Dệt may Việt Nam “thắt lưng buộc bụng” đầu tư vào công nghệ

18:24' - 29/06/2017
BNEWS Đầu tư công nghệ sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam tăng năng suất, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh với các cường quốc xuất khẩu dệt may lớn của thế giới.
Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của Tập đoàn dệt may Việt Nam. Ảnh: Xuân Quý (Vinatex)

Ngày 29/6, tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017.
Tại hội nghị, Tổng Giám đốc Vinatex – ông Lê Tiến Trường khẳng định, con đường duy nhất của Vinatex nói riêng và dệt may Việt Nam nói chung là phải tăng được thị phần, lấy được khách hàng của các quốc gia dệt may khác.

Muốn được như vậy, thì Vinatex buộc phải đổi mới công nghệ càng sớm càng tốt. Và giai đoạn 2017-2020 là giai đoạn “phải thắt lưng buộc bụng” để đầu tư mạnh vào công nghệ.

Trong năm 2017, Vinatex cần tích cực cải tổ, thay đổi phương thức kinh doanh, tiếp tục lộ trình thoái vốn nhà nước, tăng tốc phát triển. Nền kinh tế thế giới có thể đạt mức tăng trưởng từ 2-3%, nhu cầu dệt may thế giới phục hồi nhẹ, khoảng 0,5%.

Bên cạnh đó, Mỹ có thể sẽ điều chỉnh tăng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng từ Trung Quốc, bao gồm cả hàng dệt may sẽ tạo ra những tín hiệu tích cực đối với xuất khẩu dệt may Việt Nam như tăng thị phần tại Mỹ, dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Mặc dù vậy, dệt may Việt Nam càng phải cạnh tranh đơn hàng gay gắt hơn do các doanh nghiệp Việt Nam chưa có khả năng cung cấp các giải pháp trọn gói và gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các điều kiện giao hàng của các nhà nhập khẩu.
Các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu dệt may lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia tiếp tục thu hút đơn hàng nhờ các chính sách hỗ trợ về thuế, tỷ giá, trong khi các trợ lực được kỳ vọng hỗ trợ cho xuất khẩu như các Hiệp định EVFTA, TPP đều chưa có hiệu lực năm 2017.

Chi phí đầu vào cũng tăng cao (đặc biệt là chi phí tiền lương, bảo hiểm, vận chuyển và giá điện), giá bán đầu ra liên tục bị khách hàng yêu cầu giảm giá. Ngành dệt may vẫn đang thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao, vận hành được máy móc thiết bị hiện đại, đặc biệt là ở khâu Dệt - Nhuộm.

Do đó, Tập đoàn Dệt May Việt Nam cần quyết liệt nâng cao năng lực quản lý và quản trị doanh nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hướng tới một tập đoàn quy mô khu vực và quốc tế; đẩy mạnh công tác mở rộng thị trường mới tại các nước Đông Âu, tận dụng ưu thế từ các FTAs đã có hiệu lực.

Đầu tư hiệu quả, tăng năng suất, giảm chi phí, nâng cao năng lực hiện có của chuỗi cung ứng hoàn tất sợi-dệt-nhuộm-may; quản lý và đầu tư tài chính thông minh, xem xét thoái vốn tại những đơn vị yếu kém, sử dụng vốn chưa hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nhân viên Tập đoàn, đáp ứng điều kiện mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục