EVNSPC ứng dụng công nghệ mới trong điều hành sản xuất kinh doanh

07:26' - 26/07/2017
BNEWS Đến cuối tháng 6/2017, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã đưa vào vận hành thêm 96 trạm biến áp (TBA) điều khiển xa, nâng tổng số trạm điều khiển xa trong Tổng công ty lên 162 trạm.
EVNSPC ứng dụng công nghệ mới trong điều hành sản xuất kinh doanh. Ảnh minh họa: TTXVN

Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết đến cuối tháng 6/2017, Tổng công ty đã đưa vào vận hành thêm 96 trạm biến áp (TBA) điều khiển xa, nâng tổng số trạm điều khiển xa trong Tổng công ty lên 162 trạm.

Cùng với việc đưa vào vận hành các TBA điều khiển xa, EVNSPC tiếp tục phát triển, tích hợp thêm các Module quản lý như: Module quản lý thông số thí nghiệm máy biến áp lực 110 kV, Module quản lý công tác thí nghiệm - chuẩn đoán tủ hợp bộ và đầu cáp ngầm 22 kV tại TBA 110 kV, dự kiến hoàn tất trong năm 2017.

Tổng công ty cũng đã rà soát, hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu Phần mềm quản lý lưới điện phân phối (GIS 110 kV) và đồng bộ dữ liệu sang phần mềm PMIS của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Năm 2017, Tổng công ty hoàn tất việc bổ sung Module quản lý chất lượng điện năng (tích hợp vào chương trình GIS 22 kV) để quản lý công tác đo chất lượng điện năng khách hàng. Hiện đơn vị đang tổ chức nghiệm thu, đào tạo phần mềm và dự kiến triển khai vận hành chính thức trong quý III/2017.

Dự kiến trong quý IV/2017, EVNSPC tiếp tục triển khai Module “Kiểm tra lưới điện bằng thiết bị di động” (máy tính bảng), cho phép người công nhân kiểm tra lưới điện với máy tính bảng, sau đó tự động nhập số liệu kiểm tra vào chương trình, trích xuất các cảnh báo khiếm khuyết lưới điện, theo dõi xử lý tồn tại….

Đây là giải pháp tiến đến loại bỏ việc ghi chép trên phiếu, các sổ sách theo dõi tồn tại, giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí hồ sơ sổ sách.

Ngoài các công việc đang triển khai, Tổng công ty cũng đã chủ động phối hợp với Trung tâm Viễn thông và Công nghệ thông tin (EVNICT) đồng bộ toàn bộ cơ sở dữ liệu phần mềm GIS 22 kV sang hệ thống quản lý kỹ thuật lưới điện (PMIS).

Bên cạnh đó, Tổng công ty còn ứng dụng công nghệ sửa chữa hotline và vệ sinh hotline. Từ năm 2015 đến nay, Tổng công ty đã trang bị 135 bộ thiết bị vệ sinh hotline cho các đơn vị; đào tạo 185 đội thực hiện vệ sinh hotline và sản lượng điện tiết kiệm được khi thực hiện vệ sinh hotline là gần 11,6 triệu kWh.

Đối với công nghệ sửa chữa hotline, giai đoạn 1, Tổng công ty đầu tư trang bị cho 6 đơn vị công nghệ sửa chữa hotline. Giai đoạn 2, Tổng công ty đầu tư trang bị thêm cho 7 đơn vị công nghệ sửa chữa hotline.

Hiện nay Tổng công ty đã ký hợp đồng trang bị dụng cụ thi công hotline, xe gàu hotline, xe cẩu hotline và dự kiến sẽ ký hợp đồng đào tạo thi công hotline sau khi thực hiện xong đợt đào tạo của giai đoạn 1./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục