Để những "con tàu 67" vững vàng vươn khơi

10:46' - 14/12/2017
BNEWS Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã góp phần nâng cao thu nhập, tạo niềm tin và động lực cho ngư dân Nghệ An vươn khơi bám biển.

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) đã tạo tiền đề cho kinh tế biển ở Nghệ An ngày càng khởi sắc.

Đóng mới tàu vỏ thép. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Hiệu quả từ những "con tàu 67"
Sau những ngày nghỉ ngơi, anh Nguyễn Kim Đương cùng các thuyền viên của tàu NA 93579 TS ở xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu hối hả chuẩn bị ngư lưới cụ, đá lạnh và đổ đầy nhiên liệu cho chuyến ra khơi tiếp theo. Đây là con tàu vỏ thép được đóng theo chính sách hỗ trợ vay vốn của Nghị định 67, trị giá gần 16 tỷ đồng.

Tàu có công suất lớn 822CV, chiều dài 30,8 mét, rộng 7,8 mét, được lắp đặt đầy đủ các thiết bị tân tiến như máy thông tin, định vị, tầm ngư hiện đại để ngư dân có thể khai thác xa bờ, đánh bắt hải sản đạt hiệu quả.
Với con tàu mới này, anh Đương đã ra khơi được hơn 10 chuyến biển với nghề lưới chụp. So với trước đây tàu vỏ gỗ công suất máy nhỏ hơn, mỗi chuyến chỉ đánh bắt được 7 - 10 tấn hải sản thì nay, tàu vỏ thép đã nâng sản lượng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba so với trước.
Bình quân mỗi chuyến đi biển, tàu anh Đương đạt doanh thu vài trăm triệu đồng, lãi khoảng 100 triệu đồng. Các thiết bị trên tàu 67 hiện đại, lại trang bị tời kéo lưới; thủy thủ có nơi lao động và nghỉ ngơi thuận tiện và đỡ vất vả hơn, ngư dân làm việc trên biển cũng nhàn hơn và thu nhập cao hơn so với trước đây, bình quân khoảng từ 8 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Có nhiều chuyến biển đi trong vòng 10 đến 15 ngày, nếu trúng luồng cá lớn, ngư dân được chia cả chục triệu đồng.
“Chuyến biển vừa rồi kéo dài 10 ngày, thu về 25 tấn mực, cá hố, cá đốm, cá thu, cá cơm với tổng trị giá gần 200 triệu đồng” - anh Đương cho biết thêm.
Nói về chất lượng con tàu vỏ thép, anh Đương chia sẻ: “Đã qua hơn 10 chuyến đi biển, con tàu vỏ thép của chúng tôi chưa thấy trục trặc máy móc, các bộ phận khác cũng hoạt động tốt, chỉ có một số chi tiết nhỏ ở sào thu lưới lắp đặt chưa được phù hợp, anh em đã chỉnh sửa lại. Không riêng tàu của chúng tôi mà các con tàu vỏ thép khác ở Quỳnh Lưu cũng chưa thấy trục trặc lớn gì. Từ ngày có tàu cá vỏ thép, anh em chúng tôi tự tin hẳn, vươn ra vùng biển Bạch Long Vĩ và xa hơn nữa là Hoàng Sa, Trường Sa để đánh bắt hải sản có giá trị kinh tế cao, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo”.
Ngư dân Nguyễn Văn Lý, xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu chủ tàu vỏ thép NA 90743 TS công suất 829 CV khoe: “Trước đây, đi tàu nhỏ, mỗi khi ra khơi vào mùa mưa bão là luôn đối mặt với nguy hiểm. Có nhiều hôm vừa ra đến vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ, nghe đài báo có gió cấp 5, cấp 6, đành quay đầu vào bờ, thua lỗ đủ bề. Nay thì chúng tôi rất yên tâm”.
Nhờ có con tàu đóng mới trị giá 15,7 tỷ đồng theo Nghị định 67 này mà chưa đầy một năm hoạt động, ông Lý cùng các bạn tàu đã đi được 20 chuyến biển xa, đánh bắt được nhiều loại hải sản có giá trị cao, đạt doanh thu hơn bốn tỷ đồng.
Để những "con tàu 67" vững vàng vươn khơi
Huyện Quỳnh Lưu là địa phương có đội ngũ tàu thuyền đánh bắt hải sản lớn nhất tỉnh Nghệ An và số lượng ngư dân được đóng tàu thuyền theo Nghị định 67 cũng nhiều nhất tỉnh. Đến nay, huyện đã có 54 chủ tàu được phê duyệt cho vay vốn; trong đó, có 11 tàu vỏ thép.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đến nay huyện Quỳnh Lưu đã có 4 tàu vỏ thép và 37 tàu vỏ gỗ của ngư dân hoàn thành đưa vào khai thác.
Từ đầu năm 2017, ngư dân địa phương đã tích cực vươn khơi bám biển, khai thác nguồn lợi hải sản. Với lực lượng tàu thuyền công suất lớn, máy móc hiện đại cùng những kinh nghiệm dày dạn trong đánh bắt đã giúp ngư dân Quỳnh Lưu có nhiều chuyến biển bội thu với nhiều loại hải sản có giá trị xuất khẩu cao.

Hải sản đánh bắt về được các thương lái thu mua ngay tại bến, sau đó phân loại chuyển tới các kho đông lạnh và các chợ. Bà con ngư dân có vốn lại tiếp tục chuẩn bị ngư lưới cụ, xăng dầu, đá lạnh để vươn khơi chuyến biển mới. Việc đưa tàu 67 vào hoạt động với những chuyến biển được mùa đã góp phần làm khởi sắc kinh tế biển địa phương, từ đó giúp bà con ngư dân Quỳnh Lưu có thêm động lực vươn khơi bám biển.
Ông Đặng Ngọc Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, năm 2017, ngư dân huyện Quỳnh Lưu đã khai thác đạt trên 65.000 tấn hải sản, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Nhằm khuyến khích ngư dân phát triển kinh tế, huyện cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp ngư dân yên tâm bám biển phát triển kinh tế như triển khai đóng bảo hiểm cho trên 1.200 thân tàu và bảo hiểm cho thuyền viên trên tàu.
Mặt khác, huyện cũng triển khai chính sách hỗ trợ cho các tàu vay vốn đóng mới không nằm trong diện của Nghị định 67 là những tàu có công suất từ 400-700CV được hỗ trợ 150 triệu đồng và số tàu trên 700CV trở lên thì được hỗ trợ 300 triệu đồng để bà con có điều kiện khắc phục khó khăn vươn khơi bám biển.
Theo thống kê, tỉnh Nghệ An đã có 101 hồ sơ đóng mới theo Nghị định 67 được duyệt với tổng số vốn 844 tỷ đồng. Hiện đã, đang đóng mới 71 tàu với số vốn giải ngân 579 tỷ đồng; trong đó đã có 69 tàu công suất lớn đi vào hoạt động.
Đội tàu 67 của Nghệ An được đầu tư trang, thiết bị hiện đại, đồng bộ giúp ngư dân thuận lợi vươn khơi xa hơn, bám biển dài ngày hơn, làm ăn hiệu quả hơn so với trước đây. Cũng từ Nghị định 67, Nghệ An đã hình thành được đội tàu dịch vụ hậu cần gồm năm chiếc, mỗi tháng đi ba đến bốn chuyến biển, thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, nhiều huyện, thị xã ven biển tỉnh Nghệ An ưu tiên nguồn vốn thông qua nhiều chính sách khuyến khích ngư dân cải hoán tàu cũ, nâng công suất máy, đóng mới tàu lớn và hỗ trợ hệ thống thông tin liên lạc giúp ngư dân vươn khơi bám biển.
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng nghề cá phát triển chưa tương xứng với sự phát triển của đội tàu xa bờ và hiện mới đáp ứng được khoảng 40 đến 50% nhu cầu của tàu xa bờ. Điều đáng nói là nhiều cửa lạch bị bồi cạn, không tổ chức nạo vét được khiến tàu lớn ra vào khó khăn.
Các cảng cá lớn ở Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Diễn Châu chưa có đủ diện tích, mặt bằng, hệ thống giao thông kết nối còn yếu kém, chưa có trang, thiết bị bốc xếp lẫn nhà máy chế biến hiện đại và các dịch vụ hậu cần khác cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của tàu xa bờ.
Ngoài ra, hệ thống khu neo đậu, tránh, trú bão trong tỉnh còn hạn chế; việc đào tạo chuyên môn kỹ thuật về khai thác các trang, thiết bị hiện đại trên tàu xa bờ, cách bảo dưỡng tàu (nhất là tàu vỏ thép) cho đội ngũ thuyền, máy trưởng, ngư dân chưa thật sự bài bản và chuyên nghiệp…
Theo ông Trần Hữu Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, để tiếp tục thực hiện tốt Nghị định 67, UBND tỉnh Nghệ An đang chỉ đạo các ngành, địa phương, các ngân hàng thương mại trên địa bàn hướng dẫn, tuyên truyền các chủ tàu cá "67" nâng cao hiệu quả sản xuất, chấp hành trả nợ theo cam kết.
Cùng với đó ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở đóng tàu và hướng dẫn ngư dân thực hiện duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép. Các địa phương ven biển phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh tổ chức đào tạo, hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới.

Đồng thời, có biện pháp quản lý, giám sát chủ tàu thực hiện nghiêm việc kiểm tra an toàn kỹ thuật con tàu theo quy định tàu to, máy lớn, thiết bị đánh bắt hiện đại đã tạo thuận lợi cho ngư dân bám ngư trường, sản lượng và chất lượng đánh bắt ở Nghệ An tăng nhanh.
Năm 2017, sản lượng đánh bắt của tỉnh ước đạt gần 130.000 tấn hải sản các loại, giá trị xuất khẩu và kinh tế tăng cao ước đạt 3.000 tỷ đồng. Cùng với đó, Nghệ An đã thành lập hơn 200 tổ, đội hợp tác trên biển (mỗi tổ có khoảng năm đến 10 tàu xa bờ) và được hỗ trợ máy thông tin tầm xa giúp việc làm ăn trên biển cũng như góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo.

>>>Rào cản trong thu hồi vốn vay đóng "tàu 67"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục