Đi tìm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nước thải

12:45' - 05/05/2017
BNEWS Trong bối cảnh thế giới đang chịu nhiều áp lực về nước sạch, vấn đề quản lý nước thải đang đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu an ninh nước toàn cầu.
Cần giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác nước, xả nước thải. Ảnh: TTXVN

Với chủ đề là “Nước thải”, Ngày Nước thế giới 2017 hướng đến tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức của cả xã hội về giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, tái sử dụng nước, bảo vệ tài nguyên nước, khai thác, sử dụng tài nguyên nước một cách tiết kiệm và hiệu quả.

* Việt Nam hưởng ứng Ngày Nước thế giới 2017

Ngày Nước thế giới là sự kiện được tổ chức hằng năm, nhằm kêu gọi sự quan tâm của toàn thế giới về tầm quan trọng của tài nguyên nước và vận động quản lý bền vững tài nguyên nước.

Tại Việt Nam, từ năm 2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các tỉnh tổ chức Lễ Mít tinh quốc gia và các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới tại tỉnh Ninh Thuận, Hậu Giang, Cần Thơ, Lai Châu, Bắc Giang, Thanh Hóa.

Năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ Mít tinh quốc gia và các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới từ ngày 17 đến 22/3 tại TP. Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), đồng thời gửi Công văn phát động hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2017 trên 63 tỉnh, thành toàn quốc.

Bắc Ninh được lựa chọn để tổ chức Ngày Nước thế giới 2017 bởi tỉnh này có nguồn nước thải đa dạng (từ các khu/cụm công nghiệp, làng nghề, nước thải sinh hoạt) đồng thời cũng là địa phương đang chịu các thách thức về nguồn nước. Một lý do khác nữa là hiện nay, vấn đề tái sử dụng nước thải, đưa ra các giải pháp giảm thiểu tác động ô nhiễm nguồn nước và môi trường của tỉnh Bắc Ninh đang trở thành thách thức cần sớm được giải quyết trong tiến trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Được biết, các hoạt động chính gồm: Triển lãm ảnh chào mừng Ngày Nước thế giới 2017; Hội thảo khoa học chủ đề về tài nguyên nước; Chương trình giao lưu nghệ thuật chào mừng Ngày Nước thế giới 2017; Lễ Mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới 2017 tại TP. Bắc Ninh.

Ngoài ra, sẽ phát sóng trailer tuyên truyền về Ngày Nước thế giới 2017 trên đài truyền hình Trung ương và địa phương từ ngày 17 đến ngày 22-3; trên các tuyến phố chính của tỉnh Bắc Ninh cùng thời gian này cũng sẽ treo băng rôn, poster về Ngày Nước thế giới 2017.

* Dự báo thế giới thiếu 40% nước sạch trong 20 năm nữa

Nước vô cùng quan trọng, nó khởi nguồn cho mọi sự sống và là một trong trong những nhu cầu không thể thiếu với bất kì loài sinh vật nào kể cả con người. Tuy nhiên, nhu cầu sống đó đang dần bị đe dọa nghiêm trọng. Bởi bên cạnh lượng nước bị thâm hụt do việc sử dụng nước bừa bãi và không đúng mục đích, thì chất lượng nước cũng đang suy giảm trầm trọng. Và nguyên nhân chính là do ý thức của chính mỗi con người chúng ta.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, hiện trên toàn cầu, hơn 80% nước thải xả trực tiếp ra môi trường không qua xử lý và không được tái sử dụng. Hậu quả trước tiên là gây mất cân bằng sinh thái, một số loài sinh vật bị tuyệt chủng do không thích nghi với nguồn nước bị ô nhiễm.

Nước xả thải sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người chúng ta. Nước bị ô nhiễm gây ra các bệnh: da liễu, đường ruột, ung thư… Bởi vậy, việc xử lý nước thải ngay tại nguồn để giảm thiểu những tác hại của nước thải đến môi trường, cũng như hướng đến bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước đang được coi là nhiệm vụ cấp bách toàn cầu.

Theo thống kê, thế giới hiện có khoảng 1,8 tỷ người sử dụng nguồn nước uống có chứa vi khuẩn gây ra các bệnh như tiêu chảy, kiết lị, thương hàn... Điều đó, khiến 842 nghìn người chết mỗi năm do ảnh hưởng của các căn bệnh này. Thống kê cũng cho thấy, hiện có 663 triệu người chưa được tiếp cận với các nguồn nước uống hợp vệ sinh.

Vừa qua, Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO) cùng Hội đồng Nước thế giới (WCC) đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ thiếu nước sạch trên diện rộng sẽ diễn ra ở nhiều quốc gia đang phát triển trong vài năm tới. Cụ thể, thế giới có thể sẽ thiếu 40% nước sạch trong 20 năm nữa, 1/3 dân số toàn cầu sẽ chỉ có được một nửa lượng nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp sẽ thiếu nước trầm trọng. Đây là hệ quả xảy ra do tác động của môi trường kết hợp với hiện tượng biến đổi khí hậu.

Có nhà khoa học còn dự báo, thảm họa tự nhiên kiểu như lũ lụt ở Pakistan, Australia, Việt Nam, Trung Quốc… được dự báo sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong những năm tới. Và tình trạng thiếu hụt nước sạch, những căn bệnh liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm sẽ càng thêm trầm trọng khi các thành phố lớn ngày càng một phình rộng.

Như vậy, phát triển bền vững ngày càng trở nên cấp bách, gay gắt, hơn bao giờ hết đòi hỏi phải giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước và sử dụng hiệu quả. Trong đó, việc tái sử dụng nguồn nước thải đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển bền vững.

* Xử lý nước thải - nhiệm vụ cấp bách

Trong bối cảnh thế giới đang chịu nhiều áp lực về nhu cầu sử dụng nước sạch, thì vấn đề quản lý nước thải đang đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu an ninh nước toàn cầu.

Để quản lý nước thải ở nước ta, cần triển khai thực hiện việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với nhiều hoạt động khai thác tài nguyên nước có lợi thế như: thủy điện, sản suất công nghiệp, khai thác nước dưới đất để tưới cây công nghiệp... Việc thu tiền khai thác tài nguyên nước sẽ thúc đẩy ý thức và tăng cường các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả hơn, cũng cần đẩy mạnh việc thực thi các chính sách ưu đãi đối với các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm.

Bên cạnh đó, phải thực hiện cơ chế giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước. Đồng thời, xã hội hóa việc quan trắc lưu lượng, chất lượng nước thải. Nghĩa là các cơ sở xả nước thải, các cơ sở khai thác nước sẽ phải tự đầu tư lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động, phân tích chất lượng nước thải...

Sau đó, kết nối tự động trực tuyến hoặc nhập số liệu quan trắc định kỳ vào hệ thống giám sát chung do nhà nước đầu tư (bao gồm phần cứng, phần mềm và đường truyền) tạo thành một hệ thống thống nhất giữa Trung ương, địa phương, thậm chí trên từng lưu vực sông.

Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý ở cả Trung ương và địa phương với các phần mềm phân tích, xử lý số liệu trực tuyến sẽ theo dõi thường xuyên, phát hiện và cảnh báo, xử lý kịp thời các trường hợp không tuân thủ quy định của pháp luật.

Theo đánh giá chung, nếu chúng ta sớm đưa có chế giám sát này vào thực thi sẽ có tác dụng ngăn ngừa, hạn chế mạnh tình trạng không tuân thủ trong việc xả nước thải và việc vận hành bảo đảm dòng chảy tối thiểu, gây ô nhiễm, cạn kiệt các dòng sông như hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục