thứ ba lạm dụng cho những mục đích mờ ám.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục