Đông Nam Á và kỷ nguyên giao thông mới

16:11' - 19/11/2017
BNEWS Dù chưa phổ biến ở Đông Nam Á song các tuyến đường sắt cao tốc không xa lạ với những cường quốc ở châu Á như Nhật Bản hay Trung Quốc.

Hiện nay các đường tàu cao tốc vẫn chưa phổ biến ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, khi dân số đang gia tăng ở các trung tâm đô thị trong lúc giới đầu tư tiềm năng cũng khá quan tâm, chính phủ các nước trong khu vực đang muốn khởi động các dự án hiện đại hóa đường sắt và mở ra một kỷ nguyên mới của kết nối giao thông.

Dù chưa phổ biến ở Đông Nam Á song các tuyến đường sắt cao tốc không xa lạ với những cường quốc ở châu Á như Nhật Bản hay Trung Quốc. Tuyến đường sắt cao tốc kết nối Tokyo với Osaka đã có từ trước Thế vận hội Olympics 1964. Ngoài Nhật Bản, tiến độ phát triển đường sắt cao tốc ở châu Á vẫn còn tương đối chậm chạp.

Phải đến khoảng 10 năm trở lại đây Trung Quốc mới vận hành tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của nước này là tuyến Thượng Hải - Nam Kinh vào năm 2007. Cùng năm, Hàn Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cũng lần lượt cho ra mắt các hệ thống đường sắt cao tốc Korean Train Express (KTX) và Taiwan High Speed Rail (THSR).

Riêng ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan và Malaysia dự kiến sẽ sớm khởi động các cuộc đàm phán về việc xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc dài 1.500km nối thủ đô hai nước và tăng cường sự kết nối khu vực.

Tuyến Bangkok-Kuala Lumpur này nằm trong kế hoạch xây dựng mạng lưới đường sắt liên Á được cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad lần đầu đề xuất trong cuộc họp năm 1995 giữa các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Theo kế hoạch này, một tuyến đường sắt sẽ được xây dựng nối Singapore và thành phố Côn Minh (Trung Quốc), chạy qua Malaysia, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, trong đó các tuyến đường nhánh sẽ nối Thái Lan với Myanmar và Lào.

Một mạng lưới đường sắt tốc độ cao như vậy sẽ cắt giúp giảm thời gian và nhiên liệu. Nhưng quan trọng nhất là nó sẽ thúc đẩy sự phát triển không chỉ ở quanh các thành phố lớn mà còn ở các điểm trung chuyển trên suốt tuyến đường này.

Tiến sỹ Chua Yang Liang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Đông Nam Á của Tập đoàn bất động sản JLL, cho rằng nhờ tuyến đường sắt nói trên, sự thịnh vượng sẽ được phân bố đồng đều hơn ở khu vực này.

Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith cho rằng các thành phố của khu vực ASEAN cần phải được kết nối bằng đường sắt cao tốc. Theo ông, không giống như giao thông hàng không, sự kết nối bằng đường sắt có thể thúc đẩy các thành phố dọc theo tuyến đường sắt phát triển.

Ý tưởng về một tuyến đường sắt liên Á cũng "khớp" với sáng kiến Vàng đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với mục tiêu tạo ra một hành lang kinh tế từ châu Á sang châu Âu bằng cách phát triển các tuyến đường trên biển và trên đất liền.

Sự tham gia của Trung Quốc trong các mạng lưới giao thông ở khu vực Đông Nam Á cũng ngày càng gia tăng. Một tuyến đường sắt nối thành phố Côn Minh và thủ đô Viêng Chăn của Lào đang được triển khai xây dựng. Theo kế hoạch, tuyến đường sắt này sẽ được nối với tuyến đường đến Nong Khai (Thái Lan).

Hiện Nhật Bản đang mong muốn xuất khẩu công nghệ tàu cao tốc shinkansen vốn là niềm tự hào của đất nước "Mặt trời mọc". Tàu shinkansen đã được vận hành ở Vùng lãnh thổ Đài Loan và nhiều thỏa thuận cũng đã được ký kết với Ấn Độ và Thái Lan. Tuy nhiên, năm 2015, Nhật Bản đã để thua Trung Quốc trong cuộc đua giành hợp đồng tàu cao tốc ở Indonesia.

Kinh nghiệm từ các dự án tàu cao tốc trên khắp châu Á có thể được áp dụng với khu vực Đông Nam Á để tạo ra cơ hội cho không chỉ các nhà đầu tư và các nhà thầu, mà còn cho các doanh nghiệp và người dân ở các thành phố dọc theo tuyến tàu cao tốc trong tương lai.

>>>Hỏa hoạn trên tàu cao tốc tuyến Brussels-Paris

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục