Dấu hiệu hòa giải từ khu kinh tế mới của Triều Tiên

19:03' - 29/12/2017
BNEWS Việc Triều Tiên công bố quyết định xây dựng Khu Phát triển kinh tế Kangnam ở thủ đô Bình Nhưỡng được xem là dấu hiệu của hòa giải.

Tờ China Daily của Trung Quốc số ra ngày 29/12 đã đăng bài viết có nội dung nhận định Khu Phát triển kinh tế Kangnam, được xây dựng ở thủ đô Bình Nhưỡng, được xem là nơi các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về đất đai và thuế quan.

Việc xây dựng một khu phát triển kinh tế nhằm thu hút đầu tư nước ngoài dường như là cách Bình Nhưỡng đưa ra tín hiệu rằng nước này muốn hỗ trợ khôi phục hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Điều này cần được xem là một động thái đáng hoan nghênh, trong bối cảnh căng thẳng tại Bán đảo Triều Tiên đang ở mức cao hơn bao giờ hết, thậm chí đã làm dấy lên nhiều lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Tác giả cũng nhấn mạnh do cộng đồng quốc tế mong muốn một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên, chính vì vậy cần phải coi quyết định của Bình Nhưỡng là một tín hiệu tích cực nhằm khôi phục hòa bình cho khu vực.

Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cũng cần coi việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tập trung vào dự án khu kinh tế là một phần trong kế hoạch song song của Bình Nhưỡng: phát triển kinh tế song song với củng cố sức mạnh hạt nhân.

Cũng theo tác giả, Khu Phát triển kinh tế Kangnam tọa lạc tại vị trí đắc địa, sở hữu nhiều tiềm năng, với các điều kiện thiên nhiên phù hợp cho việc sản xuất các mặt hàng nông nghiệp, cũng như dễ dàng tiếp cận với mạng lưới đường sá, xưởng luyện thép và cảng biển lớn nhất của Triều Tiên, kết nối Bình Nhưỡng với các cảng biển ở các quốc gia Đông Á, bao gồm Trung Quốc và Hàn Quốc.

Nếu triển khai những biện pháp nghiêm túc để cải thiện các mối quan hệ với cộng đồng quốc tế, Triều Tiên có thể biến khu kinh tế mới trên thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không chỉ đối với Triều Tiên mà còn cả khu vực Đông Bắc Á. Tuy nhiên, hiện tại những viễn cảnh trên vẫn chưa hứa hẹn nhiều triển vọng.

Nền kinh tế Triều Tiên đã đối mặt với những tác động của các biện pháp trừng phạt quốc tế, với việc các nước cắt giảm việc thuê nhân công Triều Tiên cũng như các hoạt động viện trợ nhân đạo cho Bình Nhưỡng.

Chính quyền Bình Nhưỡng muốn thu hút các công ty nước ngoài tham gia vào nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, công nghệ cao và du lịch.

Tuy nhiên, những lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) sẽ gây khó khăn cho Triều Tiên trong thực hiện mục tiêu này.

Theo số liệu của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này, chỉ đạt 1,6 tỷ USD, giảm tới 31,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về tổng thể, kim ngạch thương mại Trung - Triều trong cùng giai đoạn đã giảm 10,2% xuống còn 4,67 tỷ USD. Giá gạo và tỷ lệ trao đổi đồng Won của Triều Tiên và USD vẫn duy trì tương đối ổn định với 1 kg gạo được bán với giá khoảng 5.000 won và 1USD hiện đổi được khoảng 8.000 won.

Trong khi đó, giá xăng dầu ở Triều Tiên cũng tăng gấp 2 đến 3 lần kể từ đầu năm nay do chịu tác động của các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của nước này./.

>>>Trung Quốc phủ nhận việc bán dầu cho Triều Tiên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục