Tăng trưởng GDP không chỉ phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực

14:02' - 02/11/2017
BNEWS Kết quả tăng trưởng đạt được không chỉ phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực, sản phẩm như Sam Sung hay một số sản phẩm thép, mà tăng trưởng đồng đều ở tất cả các ngành, lĩnh vực.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp thu, giải trình những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Trong 2,5 ngày thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020, đã có 94 đại biểu phát biểu và 27 đại biểu tham gia tranh luận. Cuối phiên họp sáng 2/11, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giải trình các nội dung mà các đại biểu quan tâm.
* Tăng trưởng đồng đều cả 3 lĩnh vực
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đã đề ra, bên cạnh những thuận lợi thì không ít những khó khăn, đặc biệt là tình hình thiên tai diễn ra liên tiếp, diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhằm huy động tối đa các nguồn lực bên trong và bên ngoài cho đầu tư phát triển, đồng thời đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân để tháo gỡ những khó khăn trong đầu tư, sản xuất kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017-2018 của Việt Nam đã tăng 5 bậc; Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2018 dự kiến Việt Nam sẽ tăng 14 bậc. "Đây là tín hiệu rất mừng về môi trường đầu tư kinh doanh cũng như môi trường phát triển của Việt Nam", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tăng trưởng kinh tế đã đạt kết quả rất tích cực. 9 tháng đầu năm 2017, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,41%, ước cả năm sẽ đạt 6,7%. Đạt kết quả này là nhờ tăng trưởng cao và khá đồng đều ở cả 3 khu vực: Nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.

Khu vực nông nghiệp trong 9 tháng tăng 2,78%, cao hơn gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2016, riêng thủy sản tăng 5,42%, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 35 tỷ USD. Khu vực công nghiệp – xây dựng trong 9 tháng tăng 7,17%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng rất mạnh (12,77%). Trong tháng 10 này, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng mạnh (17%). Khu vực dịch vụ tăng trưởng cao, tổng đầu tư toàn xã hội cũng tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2016.

"Như vậy, kết quả tăng trưởng đạt được không chỉ phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực, sản phẩm như Sam Sung hay một số sản phẩm thép, mà tăng trưởng đồng đều ở tất cả các ngành, lĩnh vực, các sản phẩm của nền kinh tế. Đặc biệt, lần đầu tiên nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng không phụ thuộc vào sự tăng trưởng của ngành khai khoáng. Điều đó cho thấy, chất lượng của nền kinh tế đang ngày càng được cải thiện, đồng thời việc tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt được những kết quả quan trọng”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng còn thấp thể hiện ở chất lượng đầu tư không cao; hạn chế trong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, dịch vụ; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; năng suất lao động ở nhiều ngành, lĩnh vực còn thấp; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với lựa chọn mô hình tăng trưởng phù hợp còn chậm và lúng túng ở nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung điều hành, chỉ đạo để tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với lựa chọn mô hình tăng trưởng hợp lý ở các ngành, lĩnh vực, sản phẩm..; tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn mới. Trong đó, tập trung các giải pháp đồng bộ, tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến các lĩnh vực tạo dựng được môi trường đầu tư kinh doanh tốt như Luật Đầu tư, Luật Đất đai; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm và yêu cầu quy hoạch không giới hạn địa giới hành chính có liên kết, hợp tác, phân công vùng; gắn quy hoạch với tái cơ cấu sản xuất các ngành, lĩnh vực; gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch nhằm xác định lộ trình, cơ cấu vốn đầu tư một cách khoa học, phù hợp với điều kiện của Việt Nam; xác định những dự án ưu tiên; tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển mạnh những doanh nghiệp. Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng là lấy doanh nghiệp làm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, cùng với sự tham gia của người dân với vai trò quyết định thành công của sản xuất, phân phối sản phẩm.
* Lồng ghép việc phòng chống thiên tai trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội
Về công tác phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh sự quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc phòng chống, giảm nhẹ hậu quả của thiên tai, đề ra các chiến lược dài hạn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Đối với hạn chế trong công tác này, Phó Thủ tướng nêu lên nguyên nhân do chất lượng công tác dự báo, cảnh báo. "Dự báo, cảnh báo những cơn bão mạnh trong thời gian qua tốt, nhưng dự báo mưa, lũ quét, lũ ống, các khu vực có nguy cơ sạt lở đất còn rất bị động, hạn chế. Đây là nguyên nhân chính khiến không thể chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại khi thiên tai xảy ra", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó là một số hạn chế về nguồn lực cho công tác phòng chống thiên tai; tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng là rất nghiêm trọng; tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, lấn chiếm lòng sông, bờ sông, kênh rạch...; việc sắp xếp bố trí dân cư vào các vùng an toàn chậm được thực hiện, lúng túng, bị động.
Hiện nay, Chính phủ đang tập trung hoàn thiện chiến lược quốc gia về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, trong đó lấy phòng ngừa là chính. Bên cạnh đó, tập trung lồng ghép việc phòng chống thiên tai trong xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện tốt chương trình ứng phó biến đổi khí hậu gắn với tăng trưởng xanh; quy hoạch phân bổ lại dân cư, tập trung vào khu vực miền núi Bắc bộ, Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long; bảo vệ nguồn nước ngọt, bảo vệ rừng, đê điều, hồ đập...
* Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, không khí thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn và mang tính xây dựng. Nội dung, ý kiến phong phú, đa dạng, khá sâu sắc và toàn diện. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao và thống nhất với nhiều nội dung trong các báo cáo của Chính phủ và 2 báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước, biểu dương tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội, tạo tiền đề quan trọng cho các năm tiếp theo.
Về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% song cần đánh giá thêm về hiệu quả, tính bền vững và chất lượng tăng trưởng, tăng trưởng vẫn dựa nhiều vào vốn và phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); năng suất lao động chưa được cải thiện rõ nét; sự tăng trưởng chưa bền vững còn thể hiện ở vấn đề ô nhiễm môi trường, việc xử lý chất thải, rác thải; còn nhiều khó khăn, thách thức trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế. Về thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017, nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện dự toán ngân sách năm 2017 là tích cực, có nhiều chuyển biến, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước, bảo đảm cân đối ngân sách Nhà nước.

Thu ngân sách Nhà nước tăng 2,5% so với dự toán chủ yếu là tăng thu của ngân sách địa phương, trong khi thu ngân sách Trung ương khó đạt dự toán, một số khoản thu không đạt dự toán như thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu. Đặc biệt, thu từ 3 khu vực kinh tế: Doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp ngoài quốc doanh có thể đều không đạt dự toán. Thu từ nội tại nền kinh tế chưa bền vững và thiếu tính ổn định.
Nhiều ý kiến thống nhất, năm 2018 là năm bản lề trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 nên có ý nghĩa rất quan trọng. Dự báo năm 2018 kinh tế thế giới có dấu hiệu tăng trưởng khá hơn, song xu hướng tăng cường các biện pháp bảo hộ sẽ tác động đến thương mại của các nước. Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn khó khăn, thách thức.

Đó là sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều trở ngại, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế còn chuyển biến chậm; biến đổi khí hậu và thiên tai, tác động xấu của ô nhiễm môi trường tiếp tục là những thách thức lớn đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018.

“Quốc hội tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, chúng ta sẽ hoàn thành thắng lợi các kế hoạch về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2018”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh./.
>> Siết kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng Chính phủ kiến tạo


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục