Doanh nghiệp đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới

12:18' - 30/11/2017
BNEWS Doanh nghiệp đã có những đóng góp rất tích cực vào xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi cơ cấu sản xuất và tư duy phát triển nông nghiệp nhiều vùng nông thôn.

Ông Ngô Tất Thắng - Phó chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Sáng 30/11, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tổ chức diễn đàn doanh nghiệp, doanh nhân đối với phong trào khởi nghiệp trong xây nông thôn mới. Ông Ngô Tất Thắng - Phó chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho rằng, Chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2010 - 2015 đã khẳng định vai trò và sự đóng góp rất tích cực vào xây dựng nông thôn mới của các doanh nghiệp.

Ông Ngô Tất Thắng cho biết, trong bối cảnh suy thoái của nền kinh tế, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn nhưng doanh nghiệp đã có những đóng góp rất tích cực vào xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi cơ cấu sản xuất và tư duy phát triển nông nghiệp nhiều vùng nông thôn. Điển hình như: Tập đoàn TH, Hoàng Anh Gia Lai, Vinamilk, Mía đường Lam Sơn, Bảo vệ thực vật An Giang…

Các doanh nghiệp này đã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, bao tiêu sản phẩm, tham gia tích cực phát triển chuỗi giá trị, khai thác tốt hơn và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, tăng thu nhập… xa hơn nữa là góp phần tích cực thúc đẩy tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đào tạo nên một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp hơn.

Đáng chú ý, doanh nghiệp Long Bình (tỉnh Long An) hàng năm tiêu thụ nông sản cho nông dân tới 150 tỷ đồng, tài trợ đến 52 tỷ đồng trực tiếp cho địa phương xây dựng nông thôn mới. Hay như doanh nghiệp Phan Hải ở vùng quê nghèo Quảng Bình đã tài trợ 70 tỷ đồng cho các công trình hạ tầng nông thôn mới ở địa phương...

Tuy nhiên, bên cạnh những tập đoàn lớn tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thì phần lớn các doanh nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam còn rất nhỏ. Tính đến giữa năm 2016, Việt Nam chỉ có trên 4.000 doanh nghiệp nông nghiệp (chiếm dưới 1% trên tổng số 420.000 doanh nghiệp của cả nước); trong đó có tới 50% doanh nghiệp siêu nhỏ (dưới 10 lao động), các doanh nghiệp này không có cấu trúc rõ ràng, mô hình quản lý sơ khai và đặc biệt không có chiến lược kinh doanh và kế hoạch sản xuất. Ngoài ra, vẫn còn không ít chính sách chưa phù hợp hoặc thủ tục hành chính rườm rà gây khó khăn cho doanh nghiệp nông nghiệp phát triển.

Còn theo ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp – Nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương), chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn thiếu tính đồng bộ, đơn lẻ, phương pháp xây dựng chính sách còn chậm đổi mới. Bên cạnh đó, năng lực quản lý của chủ doanh nghiệp, hợp tác xã còn hạn chế... là những nguyên nhân cản trở doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Do đó, ông Tiến cho rằng, các cơ quan quản lý cần hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Đồng thời, cải thiện môi trường sản xuất, đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp để thu hút, hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Liên quan đến chính sách đất đai, theo ông Ngô Tất Thắng, Chính phủ cần xác định giá đền bù ruộng đất cho nông dân thỏa đáng, nhằm đảm bảo cho người dân yên tâm sau khi giao đất cho doanh nghiệp. UBND các tỉnh phải là trọng tài trong các dự án giao đất cho doanh nghiệp, không để doanh nghiệp vừa phải trả tiền cho dân mua đất lại phải trả tiền thuê đất.

Bên cạnh đó, đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều rủi ro. Do vậy, cần hỗ trợ doanh nghiệp về cơ sở hạ tầng, có gói tín dụng riêng cho vay đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Hỗ trợ ít nhất 30% phí bảo hiểm nông nghiệp cho doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Thắng cho rằng cần hỗ trợ thêm về xúc tiến thương mại, khoa học kỹ thuật, chi phí đào tạo nghề…

"Việc khai thác lợi thế nông nghiệp và các chính sách ưu tiên, ưu đãi sẽ đưa đến những cơ hội mới để các doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư, đóng góp hiệu quả hơn vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới" - ông Thắng nhấn mạnh.

Đến nay, sau gần 7 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cả nước hiện có 2.853 xã (31,96%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, 41 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh, thành được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến, đến hết năm 2017, có ít nhất 42 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục