Doanh nghiệp Nhà nước trước yêu cầu đổi mới

08:20' - 04/11/2017
BNEWS Mặc dù có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp quan trọng trong cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, song khu vực này vẫn bộc lộ những hạn chế cần thay đổi để phù hợp trong tình hình mới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Kinh tế nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước không chỉ để khắc phục khiếm khuyết của thị trường mà còn là yêu cầu tất yếu để đảm bảo xây dựng thành công nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.

Mặc dù đã có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp quan trọng trong cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, song khu vực này vẫn bộc lộ những hạn chế cần thay đổi để phù hợp trong tình hình mới.

Cấp bách đổi mới

Hiệu quả kinh doanh và đóng góp của phần lớn DNNN còn thấp. Ảnh minh họa: TTXVN

Kể từ năm 2001, vấn đề cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN đã được đưa vào Nghị quyết số 05-NQ/TW “Về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN” của Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương khoá IX. Tiếp đó, qua các kỳ Đại hội, Đảng đã có nhiều Nghị quyết, Kết luận bổ sung và khu vực doanh nghiệp này đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cùng với cơ chế, chính sách của Nhà nước, DNNN đã trở thành công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định Kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường, kiềm chế lạm phát; đóng góp lớn trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng-an ninh và thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội.

Từ chỗ cả nước có hơn 12.000 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, đến năm 2001 giảm xuống còn 5.655 doanh nghiệp và đến tháng 10/2016 chỉ còn 718 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Hiện DNNN vẫn đang là trụ cột hàng đầu của nền kinh tế và đóng góp tới 28,8% GDP.

Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN (Nghị quyết Trung ương 5) đã đánh giá, đến nay DNNN vẫn chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế Nhà nước; chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế.

Nghị quyết cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiệu quả kinh doanh và đóng góp của phần lớn DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư, nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn.

Những hạn chế kìm hãm sự phát triển

Tại Báo cáo nghiên cứu Đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện cho thấy, trên thực tế hoạt động tái cơ cấu DNNN đến nay vẫn chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu DNNN phải tập trung vào những ngành, lĩnh vực quan trọng cần tới vai trò của vốn đầu tư nhà nước và phù hợp với chức năng của DNNN trong nền kinh tế thị trường.

Vốn và tài sản nhà nước vẫn dàn trải ở hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế; mức độ phát triển theo chiều sâu còn hạn chế. Bên cạnh đó, vốn thu về nhưng không được đầu tư và chuyển dịch sang các ngành nghề cần tới vai trò của DNNN.

Theo TS Trần Đức Cường, Trưởng nhóm thực hiện báo cáo của CIEM, điều này có nghĩa là tái cơ cấu DNNN nói chung, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước nói riêng vẫn chưa làm thay đổi phân bổ nguồn lực của nền kinh tế. Vì vậy, tác động đến tái cơ cấu kinh tế nói chung còn mờ nhạt.

Cũng theo CIEM, giai đoạn 2011 - 2015, cả nước phá sản được 8 DNNN thua lỗ thì từ năm 2016 đến nay chỉ phá sản được 1 doanh nghiệp. Số lượng này quá ít so với toàn bộ doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, cần phải phá sản.

“Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng trong đó nguyên nhân chủ yếu do chủ nợ và người lao động đều không muốn phá sản”, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp (CIEM) phân tích.

Ngoài ra, thất thoát tài sản của dự án, doanh nghiệp yếu kém cũng chưa xác định trách nhiệm của ai. Bộ máy quản lý, cơ quan chủ quản kiêm nhiệm nhiều vị trí khác nhau và đặc biệt có nhiều hình thức hỗ trợ để tránh phá sản DNNN. Cùng đó, công tác cổ phần hóa đang xuất hiện những “lỗ hổng” làm thất thoát một lượng lớn vốn Nhà nước.

Theo đó, nhiều DNNN bị “thâu tóm” bởi các doanh nghiệp trái ngành, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết. Câu chuyện Hãng Phim truyện Việt Nam trở thành sở hữu của một doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường thủy mới đây là một ví dụ bởi DNNN bị “thâu tóm” bởi các doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn xa lạ.

Đáng chú ý, kết thúc kế hoạch tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015 có đến 20% tập đoàn, tổng công ty thua lỗ, lỗ lũy kế, gặp nhiều rủi ro dẫn tới không tự chủ được về mặt tài chính.

“Không ai biết dòng vốn nhà nước trong DNNN đang chảy như thế nào bởi không có con số chính xác. Đây là nhược điểm lớn nhất của quản trị, thiếu mô hình giám sát nên không cảnh báo được rủi ro, yếu kém. Và chỉ phát hiện ra khi hậu quả đã rồi”, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết.

Tạo đột phá mới

 Tập trung xử lý dứt điểm các DNNN không hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Ảnh minh họa: TTXVN

Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước nhằm mục tiêu đến năm 2020 cơ cấu lại, đổi mới DNNN trên cơ sở các tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc các ngành, lĩnh vực.

Theo đó, hoàn thành thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, tham gia góp vốn; tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài…

Theo báo cáo của CIEM, mục tiêu tái cơ cấu DNNN ở Việt Nam đến năm 2020 nên theo hướng cơ cấu lại ngành nghề, quản trị và hiệu quả - lợi nhuận - cạnh tranh. Sẽ có 240 doanh nghiệp nhà nước cần sắp xếp lại trong giai đoạn này.

Trong số đó, 103 DNNN cả Trung ương lẫn địa phương vẫn tiếp tục được duy trì. 31 DNNN chiếm cổ phần sở hữu chi phối, phần lớn là tập đoàn, tổng công ty quan trọng và 106 doanh nghiệp cổ phần hoá nhà nước giữ dưới 50% vốn.

Để thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo và mục tiêu tái cơ cấu DNNN trong thời gian tới, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều nhấn mạnh đến các giải pháp như: tập trung xử lý dứt điểm các DNNN không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, kể cả bằng biện pháp giải thể, phá sản; bảo đảm vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp được định giá đầy đù, hợp lý, công khai, minh bạch.

Đồng thời nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh các trường hợp định giá thấp tài sản, vốn của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp không đúng quy định của pháp luật để trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn Nhà nước.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách để DNNN thật sự vận hành theo cơ chế thị trường; tách bạch nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ chính trị, công ích của DNNN; đồng thời xây dựng và áp dụng khung quản trị doanh nghiệp với các nguyên tắc phù hợp chuẩn mực quốc tế tại các DNNN.

Thiết lập các hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu quả trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật, rủi ro, xung đột lợi ích, “lợi ích nhóm”, “sân sau”, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, tiêu cực, tham nhũng. Theo đó, người đứng đầu DNNN phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật và Nhà nước về toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp; bảo đảm tính minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình của DNNN, đặc biệt về tài chính, đầu tư, mua sắm, sử dụng vốn của Nhà nước.

Còn theo quan điểm của TS. Nguyễn Đình Cung, trước mắt Việt Nam cần đi vào những chỉ tiêu cụ thể của từng doanh nghiệp. Ví như ở một doanh nghiệp đang hoạt động thua lỗ thì doanh nghiệp đó cần phải đặt mục tiêu có lãi; đối với doanh nghiệp đang lợi nhuận ít thì phải hướng đến giải pháp tăng lợi nhuận.

“Cần giao từng chỉ tiêu cụ thể như thế đối với từng doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi phải đánh giá rất thực chất về thực trạng của doanh nghiệp để có “đường” cơ sở so sánh. Tiếp đến, dần dần phải tiến bộ với đường cơ sở này”. TS. Cung khẳng định.

Ngoài ra, TS. Cung cho rằng, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ thông qua việc thực hiện tái cấu trúc cơ chế quản trị để đảm bảo giám sát hiệu quả huy động và sử dụng nguồn lực tại các DNNN hiện nay.

"Có thể thấy hiện nay trách nhiệm giải trình về quản lý tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh không rõ. Cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá thường xuyên trong hệ thống chính trị và trong xã hội còn thiếu, chưa được coi trọng hoặc chưa đủ mạnh để tạo áp lực, buộc cá nhân, tổ chức được giao quản lý DNNN phải thực hiện đúng các chủ trương đổi mới. Vì vậy, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ thì mới đảm bảo kiểm soát được hiệu quả phân bổ nguồn lực đến đâu cũng như làm rõ được trách nhiệm quản lý”, TS. Cung nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Đặng Đức Đạm khẳng định, việc thành lập Cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu Nhà nước là cần thiết. Tuy nhiên, mô hình này đang trong quá trình nghiên cứu thảo luận đi đến thống nhất.

“Vấn đề quan trọng không nằm ở số lượng doanh nghiệp chuyển đổi mà là đóng góp thực sự tích cực và hiệu quả của cổ phần hóa và cải cách DNNN vào tái cơ cấu kinh tế cũng như sự phát triển chung của đất nước. Do đó, trong giai đoạn 2016-2020, cần có các giải pháp căn bản hơn như cải thiện quản trị DNNN theo chuẩn mực quốc tế, áp đặt kỷ luật thị trường và kỷ luật tài chính đối với DNNN”, Viện Phó CIEM, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Đại Lai, chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho rằng, mọi tài sản của Nhà nước và của công đều là tài sản của nhân dân một cách có địa chỉ và có tổ chức. Với quan điểm đó, Nhà nước cần phải sớm xây dựng và ban hành Luật Cổ phần hóa DNNN để tạo lối ra cho quá trình cổ phần hóa bằng cách luật pháp hoá những tư duy chiến lược và quan điểm hành động.

Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, nhìn từ cộng đồng doanh nghiệp trong nước, cần nhất quán tư tưởng chính sách về vị trí và vai trò của DNNN; phân loại DNNN tương ứng với hình thức sắp xếp, chuyển đổi sở hữu và quản lý; hoàn thiện thể chế cổ phần hóa DNNN; đồng thời cần phát triển thị trường tài chính để mở rộng khả năng cơ cấu lại tài chính doanh nghiệp…

Ngoài ra, việc sắp xếp đổi mới DNNN buộc doanh nghiệp phải hoạt động theo cơ chế thị trường, muốn vậy phải xóa bỏ phân biệt đối xử, những đặc lợi đặc quyền; đồng thời mở ra khuôn khổ để doanh nghiệp tự chủ trong kinh doanh…

“Với những giải pháp trên, nếu thực hiện một cách quyết liệt, DNNN sẽ đi vào hiệu quả, thực chất và đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển của đất nước.”, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung kỳ vọng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục