Dịch lở mồm long móng đang có nguy cơ bùng phát trên diện rộng

18:51' - 13/10/2017
BNEWS Mặc dù các địa phương đã tích cực kiểm soát, nhưng nguy cơ dịch bệnh lở mồm long móng lây lan ra diện rộng là rất cao trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa hiện nay.
Trạm Thú y thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) ghi nhận 2 ổ bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc thuộc xã Cư Êbur và phường Tân Lập. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm gia súc tại hai ổ dịch này đều dương tính với virút lở mồm long móng type 0. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN

Trước tình hình dịch bệnh lở mồm long móng đang có nguy cơ bùng phát trở lại trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian gần đây, dịch lở mồm long móng đã xảy ra tại một số khu vực thuộc địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Tây Nguyên cũng như tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ các tỉnh phía Nam.

Mặc dù các địa phương đã tích cực kiểm soát, nhưng nguy cơ lây lan ra diện rộng là rất cao trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa hiện nay. Đặc biệt có sự lưu hành của 2 típ lở mồm long móng khác nhau là típ O và típ A, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.

Đối với các tỉnh đang có dịch lở mồm long móng, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; lấy mẫu gửi xét nghiệm để xác định típ vi rút gây bệnh, làm căn cứ lựa chọn loại vắc xin phù hợp tiêm phòng bao vây dập dịch.

Bên cạnh đó, tập trung mọi lực lượng để nhanh chóng dập tắt dịch, cách ly triệt để và đánh dấu gia súc mắc bệnh để quản lý; giao chính quyền cấp xã, thôn quản lý chặt chẽ các ổ dịch; vệ sinh tiêu độc khử trùng ổ dịch.

Đồng thời, tổ chức tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng bao vây các ổ dịch cũng như cho đàn gia súc ở vùng có nguy cơ mắc bệnh; lựa chọn chủng loại vắc xin tiêm phòng phù hợp theo khuyến cáo của Cục Thú y.

Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những tổ chức, cá nhân vận chuyển, giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật nhiễm bệnh, làm lây lan dịch bệnh.

Đối với các địa phương chưa có dịch lở mồm long móng cần tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm ổ dịch, đặc biệt tại các khu vực có ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh.

Khi có dịch xảy ra, thực hiện tiêu hủy triệt để gia súc mắc bệnh khi dịch còn ở diện hẹp và áp dụng các biện pháp chống dịch quyết liệt nhằm dập tắt nhanh ổ dịch.

Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, không để động vật, sản phẩm động vật mang mầm bệnh vào địa phương làm lây lan dịch bệnh; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại, tính chất lây lan và các biện pháp phòng, chống dịch lở mồm long móng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

>>>Cà Mau xuất hiện thêm đàn lợn mắc bệnh lở mồm, long móng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục