EVNNPT tiếp nối truyền thống – Bài 2: Vạn sự khởi đầu nan

11:25' - 15/05/2018
BNEWS Trong tiến trình hoạt động 10 năm qua (2008 - 2018), Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã từng bước khắc phục muôn vàn khó khăn của những ngày đầu thành lập với “vạn sự khởi đầu nan”.

Điều đáng ghi nhận là chỉ sau 6 tháng thành lập, khi công việc hợp nhất về tổ chức bộ máy, tài chính và cơ sở vật chất còn đang được hoàn tất, thậm chí một số việc còn dang dở, nhưng đến hết năm 2008, toàn Tổng Công ty đã bước đầu truyền tải được hơn 71,3 tỷ kWh, vượt chỉ tiêu kế hoạch Tập đoàn giao. Tỷ lệ tổn thất điện năng đạt 1,64% giảm 0,36% so với chỉ tiêu đầu năm.

Thi công Trạm biến áp 220kV. Ảnh: TTXVN

Cũng sau đó một thời gian ngắn vào tháng 3/2009, Tổng Công ty đã đóng điện thành công đường dây 220kV Châu Đốc - Tịnh Biên - Takeo cấp điện sang Cămpuchia. Đường dây 2 mạch dài 69,5 km, 210 vị trí cột, công suất truyền tải điện lớn nhất 200MW, sản lượng điện trung bình từ 900 triệu đến 1,4 tỷ kWh/năm. Công trình này không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn góp phần mở rộng quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Tiếp theo, Tổng Công ty đã kịp thời hoàn thành các công trình lưới điện 500kV đấu nối đồng bộ Nhà máy Thủy điện Sơn La, đưa dòng điện hòa vào lưới điện quốc gia sớm hơn 2 năm so với kế hoạch.

Thêm một “kỷ lục” về tiến độ là ngày 28/12/2012, sau hơn 12 tháng thi công, Tổng Công ty đã đóng điện và đưa vào vận hành Đường dây 220kV Đắc Nông - Phước Long - Bình Long, góp phần quan trọng đảm bảo cung cấp điện cho các tỉnh phía Nam và Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 5/5/2014, cùng với Đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2, Tổng công ty tiếp tục đóng điện thành công Đường dây 500kV mạch 3 nối từ Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, góp phần quan trọng tạo sự liên kết lưới điện khu vực Đông - Tây Nam Bộ, khắc phục cả việc thiếu điện trong mùa khô ở những khu vực này, nâng cao khả năng trao đổi điện năng giữa các vùng, miền của đất nước. 

Một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng được Tổng Công ty chủ động triển khai là vận hành lưới điện truyền tải đảm bảo an toàn, liên tục và thông suốt; hành lang an toàn lưới điện được kiểm tra, kịp thời khắc phục và ngăn chặn các sự cố có thể xảy ra. Lưới điện truyền tải được vận hành liên tục, an toàn, ổn định, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch của Tập đoàn giao.

Với hơn 7.112 cán bộ, kỹ sư, công nhân lành nghề đang ngày đêm trực tiếp điều hành, làm việc với thiết bị có cấp điện áp cao và siêu cao, đặc biệt nguy hiểm đối với người lao động, người làm công tác an toàn, người trực tiếp quản lý, điều hành tại các vị trí công tác của hệ thống Truyền tải điện Quốc gia.

Mọi sơ xuất, nhầm lẫn, thiếu hiểu biết về kỹ thuật an toàn trong điều hành, thao tác thiết bị điện đều có thể xảy ra tai nạn và sự cố nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp điện của toàn bộ hệ thống điện quốc gia.

Năm 2017, toàn Tổng Công ty đã vượt qua các khó khăn “nút thắt” về nguồn vốn, về giải phóng mặt bằng thi công, truyền tải được 166,17 tỷ kWh, đạt 100,5% so với kế hoạch điều chỉnh Tập đoàn giao, tăng gấp 2,33 lần so với năm 2008.

Nếu như 6 tháng cuối năm 2008, Tổng Công ty đã chi 121 tỷ đồng cho công tác sửa chữa lớn, thì bước vào năm 2017 Tổng Công ty đã chi tới 741,7 tỷ đồng cho 763 công trình, gấp hơn 6 lần so với năm 2008.

Đặc biệt trong năm 2017, Tổng Công ty đã hoàn thành sửa chữa các thiết bị của hệ thống tự động điều khiển, giám sát và thu thập dữ liệu SCADA, sau khi tiếp nhận các thiết bị này trong tình trạng hư hỏng ít nhiều từ các Trung tâm điều độ theo sự chỉ đạo của EVN.

Đến năm 2017, Tổng Công ty đã giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tiết kiệm được khoảng 1,97 triệu kWh so với năm 2016; Tăng hiệu quả sử dụng vốn; Nâng cao hiệu quả vận hành; Nâng cao hiệu quả sử dụng lao động; Nâng cao hiệu quả tài chính.

Đến cuối năm 2017, các chỉ tiêu về tài chính cơ bản của Tổng Công ty đảm bảo đáp ứng các yêu cầu theo quy định, đáp ứng yêu cầu của các tổ chức cho vay vốn với lợi nhuận đạt 345 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch được giao, hệ số bảo toàn vốn là 1,01 lần, khả năng thanh toán ngắn hạn là 1,4 lần, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là 2,4 lần. 

Các chỉ tiêu về suất sự cố hàng năm đều đạt yêu cầu theo hướng năm sau giảm hơn năm trước liền kề (năm 2017 giảm 50 sự cố so với năm 2016).

Công tác phân tích sự cố để khắc phục kịp thời ngày càng được làm tốt hơn, có sự phân tích, đánh giá cụ thể đối với từng trường hợp, từ đó chủ động đưa ra các biện pháp, giải pháp xử lý, như phòng chống các nguyên nhân do sét, mưa lớn và dông bão gây nên; các biện pháp tuyên truyền, vận động, thanh tra, kiểm tra để xử lý nguyên nhân do vi phạm hành lang an toàn lưới điện...

Tuy nhiên, một vấn đề nổi cộm mà cách đây chục năm chưa phát sinh rõ rệt, thì mấy năm gần đây đã khiến Tổng Công ty phải dành nhiều công sức khắc phục.

Đó là tình hình vận hành đảm bảo cung cấp điện năng diễn ra khá căng thẳng, do lưới truyền tải còn nhiều nơi chưa đảm bảo đáp ứng tiêu chí N-1. Đây là tiêu chí bảo đảm không sa thải phụ tải khi hệ thống điện bị sự cố hoặc hệ thống phải vận hành ngoài giới hạn kỹ thuật cho phép.

Thi công móng cột đường dây 500kV. Ảnh: TTXVN

Một số khu vực còn vận hành trong tình trạng đầy và quá tải. Nhiều công trình nguồn điện khu vực phía Nam đưa vào sản xuất chậm, dẫn đến lưới điện 500kV Bắc - Nam luôn vận hành trong tình trạng đầy tải, khiến việc tổn thất điện tăng cao, tăng nguy cơ xảy ra sự cố.

Bên cạnh đó tình hình diễn biến thiên tai phức tạp xảy ra suốt từ Bắc vào Nam, nhất là ở khu vực miền Trung cũng ảnh hưởng đến mức độ an toàn của lưới điện. Các đơn vị thuộc Tổng Công ty đã phải cử người ngày đêm túc trực, sẵn sàng xử lý sự cố, có bộ phận công nhân kỹ thuật đã phải ăn ngủ ngay tại công trường để đảm bảo dòng điện thông suốt, không bị gián đoạn.

Không thể quên được mức độ tàn phá khủng khiếp của các cơn bão số 9, 10, 12, còn được gọi là “siêu bão” tại khu vực miền Trung và ven biển một số tỉnh miền Nam. Với tinh thần trách nhiệm cao, cán bộ, công nhân kỹ thuật của Tổng Công ty đã bám địa bàn, nhanh chóng khôi phục lưới điện truyền tải ở những khu vực này, nhất là giữ vững “trục xương sống” đường dây 500kV Pleiku - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Hà Tĩnh, góp phần giảm thiệt hại về kinh tế, đảm bảo dòng điện liên tục cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong khi đó, kết quả tỷ lệ tổn thất điện năng của các năm 2015, 2016, 2017 có phần tăng cao, xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân khách quan do phương thức vận hành truyền tải cao trên lưới điện 500kV Bắc - Nam, phải truyền tải công suất lớn trong các tháng mưa lũ (gần như đã thành chu kỳ thời tiết), để truyền tải điện từ các nguồn thủy điện miền Bắc và miền Trung vào miền Nam.

Mặc dù còn gây tổn thất điện năng cao trên lưới điện truyền tải, nhưng Tổng Công ty vẫn khai thác có hiệu quả các nguồn thủy điện, huy động hợp lý các nguồn nhiệt điện than giá rẻ tại khu vực miền Bắc, đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam, góp phần đem lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh chung của EVN và của Tổng Công ty.

Theo Tổng Công ty, để giải quyết hết mọi khó khăn - mọi vấn đề vướng mắc, phát sinh ở tất cả các khâu và công đoạn truyền tải điện năng từ đầu vào cho tới đầu ra trong một sớm, một chiều là điều không tưởng, mà chỉ có thể giải quyết từng vấn đề, từng khâu tương ứng với một thời gian nhất định, rồi từng bước đi tới giải quyết tổng thể mọi vấn đề.

Vì thế, Tổng Công ty đã chủ động lựa chọn công việc để đầu tư, thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp tăng cường quản lý kỹ thuật, truyền tải vận hành an toàn tuyệt đối, đáp ứng nhu cầu điện sản xuất cho các doanh nghiệp và điện sinh hoạt cho nhân dân./.

>>> Bài 3: Tăng cường kỷ cương, kỷ luật vận hành

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục