Định hướng nào cho sàn giao dịch công nghệ trong công nghiệp 4.0?

15:57' - 19/03/2018
BNEWS Sàn giao dịch công nghệ quốc gia phải đẩy mạnh việc liên kết với các địa phương, đồng thời phối hợp hoạt động với nhiều đơn vị khác nhau trong mạng lưới chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước.
Định hướng nào cho sàn giao dịch công nghệ trong bối cảnh cách mạng 4.0?. Ảnh minh họa: TTXVN

Sàn giao dịch công nghệ được xem là tổ chức quan trọng, có vai trò cốt lõi trong phát triển thị trường khoa học và công nghệ, đồng thời là nền tảng cho các hoạt động tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ, đánh giá khoa học, định giá công nghệ...

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với vai trò trung tâm của công nghệ số đặt ra cho Việt Nam nhiều câu hỏi về mô hình, phương thức hoạt động, cơ cấu tổ chức, các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) xin giới thiệu chùm bài viết về phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

Phát triển thị trường khoa học và công nghệ: Bài 1 - Định hướng Sàn công nghệ trong bối cảnh cách mạng 4.0

Sàn giao dịch thông tin công nghệ được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2006. Sau 12 năm hoạt động, trước bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự giao thoa của các công nghệ thuộc các ngành công nghiệp khác nhau, dẫn tới sự chuyển đổi hệ thống sản xuất, quản lý... ở mỗi quốc gia.

Vì vậy, cần nghiên cứu đưa ra mô hình sàn giao dịch công nghệ quốc gia phát triển theo xu thế mới, đáp ứng nhu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0.

* Chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng

Ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Mục tiêu Sàn giao dịch công nghệ nhằm tăng cường xúc tiến, chuyển giao công nghệ và các giao dịch công nghệ, giới thiệu, chào bán, kết nối cung cầu và chuyển giao công nghệ thiết bị.

Thời gian qua, Sàn giao dịch công nghệ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức 5 kỳ Techmart (Chợ Thiết bị và Công nghệ) quốc gia và quốc tế, hơn 30 kỳ Techmart vùng nhằm kết nối cung – cầu, chuyển giao công nghệ, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu giới thiệu công nghệ, thiết bị, các kết quả nghiên cứu và các quỹ đầu tư giới thiệu thủ tục tham gia quỹ đến các doanh nghiệp.

Giai đoạn 2016-2017, sàn đã tổ chức 1 kỳ Techmart vùng và 2 kỳ Techmart chuyên ngành với việc giới thiệu, tham gia chào bán gần 2.300 công nghệ, thiết bị, giải pháp, phần mềm, dịch vụ với các hợp đồng và giao dịch hơn 150 tỉ đồng.

Các chủ đề Techmart thiết thực như: Ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý môi trường, chế biến thực phẩm, nông nghiệp sạch; ứng dụng kết quả nghiên cứu, tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn... Bên cạnh đó, sàn giao dịch thông tin công nghệ đã cung cấp thông tin cho hơn 500 yêu cầu về công nghệ, thiết bị.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng: Hiện nay, việc phát triển các sàn giao dịch công nghệ được quan tâm đẩy mạnh, sàn giao dịch thông tin công nghệ có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động kết nối, thu hút được sự quan tâm và tham gia của các tổ chức, cá nhân, nhà khoa học và doanh nghiệp trên phạm vi cả nước nhưng chưa phát huy được hiệu quả đúng như kỳ vọng.

Thực tế, tại sàn giao dịch công nghệ, việc kết nối cung – cầu công nghệ chưa thực sự hiệu quả vì chưa quản lý được số lượng cũng như giá trị các hợp đồng triển khai thành công. Bên cạnh đó, nguồn cung công nghệ của thị trường còn hạn chế, chưa có công nghệ “cấp bách” để doanh nghiệp đổi mới.

Đặc biệt, việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cho các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn trong việc định giá, xác định phương thức chuyển giao. Thực tế, sàn giao dịch thông tin công nghệ mới chỉ “dừng” ở việc thực hiện chức năng kết nối thông tin khoa học và công nghệ giữa các bên cung và cầu công nghệ, thiết bị và chủ yếu thực hiện trên môi trường mạng internet và thông qua các kỳ Techmart nên chưa phát huy hiệu quả và chưa được như kỳ vọng.

Bên cạnh đó, thực hiện chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cho các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn trong việc định giá, xác định phương thức chuyển giao. Đặc biệt là chưa thiết lập được mạng lưới chuyên gia tư vấn cũng như cơ chế hoạt động để góp phần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tư vấn, thương mại hóa công nghệ.

* Đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ và quảng bá

Trước làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Sàn giao dịch công nghệ đã tổ chức nhiều hội thảo các chủ đề như: Công nghệ thông minh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; giới thiệu những xu hướng và kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ mới nhất về công nghệ tự động hóa, giải pháp chiếu sáng thông minh đô thị...

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ với trung tâm là sự phát triển công nghệ số đã đặt ra cho Việt Nam áp lực thay đổi mô hình, phương thức hoạt động, cơ cấu tổ chức… của sàn giao dịch công nghệ. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Sàn giao dịch công nghệ quốc gia phải đẩy mạnh việc liên kết với các địa phương, đồng thời phối hợp hoạt động với nhiều đơn vị khác nhau trong mạng lưới chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước. Đặc biệt, Sàn giao dịch công nghệ quốc gia được tổ chức và triển khai giao dịch thường xuyên để hỗ trợ, quảng bá công nghệ, thiết bị, sản phẩm liên tục cho các đối tượng có nhu cầu.

Sàn giao dịch công nghệ quốc gia là nơi hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học và doanh nghiệp trưng bày, trình diễn, quảng bá thiết bị, dịch vụ khoa học và công nghệ có thể bán, chuyển giao cho các doanh nghiệp, các đối tượng có liên quan.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc sử dụng các ưu thế của công nghệ thông minh mới như trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, triển khai kết nối các sàn giao dịch cấp quốc gia và cấp cơ sở lại với nhau để chia sẻ thông tin, cũng như các cơ sở dữ liệu về chào bán, tìm kiếm công nghệ, thiết bị doanh nghiệp đang cần đổi mới; xây dựng cơ chế kỹ thuật để tích hợp các nguồn thông tin phân tán thành một khối nhưng vẫn đảm bảo tính độc lập của nguồn thông tin để người dùng truy cập hệ thống dữ liệu thông tin đầy đủ.

Ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia nhấn mạnh: Sự phát triển thương mại điện tử và làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo môi trường giao dịch, trao đổi, chuyển giao công nghệ, thiết bị thuận lợi và thống nhất khi tham gia hệ thống.

Thời gian tới, với xu thế phát triển của các sàn giao dịch công nghệ trên thế giới, Sàn giao dịch công nghệ quốc gia sẽ nghiên cứu và đề xuất phương thức đấu giá công nghệ trực tuyến dựa trên môi trường internet. Bên cạnh đó, Sàn giao dịch công nghệ quốc gia tiếp tục duy trì và phát triển các cơ sở dữ liệu, thông tin công nghệ và thiết bị chào bán, trong đó tập trung tìm kiếm các thông tin về các công nghệ, thiết bị mà doanh nghiệp đang cần để đổi mới.../.

Đào tạo nhân lực cho cách mạng công nghiệp 4.0 không thể dùng “bài cũ”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục