Điện lực miền Nam xây dựng nhiều công trình trị giá hàng trăm tỷ đồng

17:48' - 29/05/2018
BNEWS Theo thông tin từ Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), trong thời gian qua, đơn vị đã khởi công và đóng điện nhiều công trình lớn, có giá trị hàng trăm tỷ đồng.
Điện lực miền Nam xây dựng nhiều công trình trị giá hàng trăm tỷ đồng. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Báo cáo từ Tổng công ty cho hay, trong thời gian năm 2015-2017, Tổng công ty Điện lực miền Nam được Tập đoàn giao nhiệm vụ thực hiện một số công trình lưới điện 220kv có tính chất phân phối gồm các công trình: trạm 220kV Cần Đước và đường dây đấu nối, tỉnh Long An; Trạm 220kV Long Xuyên 2 và đường dây đấu nối, An Giang; Trạm 220kV khu công nghiệp Sa Đéc và đường dây đấu nối, tỉnh Đồng Tháp.

Cụ thể, công trình Trạm 220kV Long Xuyên 2 và đường dây đấu nối, An Giang với tổng mức đầu tư 309,6 tỷ đồng, đã được Tổng công ty hoàn tất và đóng điện đưa vào vận hành trong tháng 12/2017.

Cùng với đó, 2 công trình trạm 220kV khu công nghiệp Sa Đéc và đường dây đấu nối, tỉnh Đồng Tháp tổng mức đầu tư 218,8 tỷ đồng; Trạm 220kV Cần Đước và đường dây đấu nối, tỉnh Long An có tổng mức đầu tư 337 tỷ đồng, đang trong giai đoạn thực hiện thi công và dự kiến sẽ hoàn tất đóng điện trong quý III/2018.

Chỉ tính riêng 4 tháng của năm nay đã có 12 công trình được khởi công và hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành 10 công trình lưới điện 110kV, với tổng khối lượng là: 52 km đường dây 110kV xây dựng mới, 28 km đường dây 110kV cải tạo và tổng công suất 475 MVA.

Với lưới điện trung hạ áp, Tổng công ty hoàn thành 48 công trình, với tổng khối lượng: 52,4 km đường dây trung áp xây dựng mới, 28 km đư ờng dây trung áp cải tạo, 98 km đường dây hạ áp xây dựng mới, 43,8 km đường dây hạ áp cải tạo và tổng công suất trạm phân phối là 50,5 MVA.

Ông Phạm Ngọc Lễ, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cho hay, trong năm nay, Tổng công ty sẽ tiếp tục khởi công 9 công trình lưới điện 110kV, gồm: Trạm 110kV Đức Hòa 3 và đường dây đấu nối; Trạm 110kV Mỹ Xuyên và đường dây đấu nối – 40MVA; Nhánh rẽ đấu nối trạm 110kV Far Eastern; Nhánh rẽ đấu nối trạm 110kV Bàu Bàng; ĐD 110kV NM điện gió Khai Long - trạm 110kV Năm Căn; Phân pha xây dẫn ĐD 110kV 173 Cà Mau 2-132 Ngọc Hiển; Lắp MBA T2-25MVA trạm biến áp 110kV Bù Đăng; Lắp MBA T2 40MVA trạm biến áp 110kV Đà Lạt 1; Trạm 110kV Đức Hòa 3 và đường dây đấu nối...

Trong kế hoạch dài hạn của mình, Điện lực miền Nam đang thực hiện các công trình Đường dây 220kV Kiên Bình – Phú Quốc và Trạm 220kV Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Công trình Đường dây 220kV Kiên Bình – Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang và Trạm ngắt Phú Quốc (giai đoạn sau sẽ chuyển thành Trạm 220kV), đến nay đã hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư như, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 01/2018; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tháng 03/2018; phê duyệt thiết kế thi công tháng 04/201.

Dự kiến các công trình sẽ triển khai các thủ tục đấu thầu xây lắp trong tháng 5-6/2018 và khởi công xây dựng công trình trong tháng 7/2018.

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Tổng công ty cho biết, đơn vị đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu xếp vốn cho các công trình này.

Ông Phạm Ngọc Lễ cho hay, công trình Đường dây 220kV Kiên Bình – Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang có quy mô xây dựng và tổng mức đầu tư được phê duyệt 2.212 tỷ đồng, với tổng chiều dài 80,88km; bao gồm hơn 436m đường dây 110kV trên bờ, hơn 12.600m đường dây 220kV trên bờ, hơn 64.700m đường dây 220kV trên biển và hơn 3.140m đường dây 220kV trên đảo…

Còn với đường dây 110kV Phú Quốc – Nam Phú Quốc, có tổng mức đầu tư 597 tỷ đồng, ông Phạm Ngọc Lễ cho hay, công trình này nhằm thực hiện đồng bộ với công trình Đường dây 220kV Kiên Bình – Phú Quốc, vì toàn bộ đường dây này là đường dây hỗn hợp 4 mạch gồm 2 mạch 220kV thuộc đường dây Kiên Bình – Phú Quốc và 02 mạch 110kV thuộc đường dây Phú Quốc – Nam Phú Quốc. Hiện đã hoàn tất thủ tục đầu tư, chuẩn bị đấu thầu xây lắp.

Tổng công ty Điện lực miền Nam cho hay, tổng mức đầu tư cho các công trình này là hơn 2.968 tỷ đồng (giai đoạn 1). Đây là con số rất lớn, Tổng công ty đang tìm kiếm để vay thương mại 70% tổng mức đầu tư, còn 30%, Tổng công ty phải đối ứng bằng vốn tự có (tương đương 890 tỷ đồng).

Trong khi đó Tổng công ty đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn để thực hiện đầu tư trong giai đoạn 2018-2020 (còn thiếu 5.839 tỷ đồng).

“Vì vậy, Tổng công ty rất mong được Tập đoàn Điện lực Việt Nam có ý kiến chỉ đạo, hỗ trợ”, ông Phạm Ngọc Lễ kiến nghị.

Theo EVN SPC, hiện nguồn vốn vay ODA rất khó khăn, các ngân hàng trong nước bị hạn chế khả năng cho vay. Trong khi nhu cầu đầu tư cho lưới điện là rất lớn.

Tổng công ty mong có sự hỗ trợ từ phía địa phương trong việc huy động nguồn vốn đầu tư lưới điện từ ngân sách tỉnh, vốn đối ứng trước của địa phương, khách hàng vay các tổ chức tín dụng địa phương nhằm bổ sung nguồn vốn đầu tư còn thiếu giai đoạn đến 2020.

Trong trường hợp không thu xếp đủ vốn thực hiện, Tổng công ty sẽ xem xét giãn tiến độ thực hiện các công trình qua giai đoạn sau. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục