Doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội: Tự nguyện hay tăng chế tài?

07:02' - 08/03/2016
BNEWS Trách nhiệm xã hội và đạo đức trong kinh doanh là điều mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng nỗ lực thực hiện.
ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Tổng Thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam. Ảnh: DĐDN

“Doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội chính là cam kết hoạt động kinh doanh có đạo đức, không chỉ góp phần phát triển kinh tế, mà còn không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động và gia đình họ, đóng góp cho địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động cũng như toàn cộng đồng nói chung”.

Nhận định này được ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Tổng Thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam đưa ra. Tuy nhiên trách nhiệm xã hội được xem là khái niệm mới mẻ, thậm chí còn rất xa lạ với phần đông doanh nghiệp. 

Trách nhiệm xã hội và đạo đức trong kinh doanh là điều mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng nỗ lực thực hiện. Song Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thừa nhận một thực trạng, không phải ai trong số họ cũng đều hiểu về trách nhiệm xã hội mà doanh nghiệp cần làm.

Đơn giản và dễ hiểu hơn, 3 điều cốt yếu gắn với trách nhiệm xã hội mà doanh nghiệp phải làm là chăm lo tới đời sống của người lao động và gia đình họ; thực hiện cam kết về chất lượng, giá thành và hiệu quả sử dụng của sản phẩm, dịch vụ mà mình cung cấp không gây tổn hại tới sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo mọi hoạt động trong chu trình sản xuất, kinh doanh, thương mại không gây lãng phí tài nguyên, không gây ô nhiễm môi trường và không xâm hại tới an toàn sống của cộng đồng xung quanh.

Trong nhiều năm qua, vô vàn vụ việc doanh nghiệp “thờ ơ” trách nhiệm xã hội diễn ra gây xôn xao và bất bình trong dư luận.

Rất khó để thống kê có bao nhiêu doanh nghiệp xả thải, gây ô nhiễm môi trường hoặc tận diệt tài nguyên...; bao nhiêu doanh nghiệp, hộ kinh doanh coi nhẹ sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng khi cung cấp ra thị trường thực phẩm “bẩn” chứa chất gây ung thư, chất tạo nạc… ; bao nhiêu doanh nghiệp thiếu trách nhiệm với người lao động khi trốn nộp thuế, hay bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, vi phạm về quy định thời gian làm việc, vi phạm chế độ lương bổng, an toàn lao động…

Những điều nhức nhối ấy khiến toàn xã hội lo lắng!

Pháp luật cũng đã ban hành các khung pháp lý, các chế tài xử phạt những doanh nghiệp, tổ chức kinh tế vi phạm như: nặng thì rút giấy phép kinh doanh và cấm hoạt động; nhẹ thì phạt tiền, bồi thường thiệt hại hoặc nhắc nhở, kiển trách…

Song theo nhận định chung của các chuyên gia nghiên cứu về phát triển thì mọi hình thức kỷ luật, xử phạt theo pháp luật hiện hành còn là quá nhẹ và chưa xứng đáng nếu so sánh với những hậu quả để lại, mà không chỉ đời nay và nhiều thế hệ sau này vẫn phải hứng chịu.

Trước thực trạng này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, quan ngại cho rằng: “Vấn đề ở đây là có thể trông cậy đến đâu vào sự tự nguyện của doanh nghiệp, nếu thiếu khung pháp luật, thiếu chế tài và sự giám sát cần thiết của xã hội dân sự và công chúng.

Kinh nghiệm cho thấy, mãnh lực của lợi nhuận có thể làm cho doanh nhân trở nên mù quáng, vô trách nhiệm bằng cách che dấu các hành vi phạm pháp của mình. Từ đó cho thấy, sự tự nguyện của doanh nghiệp là rất mỏng manh”.

Với gần 30 năm kinh nghiệm ở cương vị lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp, ông Đặng Ngọc Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty đầu tư tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm, việc thể hiện trách nhiệm xã hội và đạo đức trong kinh doanh phụ thuộc vào văn hóa doanh nghiệp và lương tâm của người lãnh đạo.

Cái tâm của doanh nghiệp là phải hướng tới sự phát triển chân chính, làm giàu chính đáng và song hành với sự phát triển chung của toàn xã hội. Chứ không phải “giẫm đạp” lên lợi ích của đối thủ cạnh tranh hay bất chấp sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.

Từ thực tế của doanh nghiệp, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Traphaco, đơn vị đã 3 lần lọt Top 10 doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội trong giải thưởng Sao vàng Đất Việt, cho biết, Traphaco luôn hướng tới chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ để không chỉ có lợi cho doanh nghiệp, cho tổ chức mà vì toàn xã hội.

Doanh nghiệp cũng là xã hội thu nhỏ, mà ở đó, người lao động luôn cần được ưu tiên và chăm lo về các quyền lợi. Ảnh minh họa: TTXVN

Traphaco xác định, cần có cái tâm, có đạo đức nhiều hơn đối với sản phẩm mà mình làm ra, thậm chí, ngay trong việc xây dựng giá thành sản phẩm cũng phải làm sao để phù hợp với người tiêu dùng.

Thực hiện trách nhiệm xã hội chính là tạo nên sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp và thậm chí giúp nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, nên ngay từ khi cổ phần hóa, Traphaco luôn suy nghĩ tới việc tạo môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động.

Doanh nghiệp cũng là xã hội thu nhỏ, mà ở đó, người lao động luôn cần được ưu tiên và chăm lo về các quyền lợi. Chính chiến lược này đã đưa Traphaco trở thành doanh nghiệp số 1 của ngành dược phẩm hiện nay.  

Thực tế cho thấy, thế giới đang ngày càng “phẳng” hơn. Doanh nghiệp Việt Nam giờ không chỉ "chơi với nhau trong ao làng", mà đang cùng chơi với mọi doanh nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực và đa quốc gia trên một sân chơi chung toàn cầu. Chắc chắn, đó là nơi cần những doanh nghiệp ứng xử tử tế và ít nhất nếu bị loại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục