Chuỗi trung tâm tiếng Anh từng lớn nhất Việt Nam: Từ doanh thu nghìn tỷ đến khối nợ khổng lồ

11:17' - 30/03/2024
BNEWS Từng là "con gà đẻ trứng vàng" của Apax Holdings, chuỗi trung tâm tiếng Anh lớn nhất Việt Nam Apax Leaders đã kinh doanh ra sao trước khi Shark Thủy vướng vòng lao lý?

Từ doanh thu nghìn tỷ

Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings (mã chứng khoán: IBC) kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục. Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp này là ông Nguyễn Ngọc Thủy (thường được biết đến là Shark Thủy).

Apax Holdings có 3 công ty con là Công ty cổ phần Anh ngữ Apax, Công ty cổ phần Phát triển giáo dục Igarden và Công ty cổ phần Trường liên cấp Firbank Australia, cùng 3 công ty liên kết là Công ty cổ phần Tập đoàn hạ tầng giáo dục, Công ty cổ phần Giáo dục tư duy và Sáng tạo CMS, Công ty cổ phần Hạ tầng Trường liên cấp STEAME.

 

Trong số này, Công ty cổ phần Anh ngữ Apax (Apax English) được coi là công ty con hoạt động hiệu quả nhất. Apax English được thành lập vào năm 2012 với số vốn điều lệ là 1 tỷ đồng và tên gọi ban đầu là CTCP Trò chơi Evui. Sau đó, Apax English nhiều lần thay đổi vốn điều lệ và cơ cấu cổ đông.

Năm 2016, công ty tăng vốn lên 78,1 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Ngọc Thủy góp 7,5 tỷ đồng, tương đương sở hữu 9,6%. Cuối năm 2021, công ty tăng vốn lên 887 tỷ đồng, trong đó có 6,9% là vốn nước ngoài thuộc về một cổ đông Hàn Quốc.

Apax English kết hợp với Tập Đoàn Giáo dục hàng đầu Hàn Quốc Chungdahm Learning tạo nên thương hiệu Apax Leaders. Tính đến cuối tháng 6/2022, Apax Holdings sở hữu 66,36% cổ phần Apax Leaders.

Vào thời kỳ hoàng kim của mình, Apax Leaders từng được đánh giá là chuỗi trung tâm tiếng Anh lớn nhất Việt Nam với hơn 120 trung tâm trên toàn quốc và có hơn 120.000 học viên theo học, phủ sóng tại hơn 30 tỉnh thành.

Doanh thu của hệ thống cũng tăng mạnh qua các năm. Năm 2017, Apax Holdings báo cáo doanh thu thuần tăng đạt xấp xỉ 550 tỷ đồng. Năm 2018, doanh thu đã vượt mốc 1.000 tỷ và lên 1.678 tỷ đồng trong năm 2019, tiếp tục tăng lên 2.000 tỷ đồng trong năm 2020.

Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, toàn bộ hệ thống phải tạm đóng cửa, khiến doanh nghiệp mất nguồn thu chính và hoạt động kinh doanh cốt lõi bị đóng băng.

>>>Shark Thủy bị bắt: Quyền lợi học sinh, phụ huynh của Apax Leaders có bị ảnh hưởng?

Đến khối nợ khổng lồ

Sau COVID-19, Apax Leaders phải đối mặt với một loạt thách thức tài chính, do nguồn thu học phí bị giảm sút trong thời gian nghỉ dịch, cùng việc phải trả lương cho giáo viên và duy trì hệ thống mặt bằng lớn khắp cả nước.

Trong văn bản báo cáo đến Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 12/3 về tình hình của các trung tâm Anh ngữ Apax Leaders trên địa bàn, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết theo thông tin từ Apax, số tiền học phí mà đơn vị này phải hoàn trả cho phụ huynh vẫn còn nợ là khoảng 93,8 tỷ đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Công ty cũng đối mặt với nợ lương cho giáo viên và nhân viên đến tháng 2/2023 là 11,5 tỷ đồng, nợ tiền thuê mặt bằng là 9 tỷ đồng, nợ bảo hiểm xã hội lên đến 31 tỷ đồng đối với người lao động Việt Nam và 1,3 tỷ đồng đối với người nước ngoài.

Trong hệ sinh thái của Shark Thủy, Apax Holdings (mã chứng khoán: IBC) là doanh nghiệp duy nhất đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Vốn điều lệ của IBC cập nhật đến 30/1/2023 đạt 831,5 tỷ đồng, trong đó Egroup sở hữu 59,76%.

Tính đến quý IV/2022, báo cáo tài chính hợp nhất của IBC ghi nhận mức lỗ sau thuế lên đến 92,8 tỷ đồng, và lũy kế cả năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận tổng lỗ là 81,3 tỷ đồng, trái ngược với kết quả lãi 6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước đó.

Số liệu báo cáo cho thấy, đến cuối năm 2022, Apax Holdings ghi nhận doanh thu 1.336 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2021, nhưng lỗ trước thuế đạt 77 tỷ đồng, lỗ ròng 87 tỷ đồng, là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty. Nợ phải trả của Apax Holdings lên đến 3.076 tỷ đồng, gấp đôi vốn chủ sở hữu của công ty (1.520 tỷ đồng).  Trong đó, nợ vay và nợ thuê tài chính chiếm 1.915 tỷ đồng. Nợ vay ngắn hạn là 613 tỷ đồng, trong khi nợ vay dài hạn đạt 784 tỷ đồng.

Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Apax Holdings trong năm 2022 đã âm hơn 444 tỷ đồng, trong khi trong cùng kỳ năm trước đó, con số này dương 282 tỷ đồng.

Năm 2022, Apax Holdings đã bị Cục Thuế Hà Nội cưỡng chế thuế tổng cộng hơn 5,625 tỷ đồng, bao gồm thuế thu nhập cá nhân hơn 1,6 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp gần 3,4 tỷ đồng, và tiền chậm nộp các loại thuế gần 559 triệu đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của Apax Holdings (mã IBC) đã bị đình chỉ giao dịch từ ngày 15/12/2023 do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, theo quy định tại Điểm o Khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.

Đến tháng 12/2023, IBC bị huỷ niêm yết trên sàn chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) và phải chuyển xuống giao dịch trên sàn UpCOM.

IBC đã từng có giá 20.000 đồng/cổ phiếu khi lên sàn HOSE vào năm 2017. Nhưng kể từ phiên 18/9/2023 đến nay, IBC không có giao dịch và vẫn ở mức giá 1.700 đồng/cổ phiếu.

Việc IBC không có giao dịch liên quan đến việc trong thời gian dài, Shark Thuỷ đã vướng vào việc nợ tiền trái phiếu và học phí và cho đến sáng 26/3 Bộ Công an thông báo bắt giam ông, với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

>>>Shark Thuỷ bị bắt, IBC chỉ còn 1.700 đồng/cổ phiếu và không có giao dịch

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục