Đồng NDT mất giá sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu của Việt Nam

16:33' - 12/08/2015
BNEWS Theo nhận định của một số doanh nghiệp, động thái này của Bắc Kinh chưa tác động ngay đến các doanh nghiệp Việt Nam, song về lâu dài, động thái này sẽ gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu.

Đồng nhân dân tệ Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Chu Xuân Ái, Công ty TNHH Phát triển công nghệ và thương mại Tôn Vinh chuyên xuất khẩu sản phẩm chè, cho biết sau khi Trung Quốc quyết định giảm 1,9% tỷ giá đồng nhân dân tệ vào ngày 11/8, doanh nghiệp này chưa bị tác động ngay lập tức.

Tuy nhiên, theo ông Ái, về lâu dài, động thái này sẽ gây ảnh hưởng đến xuất khẩu, nhất là đối với doanh nghiệp xuất khẩu chè như công ty.

Ông Chu Xuân Ái dự báo kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc có thể sẽ giảm xuất phát từ việc giảm nhu cầu nội địa, giảm nhu cầu hàng hóa tại Trung Quốc, đặc biệt là hàng nguyên vật liệu thô mà Việt Nam đang phần lớn xuất khẩu sang quốc gia này.

Cùng với đó, việc hàng hóa Trung Quốc trở nên rẻ hơn khi đồng nhân dân tệ bị điều chỉnh giá sẽ khiến Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc thậm chí sẽ tăng lên.

Thứ hai, theo ông Ái, quyết định của Trung Quốc về điều chỉnh cũng sẽ khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam ra các thị trường còn lại sẽ chịu áp lực đáng kể do hàng hóa Việt Nam xuất đi các thị trường này khá tương đồng với Trung Quốc.

Không chỉ có Trung Quốc, nhiều nước trong khu vực cũng đang thực thi chính sách đồng tiền yếu.

Trước thực trạng như vậy, ngày 12/8, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá lên biên độ +/-2%.

Như vậy, "việc này vô hình chung làm cho tình hình trở nên cân bằng hơn vì đã bảo vệ doanh nghiệp của Việt Nam khi xuất khẩu.

Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu có lợi vì tiền chúng ta thu về là tiền USD khi chuyển thành tiền Việt sẽ có lợi hơn nhiều. Đồng thời, đảm bảo tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam .

Tuy nhiên, việc này cũng ảnh hưởng phần nào đến các doanh nghiệp nhập khẩu vì sẽ phải dùng tiền USD để thanh toán khi nhập khẩu hàng hóa", ông Ái đánh giá.

Cùng chung quan điểm này, bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng đối với các doanh nghiệp sử dụng nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, mặc dù hiện nay chưa có tác động ngay lập tức đến doanh nghiệp như doanh nghiệp dệt may vì các đơn hàng cũng đã ký được ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, khi các đơn hàng của năm nay được hoàn thiện xong thì tác động đầu tiên là chi phí nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc để sản xuất hàng xuất khẩu sẽ tăng cao.

Nếu như năng lực sản xuất yếu, tài chính hạn hẹp, các doanh nghiệp Việt Nam không thể giảm giá thành nên giá bán sản phẩm của Việt Nam sẽ tăng cao.

Thậm chí lượng cung từ Trung Quốc đến Việt Nam sẽ bị cắt giảm do các nhà sản xuất Trung Quốc hướng tới xuất khẩu những sản phẩm đã chế biến hoàn tất nhằm hưởng lợi cao hơn thay vì xuất nguyên liệu sơ chế như hiện nay.

Khi ấy, các doanh nghiệp Việt Nam có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn từ Trung Quốc.

"Việc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ có tác động đến sự di chuyển luồng vốn đầu tư kéo theo những hệ lụy kinh tế nếu Việt Nam không có sự khắt khe trong lựa chọn.

Cụ thể, khi đồng Việt Nam yếu đi so với đồng nhân dân tệ, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng lên trong đó có luồng đầu tư của Trung Quốc ở những ngành công nghiệp cấp thấp với mục đích tận dụng nguồn tài nguyên và lao động giá rẻ.

Đây là xu thế đầu tư chính của Trung Quốc sang các nước khác và vì vậy nên cạnh tranh trong nước rất có thể sẽ ngày càng áp lực hơn.

Tỷ giá là vấn đề chúng tôi luôn thường xuyên quan tâm.

Về việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá nhưng hiện nay, trong Hiệp hội chưa có doanh nghiệp có ý kiến về vấn đề này", bà Dung cho biết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục