Doanh nghiệp không thể tự tìm hiểu để hội nhập

15:33' - 13/10/2015
BNEWS Thiếu thông tin về hội nhập quốc tế là một trong những điểm yếu nhất của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia và các doanh nghiệp đều khẳng định điều này.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, đại diện doanh nghiệp vừa và nhỏ ông Nguyễn Nhân Phượng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy và Bao bì Phú Giang, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Bắc Ninh đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về những khó khăn của các doanh nghiệp trước những làn sóng cạnh tranh từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã và vừa được ký kết.

Ông Nguyễn Nhân Phượng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy và Bao bì Phú Giang kiêm Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Bắc Ninh. Ảnh: Ngọc Quỳnh/Bnews

Phóng viên: Sau những FTA đã ký kết giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN), với Liên minh châu Âu (EU) và mới đây là kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông cho biết các doanh nghiệp Bắc Ninh nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung đã có sự tiếp cận như thế nào với tiến trình hội nhập?

Ông Nguyễn Nhân Phượng: Tôi cho rằng về cơ bản là doanh nghiệp chưa hiểu nhiều, chưa hiểu rõ về các thông tin hội nhập.

Đa phần các doanh nghiệp chưa nắm được thế nào là hiệp định thương mại tự do; Những lợi ích mang lại khi Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do; Các yêu cầu phải tuân thủ, cũng như nghĩa vụ phải thực hiện các cam kết là gì…

Vì thế, ngoại trừ một số doanh nghiệp cỡ vừa đã bắt đầu có sự chủ động tìm hiểu về hội nhập qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua Internet hay các trang mạng xã hội, còn lại phần lớn các doanh nghiệp quy mô nhỏ vẫn “bình chân như vại” với tâm lý an phận.

Phóng viên: Thái độ thờ ơ đó xuất phát từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan nào thưa ông?

Ông Nguyễn Nhân Phượng: Đúng là có thờ ơ. Song về chủ quan thì theo tôi, điều này phụ thuộc một phần vào quy mô hoạt động của doanh nghiệp, do nhận thức và tầm hiểu biết còn hạn chế của chính những người đứng đầu, lãnh đạo doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là các doanh nghiệp Việt còn rất thiếu thông tin, thiếu nguồn tin về hội nhập. Phía Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cần tổ chức nhiều đoàn nghiên cứu, khảo sát thị trường để tìm hiểu ở các nước phát triển, các nước đối tác cùng ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.

Điều này để tìm hiểu họ đang cần gì, họ có nhu cầu về thương mại, trao đổi mua bán hay hợp tác sản xuất, họ muốn nhập các mặt hàng, sản phẩm nào mà ta có thế mạnh… Những thông tin ấy là cực kỳ hữu ích và thiết thực đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu thông tin của đại đa số các doanh nghiệp trong nước hiện nay.

Đại hội thi đua yêu nước khối doanh nghiệp, doanh nhân lần thứ 1 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Trách nhiệm của Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam không chỉ là cầu nối, là nơi cập nhập thông tin mà còn là địa chỉ để các doanh nghiệp Việt đến và tìm hiểu, điều gì là phù hợp với mình. Tức là về thị trường, về khả năng tài chính, về năng lực và trình độ sản xuất, về lĩnh vực, mặt hàng mà doanh nghiệp có thế mạnh...

Tôi cho rằng, với những thông điệp như vậy sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam ở mọi quy mô và lĩnh vực hoạt động như sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ đều có thể nắm bắt được các cơ hội hợp tác đầu tư hay liên doanh, liên kết. Đó chính là sự giúp đỡ, hỗ trợ thực tế nhất mà các doanh nghiệp đang cần.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và dần tham gia vào quá trình hội nhập?

Ông Nguyễn Nhân Phượng: Thực tế thì chưa nhiều. Đâu đó ở tỉnh nọ, tỉnh kia cũng đã được Bộ Công Thương trực tiếp phối hợp với địa phương mở lớp đào tạo, giới thiệu và cập nhật thông tin về hội nhập, về các hiệp định thương mại tự do cho doanh nghiệp tìm hiểu.

Song, ngay như Bắc Ninh là tỉnh sát sườn với trung tâm Hà Nội, thì đến nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc hiệp hội chúng tôi cũng chưa được tiếp cận với các hoạt động này, chưa được đào tạo hay được giới thiệu về các quy định, quy tắc mà doanh nghiệp phải tuân thủ khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do.

Đây là điều trước mắt cần được làm ngay và phía hiệp hội cũng sẽ triển khai ngay nếu được sự hỗ trợ của các sở ngành địa phương.

Theo tôi, doanh nghiệp đang cần một nơi để hỏi, cần một địa chỉ để tìm hiểu vì doanh nghiệp thực sự đang quan tâm tới hội nhập. Chứ để doanh nghiệp tự đi tìm hiểu thì sẽ vô cùng vất vả.

*Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thạch Huê (Thực hiện)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục