Di dời nhà nổi, du thuyền Hồ Tây: Sẽ tiến hành thanh tra trong tháng 7

18:18' - 29/06/2016
BNEWS Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Hà Nội sẽ thanh kiểm tra điều kiện kinh doanh và điều kiện an toàn phương tiện của tất cả các đơn vị kinh doanh tại đây trong tháng 7 tới.
Di dời nhà nổi, du thuyền trả lại phong quang cho mặt nước Hồ Tây. Ảnh: Tuyết Mai-TTXVN

Trao đổi với phóng viên về việc đình chỉ hoạt động của bến thủy Hồ Tây, chiều 29/6, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định, việc di dời bến thủy nội địa Hồ Tây là đúng quy định và không thể chần chừ nhằm chấm dứt tình trạng vi phạm hoạt động không phép, hoạt động không đảm bảo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách, cũng như ngăn chặn hành vi kinh doanh vì lợi nhuận, bất chấp quy định của pháp luật và tính mạng của người dân tồn tại lâu nay của nhiều đơn vị hoạt động tại đây.

Trước mắt, đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố sẽ thanh kiểm tra điều kiện kinh doanh và điều kiện an toàn phương tiện của tất cả các đơn vị kinh doanh tại đây trong tháng 7 tới. Nếu đơn vị nào đủ điều kiện mới tiếp tục cho phép hoạt động, đơn vị không đủ điểu kiện sẽ kiên quyết di dời ra khỏi khu vực Hồ Tây.

Hồ Tây. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Theo ông Viện, trước đây, thành phố đã giải tỏa toàn bộ phương tiện thủy hoạt động trước đường Thanh Niên dồn về khu vực Hồ Tây phía đầu phố Thụy Khuê. Tuy nhiên, tại đây, nhiều doanh nghiệp hoạt động không phép trong nhiều năm, các ụ nổi, vật liệu nổi không được các cơ quan chức năng kiểm định điều kiện hoạt động cũng như đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường… Các vi phạm cũng đã được xử lý nhưng không dứt điểm.

Trước yêu cầu đảm bảo an toàn vận tải thủy, UBND thành phố yêu cầu đình chỉ hoạt động bến thủy nội địa tại đây. Sở Giao thông Vận tải phối hợp với UBND quận Tây Hồ đã yêu cầu các đơn vị hoạt động tại đây dừng hoạt động và thực hiện các biện pháp giám sát việc chấp hành quy định của các đơn vị từ ngày 20/6.

“Việc thanh kiểm tra sẽ kết thúc trong tháng 7, đề nghị các đơn vị hoạt động tại đây hợp tác để việc thanh kiểm tra kết thúc sớm. Cơ quan chức năng xem xét nếu đơn vị đáp ứng được các điều kiện sẽ tiếp tục cho phép hoạt động trong khi quy hoạch bến mới chưa hoàn thiện xong”, ông Viện cho biết.

Cùng với việc di dời nhà nổi, du thuyền đang hoạt động tại Hồ Tây, thành phố cũng đã có chủ trương quy hoạch khu Hồ Tây thành sản sản phẩm du lịch văn hóa đặc biệt. Sở Du lịch đang xây dựng đề án để triển khai trong thời gian tới.

Việc xây dựng bến mới Đầm Bảy để di dời nhà nổi, du thuyền Hồ Tây về hoạt động, thành phố đã giao cho UBND quận Tây Hồ chủ trì và Sở Kế hoạch Đầu tư đánh giá, thẩm định phương án đầu tư hạ tầng và dịch vụ kèm theo.

Trước đó, ngày 27/6, Chánh Văn phòng UBND quận Tây Hồ Võ Bích Thủy cho biết, việc chưa thể di dời bến thủy Hồ Tây về khu vực Đầm Bảy là do bến mới chưa được đầu tư xây dựng xong.

Theo thống kê của UBND quận Tây Hồ (Hà Nội), hiện có 13 đơn vị đang kinh doanh, hoạt động tại khu vực hồ Tây. Phương tiện thủy hoạt động trên hồ Tây bao gồm nhiều chủng loại, kích thước đa dạng, gồm: 8 tàu du lịch, 1 tàu thể thao; 13 xuồng máy (cano); 10 thuyền chèo tay; 115 vịt đạp nước; 3 bến đợi, 4 nhà nổi, 9 sàn nổi, phao nổi; 16 cầu dẫn, sàn cứng (không có thiết kế, đăng kiểm).

Đáng nói, đa số tàu thuyền khu vực này đã tự ý hoán cải, mở rộng kích thước để phục vụ kinh doanh. Các bến thủy nội địa này đều chưa được cấp phép hoạt động từ năm 2010, do quận Tây Hồ chưa cấp giấy phép hoạt động du lịch, dịch vụ giải trí, văn hóa, thể thao trên hồ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục